Điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá đất, phân hạng, lập bản đồ địa chính.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường đất (Trang 25 - 26)

Nước ta luôn chú ý đến việc điều tra, khảo sát đất đai; sau đó đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, xây dựng bản đồ địa chính, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất, xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bởi vì, chỉ có thông qua việc điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá đất đai mới có thế phân chia toàn bộ quỹ đất đai trên toàn quốc thành các loại, các hạng thích hợp, căn cứ vào kết quả của đánh giá và phân hạng đất đai mà các nhà khoa học giúp các nhà quản lý định hướng và giúp người sử dụng đất đưa ra quyết định dùng những diện tích đất nông nghiệp cụ thể vào trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả cao.

Theo Khoản 13, Điều 4, Luật Đất đai 2003 thì: "Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã phường, thị trấn, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận

Theo quy định của Luật đất đai bản đồ địa chính được lập theo đơn vị cấp xã và được quản lý tại 3 cấp địa phương là: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan quản lý đất đai của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài bản bằng giấy, bản đồ địa chính còn lưu trữ trong máy tính ở cấp tỉnh, tại Trung tâm Thông tin tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường

Khoản 17, Điều 4, Luật Đất đai 2003 quy định "Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo đơn vị hành chính.

Mục đích của lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là ghi lại sự phân bổ các loại đất của cả nước hoặc một đơn vị hành chính nào đó tại một thời điểm nhất định để đánh giá được hiện trạng quỹ đất đai của cả nước hoặc đơn vị hành chính đó nhằm cung cấp thông tin, số liệu về hiện

trạng sử dụng đất của cả nước hoặc địa phương cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của cả nước hoặc địa phương đó; đồng thời phục vụ cho việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đã có từ lâu. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của xã hội tình hình sử dụng đất đai cũng biến đổi nên những thông tin thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất dần lỗi thời; xã hội càng phát triển nhanh thì biến động về sử dụng đất đai càng nhiều và thông tin trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất cũng càng nhanh lạc hậu. Vì vậy, theo quy định của Luật đất đai bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập 5 năm một lần, gắn liền với việc kiểm kê đất đai. Cứ định kỳ theo các năm chia hết cho 5. Nhà nước tổng kiểm kê đất đai xem biến động về sử dụng đất như thế nào? Đồng thời, để ghi lại sự biến động đó và hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm tổng kiểm kê đất đai Luật đất đai quy định phải lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập ở cả 4 cấp hành chính nên theo thứ tự từ trung ương xuống địa phương sẽ có bản đồ hiện trạng sử dụng đất của toàn quốc; bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các xã, phường, thị trấn. Theo quy định của Luật đất đai việc khảo sát, đo đạc lập và quản lý bản đồ hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi cả nước đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tức là không phân biệt việc khảo sát, đo đạc, lập và quản lý bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở cấp trung ương hay các cấp địa phương. Việc tổ chức thực hiện lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của toàn quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường đất (Trang 25 - 26)