Thứ nhất, Hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng đất đai; các Luật có liên quan đến vấn đề đất đai và đồng thời trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật cần phải bao quát hết phạm vi, đối tượng nghiên cứu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai trên nguyên tắc duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đất đai tham gia thị trường bất động sản; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; đảm bảo tính dân chủ, công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sửa đổi, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp có thể chuyển đổi linh hoạt cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phụ trợ trên đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất. Xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại với quy trình, thủ tục cơ bản được tự động hóa bằng công nghệ số; triển khai thống nhất trong cả nước hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được chỉnh lý biến động thường xuyên đầy đủ, kịp thời; trong đó, hoàn thành việc xây dựng và vận hành hệ thống hồ sơ địa chính dạng số ở một số tỉnh và thành phố.
Xây dựng hệ thống kiểm kê, thống kê đất đai được tự động hóa dựa trên hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được cập nhật chỉnh lý thường xuyên, đầy đủ, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê, kiểm kê nhanh chóng và chính xác.
Hoàn thiện hệ thống quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất với vai trò công cụ quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai một cách hợp lý, quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, hệ thống định giá đất đảm bảo được yêu cầu định giá đất phục vụ các mục đích khác nhau trong quản lý, sử dụng và giao dịch về quyền sử dụng đất; hệ
thống phát triển quỹ đất được hoàn thiện về các mặt quy trình chuyên môn, cơ chế và tiềm lực tài chính hợp lý, đáp ứng nhu cầu tạo quỹ đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của Hệ thống Dữ liệu quốc gia.
Thứ hai, Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đảm bảo chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ chuyên ngành quản lý đất đai; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh của ngành; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và cán bộ cơ sở thuộc vùng sâu, vùng xa.
Đào tạo, xây dựng bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực về đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ xây dựng chính sách, quản lý đất đai. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm đưa công tác quản lý, sử dụng đất theo đúng pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai.
- Thứ ba, Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và đồng bộ
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành Quản lý đất đai.
Đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại và đồng bộ phục vụ công tác điều tra, đánh giá số lượng và chất lượng đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai; lập quy hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ giá đất; đầu tư nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực đất đai.
Đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương.