Tạo nguồn nữ công chức lãnh đạo, quản lý ở Bộ Nội vụ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên quán triệt thực hiện công tác cán bộ nữ; đã xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở định hướng cho việc tạo nguồn; việc xác định cơ cấu nữ công chức lãnh đạo, quản lý đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện; công tác quy hoạch nữ công chức lãnh đạo, quản lý cấp Bộ, cấp Vụ được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo quy định; đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đối với nữ công chức, viên chức để bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm theo quy định; bước đầu thực hiện chủ trương ưu tiên đối với nữ công chức trong bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và bố trí.
Tuy nhiên, tạo nguồn nữ công chức lãnh đạo, quản lý ở Bộ Nội vụ hiện nay cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Chưa có quy định của Bộ để cụ thể hóa tiêu chuẩn công chức lãnh đạo, quản lý đối với từng chức danh theo vị trí việc làm; chưa xác định tỷ lệ, cơ cấu nữ công chức lãnh đạo, quản lý làm cơ sở cho công tác tạo nguồn; công tác quy hoạch nguồn nữ công chức lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đặt trong chiến lược tạo nguồn lâu dài và chưa có quy hoạch riêng dành cho cán bộ nữ; đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đối với nguồn nữ công chức lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế.
Những hạn chế, tồn tại nêu trên là do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ yếu đó là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ về bình đẳng giới, về vai trò năng lực của phụ nữ còn hạn chế, chưa coi công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng; thể chế, chính sách đối với nữ công chức, viên chức và
công tác cán bộ nữ còn nhiều hạn chế; một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác cán bộ nữ còn chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế về điều kiện và cơ hội tham gia của phụ nữ; việc tuyển chọn, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý chưa có nhiều đổi mới; việc xác định cơ cấu nữ công chức lãnh đạo, quản lý và quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý đối với từng chức danh theo vị trí việc làm trong trong các cơ quan nhà nước hiện nay là một vấn đề mới và khó; chưa có đơn vị, bộ phận chuyên trách trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác cán bộ nữ tại Bộ Nội vụ ; bản thân một bộ phận nữ công chức, viên chức còn biểu hiện an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên; chưa có sự chia sẻ, động viên của người chồng và của gia đình trong phát triển sự nghiệp của bản thân.
Trên cơ sở nghiên cứu những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân cơ bản nêu trên, học viên đã đưa ra một số giải pháp phù hợp tại Chương 3 của Luận văn.
Chương 3