Xây dựng quân đội về chính trị là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong quá trình xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh không những chỉ rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, mà còn nêu lên một cách có hệ thống những yêu cầu, nội dung và nguyên tắc, biện pháp cụ thể thực hiện xây dựng quân đội ta về chính trị. Đồng thời, Người thường xuyên chỉ đạo một cách sát sao quá trình xây dựng quân đội ta nói chung, xây dựng quân đội về chính trị nói riêng.
Xây dựng quân đội về chính trị là vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm trong quá trình tổ chức cũng như giáo dục, rèn luyện quân đội. Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh đã xác định: Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân "nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự". Khi đọc Báo báo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá II, tháng 4 năm 1952, Người tiếp tục nhấn mạnh: "Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc"35. "Chính trị trọng hơn quân sự", "phải lấy chính trị làm gốc" thể hiện rất rõ tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị của Hồ Chí Minh trong xây dựng quân đội nhân dân.
ở đây có hai vấn đề cần phải làm rõ: Thứ nhất, quá trình tổ chức và xây dựng quân đội, một tổ chức quân sự, một lực lượng vũ trang của Đảng, của cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không thuần tuý là một tổ chức làm những nhiệm vụ quân sự đơn thuần, mà là một tổ chức vũ trang thực hiện những nhiệm vụ theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người giải thích rõ thêm, "Nó là đội tuyên truyền"; Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là "một đội quân đầu tiên". Nhiệm vụ của "đội tuyên truyền", "đội quân đầu tiên" này phải "dìu dắt", "giúp đỡ", "huấn luyện" các cán bộ vũ trang ở các địa phương để phát triển lên, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta. Nhiệm vụ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, của quân đội còn phải "tuyên truyền", "vận động" quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng. Với ý nghĩa như trên, hoạt động của tổ chức quân sự này là "chính trị trọng hơn quân sự". Thứ hai, "Chính trị trọng hơn quân sự", "phải lấy chính trị làm gốc", nghĩa là tổ chức và hoạt động của quân đội phải dựa trên cơ sở và nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, đường lối chính trị của Đảng Cộng sản. Mọi hoạt động quân sự của tổ chức vũ trang này phải vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; phục vụ thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cái "gốc" chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là ở chỗ đó.
Do đó, xây dựng, huấn luyện, giáo dục quân đội phải dựa trên cái "gốc" chính trị đó và phải nhằm tới thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị của người tổ chức và lãnh đạo quân đội là Đảng Cộng sản. Bất cứ trong trường hợp nào cũng không được xa rời cái "gốc" đó. Theo đó, sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng... là những nội dung cốt lõi của cái "gốc" chính trị cần xây dựng, giáo dục cho quân đội trong tất cả các giai đoạn. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải "chọn lọc" trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất"36 để đảm bảo sự chắc chắn cho cái "gốc" chính trị ngay từ buổi đầu quân đội ta mới thành lập. Người tiếp tục nhấn mạnh: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại"37. Đây là luận điểm rất đặc sắc của Người về vai trò của cái "gốc" chính trị trong xây dựng quân đội. Rõ ràng, theo Hồ Chí Minh không thể có thứ quân đội phi chính trị, quân đội phi giai cấp; chính trị không những là cơ sở cho các mặt xây dựng khác của quân đội mà nó còn là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội; thoát ly chính trị của Đảng Cộng sản thì quân đội không còn là quân đội của giai cấp công nhân, quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa. Vì vậy, Người chỉ rõ đã là quân đội nhân dân thì "phải học tập chính trị", "phải học chính sách của Đảng".
Theo Hồ Chí Minh, chính trị của quân đội bao giờ cũng "biểu hiện ra trong lúc đánh giặc"38 . Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đánh giặc và đánh thắng lại là biểu hiện tập trung chính trị của quân
đội. Điều đó vừa cho thấy bản chất giai cấp, bản chất chính trị của quân đội ta, vừa cho thấy nhiệm vụ chính trị cụ thể của quân đội với tư cách là một tổ chức quân sự, một lực lượng vũ trang của Đảng. Đã là quân đội thì chức năng chủ yếu của nó là chiến đấu, là đánh giặc, nhiệm vụ chủ yếu của nó bao giờ cũng là đánh thắng, và đó là sự "biểu hiện" chính trị của quân đội.
Có hiểu rõ mối quan hệ giữa chính trị và quân sự trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, chúng ta mới có thể hiểu được thực chất tư tưởng của Người về chính trị của quân đội và xây dựng quân đội ta về chính trị. Người thường xuyên nhắc nhở quân đội ta phải ra sức học tập chính trị, "Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng"39 . Trong khi khẳng định chính trị là "gốc", "chính trị trọng hơn quân sự" thì Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh chính trị phải "biểu hiện ra trong lúc đánh giặc". Đánh giặc và đánh thắng là nhiệm vụ cao nhất của quân đội với tư cách là lực lượng vũ trang cách mạng, quân đội sẽ trở nên "vô dụng" nếu không hoàn thành được nhiệm vụ ấy, ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh: chính trị "biểu hiện ra trong lúc đánh giặc" chính là ở chỗ đó. Nhưng cần phải hiểu thêm là, quân đội đánh giặc là thực hiện nhiệm vụ quân sự của Đảng, đánh giặc phải trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu chính trị của Đảng. Thoát ly những điều đó thì việc chiến đấu và đánh giặc của quân đội sẽ mất phương hướng, và hành động quân sự của quân đội không chỉ "vô dụng" mà "lại có hại".
Tầm quan trọng đặc biệt của công tác chính trị được quy định bởi tầm quan trọng đặc biệt của chính trị trong quá trình xây dựng quân
đội. Muốn bảo đảm cho cái "gốc" chính trị được vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng các mặt khác thì nhất thiết phải quan tâm và thực hiện tốt công tác chính trị trong quá trình xây dựng quân đội. Buông lỏng, xem nhẹ công tác chính trị thực chất là buông lỏng, xem nhẹ việc chăm sóc cho cái "gốc" chính trị của quân đội.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của việc xây dựng quân đội về chính trị, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11 tháng 2 năm 1951, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trong công cuộc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự
trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân"40. Theo Người, công tác chính trị trong quân đội cần phải được xây dựng và củng cố không ngừng, không khi nào được xem nhẹ. Tiến hành công tác chính trị là đòi hỏi từ chính yêu cầu của công cuộc "xây dựng và phát triển quân đội". Công tác chính trị được thực hiện tốt, có hiệu quả thì thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xây dựng quân đội; ngược lại, công tác chính trị không được chú ý đúng mức, không tiến hành một cách có hiệu quả thì sự nghiệp xây dựng quân đội không thể đạt được kết quả tốt.
Trong xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh chú ý đến cả công tác chính trị và công tác quân sự, nhưng Người luôn đặt công tác chính trị lên trước, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với vấn đề xây dựng về chính trị của quân đội ta. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Người xem nhẹ công tác quân sự và các mặt
công tác khác. Trái lại, trong khi khẳng định cần phải tăng cường, củng cố công tác chính trị trong quân đội, thì đồng thời Người cũng nhấn mạnh phải tăng cường công tác quân sự, phải nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật cho bộ đội ta, để quân đội ta thực sự hùng mạnh, thực sự là quân đội nhân dân. Các mặt công tác của quân đội quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn với nhau, đan xen lẫn nhau, không thể tách rời nhau trong quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội.
Sự vững mạnh của quân đội là kết quả tổng hợp của toàn bộ các mặt công tác, của toàn bộ nội dung công tác trong quá trình xây dựng, giáo dục và huấn luyện quân đội. Theo Hồ Chí Minh, công tác chính trị không những đóng vai trò trực tiếp quyết định sự vững mạnh về chính trị của quân đội, mà còn có trong tất cả các nội dung, tất cả các mặt công tác quân sự, kỹ thuật, hậu cần, định hướng chính trị và nâng cao hiệu quả tất cả các mặt công tác khác trong quân đội. Do đó, chất lượng chính trị của quân đội nói riêng, sức mạnh tổng hợp của quân đội nói chung là kết quả tổng hợp của toàn bộ các mặt công tác, trong đó công tác chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá II, ngày 25 tháng 1 năm 1953, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: "Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải đảm bảo sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ kuật tự giác
về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội"41. Sau đó 4 ngày, khi nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây
Bắc ngày 29 tháng 1 năm 1953, công tác chính trị và mối quan hệ giữa công tác này với các mặt công tác khác trong quân đội được Người nêu lên một cách rõ ràng trong một chỉnh thể thống nhất của quá trình xây dựng, giáo dục, huấn luyện quân đội:
"- Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội,
- Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân,
- Phải tăng cường huấn luyện quân sự và kỹ thuật, - Phải chấp hành nghiêm chế độ và kỷ luật,
- Phải hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất"42.
Các mặt công tác trong quân đội luôn được Hồ Chí Minh đặt chúng trong mối quan hệ với nhau. Khi bàn đến vấn đề kỷ luật của bộ đội thì Người lại lưu ý đến vấn đề chính trị và quân sự; khi nói đến công tác quân sự thì bao giờ Người cũng đặt nó trong mối quan hệ với các mặt công tác khác, đặc biệt với công tác chính trị.
Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quyết định trong quá trình xây dựng quân đội ta nói chung, xây dựng quân đội về chính trị nói riêng là
phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. Không thể nói tăng cường công tác chính trị mà lại không bàn đến tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Bàn về tăng cường công tác chính trị trong quân đội thì vấn đề trước hết và quyết định nhất là phải bàn đến tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội. Công tác chính trị là một công tác cơ bản nhằm đảm bảo, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; và đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng lại là nhân tố quyết định, là nội dung, yêu cầu cơ bản của công tác chính trị trong quân đội. Mối quan hệ biện chứng này được Hồ Chí Minh và Đảng ta giải quyết rất thành công trong quá trình lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, làm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thực sự là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, quân đội của dân, do dân, vì dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục"43. Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục là nhân tố quyết định làm cho quân đội ta có "sức mạnh vô địch". Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, cũng như "sức mạnh vô địch" của quân đội ta đều bắt nguồn từ sự "lãnh đạo", "giáo dục" của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác chính trị không những phải giữ vững và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội mà còn phải tăng cường sự lãnh đạo đó. Những nội dung hoạt động, từ công tác tổ chức đến công tác tư tưởng của công tác chính trị trong quân đội đều phải nhằm theo hướng đó. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được Hồ Chí Minh chỉ rõ thêm: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân, trải qua 14 năm phấn đấu, quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; chiến đấu anh dũng; công tác và lao động tích cực; tiết kiệm,
cần cù, khiêm tốn, giản dị; đoàn kết nội bộ; đồng cam cộng khổ với nhân dân, luôn luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ"44.
Theo Hồ Chí Minh, những nội dung: tăng cường giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng cho quân đội; xác lập hệ tư tưởng Mác - Lênin, làm cho hệ tư tưởng đó trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của quân đội; thực hiện đường lối, nguyên tắc tổ chức của giai cấp công nhân trong tổ chức xây dựng quân đội; tăng cường vai trò của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội… là những nội dung then chốt nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội.