hiện đại
Vấn đề xây dựng quân đội chính quy, hiện đại là một vấn đề quan trọng để đảm bảo cho quân đội không ngừng trưởng thành, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Tư tưởng xây dựng quân đội chính quy, hiện đại là một bộ phận hợp thành trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân, được hình thành từ sớm ngay khi quân đội ta mới được thành lập. Tuy nhiên, mãi cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta bước vào thời kỳ mới xây dựng trong hoà bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, thì vấn đề xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại mới được đặt ra một cách trực tiếp và cụ thể. Vì vậy, vấn đề xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại, trong thời gian này, mới được Hồ Chí Minh bàn đến nhiều và cụ thể.
Tiến lên chính quy và hiện đại không chỉ có ở quân đội ta, ở quân đội các nước xã hội chủ nghĩa mà là yêu cầu của các quân đội trong điều kiện mới. Chính quy và hiện đại cũng là một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội của giai cấp tư sản. Mỗi một quân đội có yêu cầu, nội dung cụ thể riêng trong quá trình chính quy hoá, hiện đại hoá. Thế nhưng, bản chất cũng như nội dung cụ thể của vấn đề chính quy, hiện đại của quân đội ta khác hoàn toàn về chất so với quân đội của giai cấp tư sản, của chủ nghĩa đế quốc.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội được sinh ra trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, lại vừa bước ra từ cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, chưa thực sự có thời gian và điều kiện để xây dựng chính quy, đất nước còn nghèo nàn lạc hậu, thì vấn đề chính quy hoá, hiện đại hoá cần phải có nội dung và biện pháp phù hợp.
Trong bối cảnh mới, Hồ Chí Minh đã kịp thời xác định nhiệm vụ xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại để đáp ứng với tình hình. Một quân đội "còn nhiều tác phong du kích" thì nhiệm vụ xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại vừa "mới lạ" vừa khó khăn, theo Người đó là nhiệm vụ to lớn và rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang của quân đội ta trong điều kiện mới.
Trong Bài nói chuyện trong lễ tuyên dương anh hùng quân đội lần thứ ba ngày 7 tháng 5 năm 1956, Người chỉ rõ: "Quân đội ta phải tiến lên chính quy và hiện đại hoá để bảo vệ công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập, dân chủ, bằng phương pháp hoà bình. Đó là một nhiệm vụ to lớn, vẻ vang, nặng nề và khó khăn, gian khổ"73. Trước đó, vào tháng 12 năm 1954, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy và hiện đại: "Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không nên vì hòa bình mà sao lãng việc học tập. Các cô các chú cần học gì?
Cần học chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân.
Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ. Muốn cho bộ đội ta hùng mạnh và nhất định bộ đội ta phải hùng mạnh, chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy.
Từ trước đến nay bộ đội ta còn nhiều tác phong du kích. Bây giờ đổi sang chính quy có nhiều chỗ mới lạ và khó khăn. Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ Tổng tư lệnh và của các cô các chú, bộ đội ta nhất định đi tốt đến chính quy"74.
Vấn đề xây dựng chính quy cho quân đội ta trong điều kiện đó gặp rất nhiều khó khăn. Từ "tác phong du kích" chuyển sang tác phong chính quy là cả vấn đề không đơn giản, không thể một sớm, một chiều. Điều đó dễ nảy sinh những tư tưởng ngại khó, ngại khổ trong học tập, rèn luyện ở bộ đội. Những khó khăn nảy sinh không phải chủ yếu do quân đội ta còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, không đầy đủ về điều kiện đảm bảo mà chủ yếu do ở chính nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Trong thực tế, có những cán bộ, chiến sĩ rất anh dũng trong chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, ác liệt để chiến thắng quân thù, nhưng khi bước vào xây dựng chính quy thì lại xuất hiện tư tưởng ngại rèn luyện, ngại khó khăn, vất vả. Họ đã nhận thức không đúng về chính quy, về vai trò tầm quan trọng của chính quy, hiện đại đối với việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Những nhận thức tư tưởng này nếu không được khắc phục kịp thời, không được phê phán đúng mức thì sẽ là một trở ngại lớn trên con đường đưa quân đội tiến lên chính quy và hiện đại. Không thấy rõ tiến lên chính quy và hiện đại là tạo cơ sở quan trọng cho sự thống nhất,
nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội thì không thể có quyết tâm cao để tiến lên chính quy và hiện đại.
Vì vậy, để xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại, Hồ Chí Minh đã giáo dục, tuyên truyền, giải thích, động viên và cổ vũ rất nhiều. Người chỉ rõ: "Phải cố gắng xây dựng được nền nếp chính quy trong đơn vị. Có người nói: "Trước ta chẳng chính quy gì cũng đánh thắng!". Không đúng. Tình thế ngày một tiến. Trước là thời kỳ khác, nay là thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định phải từng bước lên chính quy và hiện đại"75. Chính quy và hiện đại có lúc Hồ Chí Minh nói liền với nhau trong một cặp từ, có lúc Người nói chính quy riêng và hiện đại riêng, nhưng tư tưởng của Người về xây dựng chính quy và hiện đại quan hệ thống nhất với nhau, đều cần phải tiến lên "từng bước".
Từ năm 1954 đến năm 1964, có nghĩa là từ sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, quân đội ta bước vào giai đoạn xây dựng hoà bình đến khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc nước ta, là giai đoạn Hồ Chí Minh có nhiều bài nói và bài viết về vấn đề xây dựng quân đội chính quy và hiện đại.
Ngày 19 tháng 12 năm 1958, trong Bài nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Bác trao nhiệm vụ cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ, công nhân trong quân đội phải cố gắng tiến bộ hơn nữa để có thể làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy và hiện đại"76. Ba ngày sau, trong Thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập
Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22 tháng 12 năm 1958, Người tiếp tục nhấn mạnh: "Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hoà bình, để bảo vệ Tổ quốc"77. Đến năm 1964, trong Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27 tháng 3, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập đến quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân phải tiến lên chính quy và hiện đại.
Tiến lên chính quy, hiện đại bằng cách nào và bước đi ra sao? Đó là vấn đề lớn đặt ra trong thời kỳ xây dựng mới của quân đội ta. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chúng ta phải xây dựng quân đội ta "từng bước" tiến lên chính quy, hiện đại. "Từng bước" tiến lên chính quy, hiện đại là phù hợp với đặc điểm của quân đội ta, tình hình nhiệm vụ của cách mạng và điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. "Quân đội ta nhất định phải từng bước lên chính quy và hiện đại" là quan điểm, tư tưởng và phương châm chỉ đạo của Người đối với quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong bối cảnh lịch sử mới. Những biểu hiện nôn nóng muốn đưa quân đội tiến lên chính quy, hiện đại toàn diện với yêu cầu cao ngay, hoặc là đơn giản, xem nhẹ, thiếu biện pháp tích cực xây dựng chính quy, hiện đại đều là không đúng với tư tưởng "từng bước" tiến lên chính quy, hiện đại của Hồ Chí Minh.
Theo Hồ Chí Minh, muốn đưa quân đội ta tiến lên chính quy và hiện đại đòi hỏi sự quan tâm và cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi người, mọi cấp, mọi ngành, trong đó quân đội nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Tầm quan trọng đặc biệt của quân đội biểu hiện ở chỗ, quân đội tự bản thân mình phải cố gắng học tập, rèn luyện
toàn diện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ tiến lên chính quy và hiện đại. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: "Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta"78. Tiến lên chính quy, hiện đại phụ thuộc vào chính sự quyết tâm và cố gắng của quân đội, của toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Không có quyết tâm cao, không chịu khó chịu khổ, không ra sức học tập, rèn luyện thì không thể nói đến xây dựng quân đội chính quy và hiện đại.
Việc tiến lên chính quy, hiện đại không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội chủ lực, của các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà là nhiệm vụ của tất cả lực lượng vũ trang ba thứ quân, của tất cả các quân binh chủng, cả các đơn vị phục vụ hậu cần, kỹ thuật. Toàn quân đều phải thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ tiến lên chính quy và hiện đại. Hồ Chí Minh cho rằng, tiến lên chính quy, hiện đại phải trở thành quyết tâm và hành động của tất cả các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở tất cả các đơn vị trong quân đội; đồng thời phải được mọi quân nhân nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh. Đối với từng đơn vị cần phải giáo dục đầy đủ cho cán bộ, chiến sĩ những yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Rõ ràng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiến lên chính quy và hiện đại không phải là câu khẩu hiệu mà phải được thể hiện sinh động bằng hành động học tập, rèn luyện, tu dưỡng và sự phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Học tập, rèn luyện, tu dưỡng là yêu cầu đối với mọi quân nhân, từ vị chỉ huy cao nhất của quân đội đến người lính bình thường trong quá trình tiến lên chính quy và hiện đại.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích của việc đưa quân đội tiến lên chính quy và hiện đại là để làm cho quân đội ta mạnh lên, thật sự "hùng mạnh", để đủ sức bảo vệ "miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội", làm hậu thuẫn "đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà", "bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân". Tư tưởng trên không những cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của vấn đề chính quy, hiện đại hoá quân đội mà còn chỉ rõ yêu cầu và nội dung thực chất của quá trình tiến lên chính quy và hiện đại.
Trong tác phẩm Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích rõ thêm thực chất của công cuộc chính quy hóa và hiện đại hoá quân đội ta: "Chính quy hóa là một biểu hiện cao độ ở trong quân đội của sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Đảng và của Nhà nước cách mạng. Hiện đại hoá là một biểu hiện ở trong quân đội của nền kinh tế ngày càng phát triển của miền Bắc trên con đường đi tới công nghiệp hoá hiện đại xã hội chủ nghĩa. Cho nên chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng quân đội chính quy và hiện đại nói đây là một quân đội chính quy và hiện đại cách mạng"79.
Vấn đề xây dựng "nền nếp chính quy" trong đơn vị là một nội dung quan trọng của chính quy hóa. Tuy nhiên, nội dung chính quy không phải chỉ là nền nếp sinh hoạt của bộ đội, không phải chỉ là những quy định thống nhất về ăn, mặc, ở, sinh hoạt trong đơn vị, trong quân đội, tuy nội dung này rất quan trọng, mà là chính quy trên tất cả các mặt hoạt động của quân đội, tạo nên sự thống nhất cao và toàn diện, nhằm gia tăng sức mạnh chiến đấu và sức mạnh tổng hợp của tất cả các đơn vị và toàn quân.
Sự thống nhất đó trước hết và quyết định nhất là thống nhất về bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thống nhất về tổ chức quân đội, những nguyên tắc xây dựng, huấn luyện, giáo dục của quân đội… Sự thống nhất này phải được thực hiện ngay từ đầu và không ngừng bồi đắp. Xây dựng quân đội chính quy bao gồm nhiều nội dung, nhằm tạo nên sự thống nhất cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong từng đơn vị và toàn quân, dựa trên sự thống nhất và nghiêm minh của kỷ luật, điều lệnh.
Không tăng cường kỷ luật và điều lệnh thì không thể thực hiện được chính quy hoá quân đội. Tầm quan trọng và yêu cầu, nội dung của việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội như đã phân tích ở phần trên; ở đây nhấn mạnh thêm một điều là, trong quá trình thực hiện chính quy hoá quân đội, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cao quân đội phải có kỷ luật nghiêm minh, Người còn nhấn mạnh kỷ luật phải "cực kỳ nghiêm minh". Yêu cầu kỷ luật nghiêm minh của quân đội phải gắn với quá trình không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng và chấp hành một cách tự giác của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cũng như sự gương mẫu của mọi cán bộ, đảng viên.
Hiện đại là yêu cầu xây dựng quân đội ta trong điều kiện mới mà Hồ Chí Minh rất quan tâm. Hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa về vũ khí trang bị, liên quan trực tiếp đến thực lực của nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước. Tiến lên hiện đại nhưng không thể thoát ly điều kiện và khả năng cho phép, mà phải là quá trình dần dần từng bước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng, trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước. Quá trình đó cần phải khai thác tốt và
có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và con người Việt Nam; phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, cải tiến, sáng tạo và sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị hiện có; tích cực chủ động học hỏi và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu khoa học kỹ thuật quân sự của các nước trên thế giới; kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự của dân tộc.
Đó là những nội dung rất cơ bản mà Hồ Chí Minh yêu cầu nhằm thực hiện giải quyết vấn đề hiện đại hóa quân đội. Vũ khí, trang bị kỹ thuật là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, vì vậy đối với quân đội ta, vũ khí trang bị còn ở trình độ thô sơ, có