theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong giai đoạn cách mạng mới, quân đội ta có nhiệm vụ hết sức nặng nề thực hiện toàn diện ba chức năng trong hoàn cảnh mới. Là quân đội của dân, do dân, vì dân, quân đội ta phải luôn luôn là đội quân cách mạng, lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng vũ trang sắc bén, có sức chiến đấu cao, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vai trò mới của quân đội, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta với những nội dung phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay đặt ra những vấn đề rất mới trong nhận thức và hành động để xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội nói chung, xây dựng quân đội nói riêng, nhất là những nội dung cụ thể với yêu cầu mới trong xây dựng quân đội ta về chính trị.
Vai trò mới của quân đội ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay được thể hiện trên các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, quân đội cùng toàn Đảng, toàn dân tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh phi vũ trang chống "diễn biến hoà bình" và bạo loạn lật đổ; là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, trong cuộc đấu tranh vũ trang, bạo loạn có vũ trang, chiến tranh xâm lược ở các quy mô và trình độ khác nhau.
Thứ hai, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững định hướng
chính trị xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị của đất nước, tạo môi trường chính trị thuận lợi để phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ ngoại giao, làm tròn chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tích cực tham gia xây dựng kinh tế, góp phần thực hiện
thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quân đội không chỉ là lực lượng bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà còn là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Các nhiệm vụ trên quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau, phản ánh vai trò quan trọng của quân đội ta đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới. Để thực hiện vai trò mới của quân đội, chúng ta cần đổi mới nhận thức và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta trong giai đoạn cách mạng mới:
Chức năng chiến đấu. Trong bất cứ giai đoạn nào, chức năng chiến đấu cũng là chức năng cơ bản nhất của quân đội. Với tư duy chiến
lược mới về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để chống lại "chiến lược phức hợp" của kẻ thù đối với nước ta là thực hiện "diễn biến hoà bình" kết hợp với bạo loạn lật đổ và sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược bằng vũ trang ở các quy mô và cường độ khác nhau khi có thời cơ, quân đội ta không chỉ là công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu, đội quân chiến đấu trên mặt trận vũ trang chống lại nguy cơ chiến tranh xâm lược và bạo loạn vũ trang của các thế lực thù địch, mà còn là lực lượng chính trị đặc biệt cùng toàn dân chiến đấu trên mặt trận phi vũ trang, chống "diễn biến hoà bình" cả trước mắt và lâu dài, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với chức năng là đội quân chiến đấu, quân đội ta phải chiến đấu để chống cả "giặc ngoài" và chống cả "thù trong", vì nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa trên Tổ quốc ta không chỉ có các thế lực thù địch bên ngoài mà còn có các thế lực phản động bên trong. Vì vậy, nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ an ninh càng trở nên gắn bó khăng khít, không thể tách rời trong chiến lược chung, trong mục tiêu chung bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện mới, vấn đề xây dựng quân đội để có thể đáp ứng được yêu cầu tác chiến vũ trang bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao là vấn đề đặt ra đặc biệt hệ trọng và cấp thiết đối với quân đội ta. Vì lẽ đó, quân đội cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa chức năng chiến đấu của mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đánh giặc và đánh thắng; đồng thời, phải thực hiện yêu cầu, nội dung xây dựng mới nhằm xây dựng quân đội đủ sức
hoàn thành nhiệm vụ, "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Là đội quân chiến đấu, trong giai đoạn mới, quân đội ta không chỉ là công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu, đội quân chiến đấu trên mặt trận vũ trang, mà còn cùng toàn dân chiến đấu trên mặt trận chính trị - tư tưởng, kiên định giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, một nhiệm vụ hàng đầu của quân đội ta là phải tranh thủ thời gian có lợi hiện nay để xây dựng, huấn luyện tốt, nâng cao ý chí chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật quân sự, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu; đồng thời hết sức tỉnh táo, kịp thời phát hiện, khôn khéo xử lý các tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chức năng công tác. Trong hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước,
một yêu cầu rất cao là phải giữ vững định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng chính trị để đất nước tiếp tục phát triển, để chống lại có hiệu quả chiến lược "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Trong chiến lược đó, mặt trận chính trị - tư tưởng là mặt trận hàng đầu, nóng bỏng. Kẻ thù đang và sẽ dùng mọi thủ đoạn thâm độc để giành lấy trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Hơn lúc nào hết, quân đội ta phải thực hiện và góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, củng cố và phát triển cơ sở chính trị, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định chính trị của đất nước, tăng cường đoàn kết quân dân.
Ngày nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm tạo ra những tiền đề đưa đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đang đặt ra cho quân đội ta nhiệm vụ mới: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và nền văn hoá, bảo vệ sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện chức năng công tác, quân đội phải tích cực giúp đỡ nhân dân trong sản xuất và xây dựng cuộc sống mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn xung yếu. Dù đóng quân ở đâu, thành thị, nông thôn, đồng bằng, rừng núi hay miền biển, hải đảo, quân đội ta đều phải tích cực góp phần xây dựng địa bàn, xây dựng hậu phương, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân và rộng hơn là thế trận bảo vệ Tổ quốc. Quân đội tham gia xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển là một điển hình sinh động về việc quân đội thực hiện ba chức năng trên một địa bàn; đó còn là một điển hình về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; đó còn là một điển hình về quân đội tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên những địa bàn chiến lược, vùng biên cương của Tổ quốc. Mô hình điển hình này cần được nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng, phát huy hơn nữa vai trò của quân đội trong thực hiện
các nhiệm vụ ở các khu kinh tế - quốc phòng của nước ta, đáp ứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Ngày nay, quan niệm đội quân công tác không chỉ là đội quân tuyên truyền, vận động chính trị, mà còn phải là một đội quân tham gia vào công cuộc động viên và tổ chức toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt đối với các dơn vị đóng quân ở các vùng sâu, vùng xa thì vai trò đội quân công tác càng hết sức quan trọng. Là đội quân công tác, hơn lúc nào hết, quân đội phải thực hiện và góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững và hiện thực hoá định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết quân dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Dù đóng quân ở đâu, quân đội ta đều phải tích cực góp phần xây dựng địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải góp phần giải quyết tốt những vụ việc phức tạp nảy sinh, có khả năng vận động quần chúng, thực hiện tốt dân chủ, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội trong nhân dân trên phạm vi cả nước cũng như trên từng địa bàn. Quân đội phải làm nòng cốt trong việc "Củng cố và hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là trên các địa bàn chiến lược, xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc"11.
Chức năng sản xuất. Giờ đây, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của mỗi
người dân Việt Nam là nhiệm vụ xây dựng đất nước, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đứng trước nhiệm vụ đó, quân đội ta phải tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, góp phần tăng thêm của cải cho xã hội, xây dựng đất nước và tự giải quyết một phần nhu cầu của chính mình.
Là đội quân sản xuất, trong giai đoạn hiện nay, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, quân đội ta phải tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế phù hợp với chức năng của mình. Quân đội phải là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ yếu là công nghiệp quốc phòng. Quân đội ta có khả năng phát triển các vùng kinh tế mới, tham gia xoá đói, giảm nghèo, tham gia xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở các vùng biên giới, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế. Quân đội phải tích cực góp phần củng cố và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế và đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường. Bằng cách đó, quân đội cũng đã góp phần quan trọng tạo ra cơ sở kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của mình.
Lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội ta trong sáu thập kỷ qua đã khẳng định vai trò của quân đội nhân dân là công cụ bạo lực vũ trang của Đảng, của Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đầy khó khăn, thử thách, gian khổ và vô cùng anh dũng của dân tộc. Quân đội ta thực sự xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của nhân dân, thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy về chính trị của Đảng ta, của Nhà nước ta và của nhân dân ta, đặc biệt là trong những bước ngoặt lịch sử của cách mạng, của những biến động kinh tế, chính trị, xã hội, hay là "trận động đất chính trị" vào những năm cuối của thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX.
Điều mới mẻ là: trong giai đoạn mới, quá trình thực hiện ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất của quân đội ta là một quá trình thống nhất, đan xen vào nhau của các chức năng. Để quân đội có sức mạnh chiến đấu cao, để hoàn thành tốt chức năng là đội quân chiến đấu không thể không chăm lo, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng địa bàn, xây dựng thế trận, không thể không chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, ở mỗi đơn vị, sự kết hợp đan xen thực hiện cả ba chức năng còn tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
Sự phát triển mới về nội dung các chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đặt ra những vấn đề rất mới trong xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, nhất là xây dựng quân đội về chính trị, tăng cường sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội.