Quốc hội xem xét ban hành Luật xử lý nợ xấu
Nghị quyết 42/2017/QH14 hiện chỉ được áp dụng đối với tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán xử lý nợ xấu do Nhà nước sở hữu 100% vốn, mang tính chất thí điểm và có thời hạn. Để tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung, thu hút nhiều các chủ thể tham gia thì cần phải có sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các chủ thể. Khi kết thứ thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 (tháng 8 năm 2022) hoặc một thời hạn sớm hơn tuỳ thuộc vào sự phát triển của thị trường mua bán nợ, trên cơ sở tổng kết những thành công của Nghị quyết 42, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu luật hoá nội dung Nghị quyết 42 theo hướng áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu đồng thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện.
Xem xét ban hành Luật Chứng khoán hoá các khoản nợ xấu
Thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường mua bán nợ và việc tái cấu trúc nền kinh tế. Doanh nghiệp sau khi được mua bán sẽ được đầu tư vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến khi có đủ điều kiện, chủ nợ mới sẽ tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đưa doanh
nghiệp lên niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hồi vốn. Đây là cách phổ biến được các nước phát triển áp dụng để xử lý nợ xấu.
Chứng khoán hoá chính là quá trình đưa các khoản nợ xấu từ thị trường sơ cấp sang thị trường thứ cấp, nơi mà các chứng khoán này có thể mua đi bán lại. Chứng khoán hoá sẽ chuyển các khoản nợ xấu kém thanh khoản thành chứng khoán thanh khoản cao. Đối với các khoản nợ xấu, việc chứng khoán hoá nợ xấu sẽ giúp các tổ chức
tín dụng thu hồi vốn ngay để tiếp tục kinh doanh, tài trợ vốn cho các chủ thể trong nền
kinh tế. Như vậy thông tin về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ thủ tục pháp lý, trong đó DATC là đơn vị có đủ cơ sở và tiềm lực
để thực hiện chức năng này, cùng với sự tham gia của các tổ chức đánh giá, xếp hạng các khoản nợ xấu kết hợp với một khung pháp lý hoàn thiện để đảm bảo nhà đầu tư chứng khoán thực hiện được quyền của mình đối với tài sản mà họ mua, đảm bảo thu
hồi số tiền đã đầu tư.
Một thị trường chứng khoán minh bạch, tăng trưởng tốt sẽ là thước đo chính xác sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư mua nợ.