Tôi vẫn còn nhớ mãi một kỉ niệm như sau:
Hồi còn nhỏ, một hôm tôi thấy một con kiến nhỏ bé đang cõng nửa hạt gạo, khó nhọc bò trên con đường gập ghềnh khúc khuỷu. Tôi ngồi xuống, quan sát thật kĩ sinh linh bé nhỏ này, thấy nó dùng hết sức lực của mình, cố gắng di chuyển nửa hạt gạo này về nhà.
Đột nhiên tôi nảy ra một ý: Nếu cho nó thức ăn lớn hơn, ngon hơn, nó sẽ lựa chọn như thế nào?
Thế là tôi bẻ một mẩu bánh quy đang ăn dở trên tay, đặt trước mặt nó, mẩu bánh này to hơn nửa hạt gạo kia dễ phải đến hàng chục lần.
Có lẽ chú kiến nhỏ bé đã phát hiện ra chướng ngại vật phía trước, nó bèn chuyển hướng đi, tiếp tục cố sức cõng nửa hạt gạo ấy, dường như nóng lòng muốn quay về tổ chia sẻ chiến lợi phẩm với các bạn của mình. Tôi lại di chuyển mẩu bánh ấy, một lần nữa để chắn trước mặt nó.
Cuối cùng, chú kiến phát hiện ra “món quà” tôi tặng nó, liền đặt hạt gạo trên lưng xuống, bò quanh mẩu bánh hết vòng này đến vòng khác, hai chiếc xúc tu nhanh nhạy hết chạm rồi lại gõ gõ lên mẩu bánh, cuối cùng nó thử kéo mẩu bánh. Nhưng mẩu bánh này đối với kích thước cơ thể nó quả thực là rất lớn, không có cách nào dịch chuyển được. Sau vài lần thử sức chưa thể thành công, kiến lại bò quanh mẩu bánh, dường như đang suy nghĩ phải làm thế nào mới có thể mang bánh về nhà. Tôi nhìn nó một cách rất háo hức, muốn xem xem rốt cuộc nó sẽ làm thế nào.
Cuối cùng, chú kiến đưa ra một quyết định: từ bỏ mẩu bánh, tiếp tục cõng nửa hạt gạo kia về nhà. Thế là tôi liền dõi theo nó trong suốt chặng đường còn lại.
Qua dẫn chứng này có thể thấy, đến con kiến bé nhỏ còn hiểu được một điều là cần biết liệu sức mà làm, vậy vì sao con người chúng ta không làm được như vậy? Khi đề ra mục tiêu, chúng ta cần xác định khả năng thực tế của mình đến đâu. Mặc dù mỗi người đều hi vọng có được cuộc đời hoàn mĩ, nhưng nếu không biết lượng sức mà làm thì vô hình trung sẽ tăng thêm rất nhiều áp lực cho cuộc đời mình.
Tục ngữ nói: “Già néo đứt dây”, đúng mà quá cực đoan thì cũng thành sai; một chiếc cung chuẩn xác nhưng nếu kéo quá mức sẽ có rủi ro đứt gãy; quả cam thơm ngọt nhưng nếu vắt đến kiệt cùng thì chỉ còn lại đắng chát; sữa vắt quá nhiều thì thứ nhận được cuối cùng là máu chứ không phải sữa. “Nước đầy thì tràn, trăng khuyết rồi lại tròn”, quy luật của tự nhiên nói với chúng ta rằng, trong mọi việc cần biết lượng sức mà làm thì mới là trí tuệ lớn.
Một vận động viên leo núi nọ thực hiện hành trình chinh phục đỉnh Everest. Khi leo tới độ cao 6.400 mét, anh ta cảm thấy thể lực của mình không thể tiếp tục được nữa. Lúc ấy anh phải đối mặt với sự lựa chọn: một là kiên trì, tiếp tục thử thách với việc leo lên đỉnh núi; hai là dừng lại, chấp nhận quay về. Đây là hành trình mà anh đã trông đợi từ lâu, và cũng có sự chuẩn bị rất chu đáo, đối với một vận động viên leo núi mà nói, việc chinh phục được đỉnh Everest là nguyện vọng lớn nhất trong đời. Qua một hồi đấu tranh tư tưởng quyết liệt, vận động viên này đã quyết định dừng cuộc hành trình để quay về.
Khi được biết quyết định này, những người bạn đều thể hiện sự tiếc nuối thay cho anh, họ nói rằng vì sao anh lại không chịu kiên trì thêm một chút, chưa biết chừng có thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Nhưng vận động viên này mỉm cười và thản nhiên nói: “Tôi biết rất rõ tình trạng sức khỏe của mình khi ấy, nếu tiếp tục leo thì chưa biết chừng sẽ chết dọc đường. Còn lựa chọn quay về thì tôi không những có thể bảo toàn tính mạng, mà sau này còn có cơ hội được thử sức chinh phục lại đỉnh núi một lần nữa. Hơn nữa, trong điều kiện sức khỏe khi ấy, 6.400 mét đã là đỉnh cao mà tôi có thể đạt được rồi, tôi đã chiến
thắng bản thân rồi!”
Flaubert nói: “Thành công là một kết quả chứ không phải là mục đích”. Người Trung Quốc cũng có câu “Còn núi xanh thì sợ gì không có củi đốt”, việc biết lượng sức mà làm không phải là nhu nhược, càng không phải là coi thường mơ ước mà là sự sáng suốt của lí trí.
Bước đầu tiên trong việc tự lượng sức chính là xác định được “vị trí” của mình. Diễn viên nổi tiếng người Mĩ - Holly Hunter ban đầu luôn cố gắng tránh để bị đánh giá là một diễn viên có tầm vóc nhỏ bé, kết quả là trong suốt một thời gian dài, sự nghiệp của cô không có gì khởi sắc. Cuối cùng, cô quyết định thay đổi, làm mới lại hình ảnh dựa trên đặc điểm dáng người nhỏ bé, cá tính đặc biệt và kĩ năng diễn xuất giàu tính biến hóa của mình, sau đó cô đã nhận được vai nữ chính trong bộ phim The Piano và đoạt giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra cô cũng nhận được giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Cannes.
Tác dụng lớn nhất của việc xác lập ý thức cái tôi là tự mình biết mình. Nhà văn Stefan Zweig người Áo trong truyện ngắn Ván cờ kì lạ đã kể lại với chúng ta một câu chuyện như sau: Nhà vô địch cờ vua thế giới - Mirko Xzentovic đã chinh phục được hàng loạt tay chơi cờ kì cựu đến từ khắp các quốc gia, nhưng nực cười là vị quán quân này chẳng thể nào viết ra nổi một câu chữ nên hồn, hơn nữa ngoài cờ vua ra thì anh ta mù tịt về những lĩnh vực khác, thậm chí còn không biết rằng trên thế giới này có những nhân vật kiệt xuất như Beethoven, Napoleon hay Dante, cũng có nghĩa là Mirko hoàn toàn là một người sinh ra vì cờ vua. Nếu Mirko không tự biết mình, cứ tự ép mình phải giỏi giang trong cả những lĩnh vực khác nữa thì e là sẽ không có một Mirko tài năng như vậy trong lĩnh vực cờ vua.
“Thắng không kiêu, bại không nản”, “biết tiến biết lui” đều là ý nói về việc biết lượng sức mà làm. Nhận thức bản thân không chỉ là cảm nhận về năng lực của mình mà còn là biết đánh giá một cách khách quan sở trường và sở đoản của mình. Một người có tâm thái tốt sẽ biết nhận thức bản thân một cách khách quan chân thực, từ đó có được khí phách và thái độ đúng mực, không tự tin thái quá, nhưng cũng không tự ti về bản thân, cố gắng phát huy sở trường, đồng thời lượng sức để sở đoản không làm ảnh hưởng đến mọi việc, như thế mới có thể sống một cách ung dung tự tại.
Trong cuộc đời, được và mất là chuyện thường tình. Vậy rốt cuộc con người muốn có được gì? Sợ mất đi thứ gì? Đối với hai câu hỏi này, có thể nói là mỗi người một ý. Cùng với việc tuổi tác không ngừng tăng lên là sự tích lũy của kinh nghiệm, chúng ta cũng nên tự điều chỉnh mình cho phù hợp, cái gì nên phấn đấu để giành lấy thì không được bỏ qua; cái gì không thể có được thì nên xác định từ bỏ một cách nhẹ nhàng, thanh thản.
Tuy rằng tâm lí của con người luôn thích “có được” hơn, nhưng xét từ góc độ khác, đôi khi việc “mất đi” còn có giá trị hơn cả “có được”, bởi vì sớm muộn rồi cũng đến một ngày, chúng ta sẽ mất đi thứ quý giá nhất mà cuộc đời ban cho chúng ta – sinh mệnh, khi ấy chúng ta cũng sẽ mất đi tất cả những thứ đã từng có được trong đời. Trong Phật Giáo, “bố thí” được xếp hàng đầu trong “lục độ” (một phương pháp để độ mình và độ người), chính là để con người có thể nhìn nhận sự được - mất bằng tâm thế bình thản. Những gì đã qua thì hãy cho qua, không thể có được thì từ bỏ, như thế chẳng phải tâm hồn sẽ bình tĩnh, thoải mái hơn rất nhiều sao?