NƯỚC TĨNH THÌ TRONG, TÂM TĨNH THÌ SÁNG

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 59 - 61)

Vị Hoàng đế nọ muốn tu sửa lại một ngôi chùa trong kinh thành, bèn sai người tìm mời những vị kiến trúc sư tay nghề giỏi nhất trong cả nước đến, ra lệnh cho họ tu sửa lại ngôi chùa sao cho vừa đẹp vừa trang nghiêm.

Cuối cùng có hai nhóm người được mời tới, một nhóm là các thợ thủ công và họa sĩ nổi tiếng nhất, nhóm còn lại là mấy vị hòa thượng.

Sau một hồi so sánh, Hoàng đế vẫn chưa xác định được rốt cuộc là nhóm nào thích hợp với công việc này hơn, ông bèn quyết định thử thách họ. Ông yêu cầu mỗi nhóm tự tu sửa một gian chùa, sau ba ngày sẽ nghiệm thu thành quả.

Các thợ thủ công thỉnh cầu Hoàng đế cung cấp cho họ hơn một trăm màu sơn và đủ các loại dụng cụ, còn các hòa thượng thì chỉ lấy những dụng cụ vệ sinh đơn giản nhất như khăn lau, thùng nước.

Sau ba ngày, Hoàng đế tới hai gian chùa nghiệm thu thành quả tu sửa của hai nhóm người.

Trước tiên ông tới gian chùa của những người thợ thủ công, và nhìn thấy những người thợ khéo léo này sử dụng màu sắc huy hoàng rực rỡ, dùng tay nghề khéo léo để trang trí ngôi chùa trở nên vô cùng hoa lệ, Hoàng đế gật đầu hài lòng.

Tiếp đó, ông lại tới nghiệm thu gian chùa của các hòa thượng. Vừa bước vào chùa, Hoàng đế sững người. Các hòa thượng không sử dụng bất kì màu sơn nào mà chỉ lau tường, sàn nhà, cửa và bàn ghế sạch bóng không một chút bụi, các vật phẩm trong chùa đều hiện lên màu sắc và độ bóng vốn có của chúng, bề mặt sáng bóng như gương, phản chiếu đám mây trên bầu trời, bóng cây khẽ đung đưa theo gió, tất cả mọi thứ xung quanh dường như đều trở thành một phần tạo nên sự lộng lẫy tráng lệ cho ngôi chùa, còn ngôi chùa thì yên bình đứng giữa đất trời vạn vật.

Trái tim Hoàng đế đã bị ngôi chùa trang nghiêm trước mắt làm cho rung động. Kết quả thế nào chắc chắn mọi người cũng đều đã rõ.

Thực ra, trái tim của chúng ta cũng giống như ngôi chùa kia, không cần dùng đến những thứ diêm dúa để trang trí, mà chỉ cần trả lại bản sắc yên tĩnh, thanh thoát cho tâm hồn, thì vẻ đẹp tâm hồn tự nhiên sẽ hiển hiện.

Trong sự rối ren của thế tục, tâm hồn chúng ta khó lòng giữ được như dòng nước chảy, bất động như núi cao. Cho dù ở nơi phố xá sầm uất, môi trường ồn ào mà ta cũng không cần đóng cửa, cứ để mặc nó cho gió đẩy mây vần, còn bản thân ung dung thong thả, làm được như vậy thì tuy thân xác ở chốn hồng trần nhưng trái tim thì ở chốn mây xanh, hà tất phải “tránh xa chốn hồng trần” làm chi nữa? Quan trọng là ở trái tim của mình mà thôi.

Tu dưỡng tâm hồn không phải là điều dễ dàng. Chỉ khi giữ được tâm yên tĩnh thì mới có thể khiến thân trong sạch. Khi ở giữa chốn đầy các bậc cao minh thì chớ đắc chí khoe khoang; khi tàn cuộc cũng đừng thấy buồn bã trong lòng; khi thành công không đến nỗi vui sướng điên cuồng; khi thất bại càng không nhụt chí. Ung dung tiếp nhận “hoa tươi rượu ngon” mà cuộc sống ban tặng, phóng khoáng đối mặt với phong ba bão táp của cuộc đời, trả lại bản chất vốn có cho tâm hồn.

“Hư không” mà nhà Phật thường nói với người đời chính là đạo lí tâm tĩnh thì sáng, nội tâm trong sáng thì người tự sáng suốt theo. Có bài kệ Ngư cổ tụng (Bài kệ về trống cá) của Thiền sư Tùng Niệm, kệ rằng:

Tiếng vang đều bởi bụng rỗng không Chớ nghe phàm phu lời thiển cận Chỉ tại cung, thương điệu chẳng cùng.

“Ngư cổ” trong bài kệ là chỉ chiếc trống gỗ dài mô phỏng hình cá, là vật dụng trong chùa lúc tụng kinh. Bài thơ này ý nói: Vạn sự vạn vật trên thế gian đều do bốn thứ vật chất lớn là đất, nước, lửa và gió hợp thành, chiếc trống cá cũng không ngoại lệ. Nhưng ngoài điều đó, tự nhiên còn ban tặng cho chiếc trống cá này một đặc tính, đó là nó có thể phát ra âm thanh, và điều kì diệu là ở bên trong lòng trống lại rỗng hoàn toàn. Bài thơ đã lấy chiếc trống cá để ví von với đời người, cùng có một chữ “không”, chỉ khi tâm hoàn toàn trong sáng thì mới có thể sinh thiền ý.

Triều Đường có một vị Thái thú tên là Lí Cao, nghe nói đến danh tiếng của Dực Sơn Thiền sư nên rất muốn được gặp mặt. Sau hồi lâu hỏi đường và trèo đèo lội suối, cuối cùng ông ta cũng tìm được Dược Sơn Thiền sư dưới bóng một cây thông.

Lí Cao trình bày với Thiền sư vấn đề mà mình trăn trở đã lâu, mong chờ được Thiền sư chỉ giáo. Không ngờ từ đầu đến cuối, Thiền sư chỉ nhìn vào sách kinh mà chẳng hề tỏ ra bận tâm tới vấn đề của Lí Cao. Lí Cao là quan lớn trong vùng, từ trước tới nay luôn được tôn kính, nay thấy bị lạnh nhạt như vậy thì sao chịu nổi, thế là phất tay áo, tỏ vẻ không vui nói: “Thật đúng là gặp mặt không bằng nghe danh.” Dược Sơn Thiền sư ung dung nói: “Vì sao ông thà tin vào lời người khác mà không muốn tin vào mắt mình?”

Lí Cao vội vàng hỏi: “Xin hỏi đây là đạo lí gì vậy?”

Dược Sơn Thiền sư chỉ lên trời, rồi lại chỉ xuống đất và hỏi: “Ông có hiểu không?” “Ta không hiểu, xin Người hãy chỉ giáo.” - Lí Cao nói.

Dược Sơn nói: “Mây ở trời xanh, nước tại bình.” Lí Cao bỗng chốc tỉnh ngộ, lập tức làm một bài thơ:

Đắc đạo thân mình tựa hạc hình Dưới bóng rừng tùng mải tụng kinh Ta đến hỏi đạo không lời đáp

Mây ở trời xanh, nước tại bình.

Lời của Dược Sơn Thiền sư thực chất là muốn nói với Lí Cao rằng, phải giữ được cho mình cảnh giới tự do, giống như mây trắng kia có thể bay tới bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng được tiêu diêu, giải thoát. Tuy nhiên, trong cái xã hội phù hoa này, càng ngày càng nhiều người trở nên bồn chồn không yên, khó có được niềm vui. Cách duy nhất có thể thay đổi trạng thái này là giữ cho mình sự yên tĩnh, trong sáng của nội tâm, hưởng thụ cuộc sống trong chữ “tĩnh”.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 59 - 61)