NGƯỜI TĨNH TÂM DỄ THÀNH CÔNG HƠN

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 52 - 56)

Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thường bận tâm rất nhiều, quá để ý tới sự được - mất, vì thế tâm trạng rất khó giữ được bình tĩnh. Người thường bị tâm trạng tiêu cực dắt mũi thì nhất định không thể sống một cách thoải mái. Nhà thơ Emerson người Mĩ đã từng nói về thành công như sau: “Thường xuyên mỉm cười; có được sự yêu quý của trẻ em và sự tôn trọng của người thông minh; nhận được lời khen thật lòng của các nhà bình luận và có thể tha thứ cho sự bán rẻ của người khác; biết thưởng thức những sự vật đẹp, phát hiện sở trường của người khác; để lại những thứ tốt đẹp cho thế giới, cho dù là một đứa trẻ đáng yêu khỏe mạnh, một vườn hoa nho nhỏ hay thay đổi hiện trạng xã hội; biết được rằng trên thế giới này ít nhất có một người vì sự tồn tại của bạn mà vui vẻ… Tất cả những điều đó đều là thành công”. Có thể thấy, tìm được một “vùng cực lạc” cho tâm hồn mà không có chỗ cho công danh lợi lộc, thản nhiên đối mặt với sự được - mất, bình thản chấp nhận thành - bại thì mới có thể có được thành công thực sự.

Dùng tâm thái điềm nhiên để xử thế

Một tên cướp lặng lẽ bám theo nhà buôn châu báu đi vào vùng núi sâu, nhưng trên đường đi hắn không tìm được cơ hội thuận lợi để ra tay. Đến giữa núi, tên cướp thấy xung quanh không có ai bèn quyết định ra tay, xông ra chặn đường người buôn châu báu. Người buôn châu báu sợ hãi, vội vàng bỏ chạy, còn tên cướp thì đuổi gấp theo sau. Trong lúc hoảng loạn, người buôn châu báu đánh liều chui vào một hang núi, tên cướp chạy đuổi theo sau anh ta. Lần này, người lái buôn đáng thương hình như đã chui vào ngõ cụt, may mắn là tên cướp này vẫn còn chút lương tâm, nên chỉ cướp đi toàn bộ châu báu và ngọn đuốc duy nhất soi sáng màn đêm của người lái buôn, chứ không lấy mạng anh.

Sau đó hai người bắt đầu tìm đường ra khỏi hang núi. Hang núi tối tăm, quanh năm không có ánh sáng lọt tới, nếu không nhanh chóng tìm được đường ra, chắc chắn hai người sẽ chết trong hang núi tối đen này. Tên cướp thầm cảm thấy may mắn vì mình cướp được ngọn đuốc. Hắn dựa vào ánh sáng của ngọn đuốc để mò mẫm tìm đường trong hang. Đuốc chiếu sáng dưới chân và xung quanh, giúp cho tên cướp không bị va vấp vào đá.

Người buôn châu báu nọ khi bị mất đi ngọn đuốc thì mặc dù đã chuẩn bị tâm lí có thể chết trong hang, nhưng anh vẫn quyết tâm thử, mò mẫm đi lên trong hang núi mịt mùng. Chốc chốc đầu của anh lại đập vào tường đá cứng, vấp ngã tới mức sưng hết cả mặt mũi. Nhưng chính vì mất đi ngọn đuốc nên bản năng sống trong anh trỗi dậy, giúp mắt anh dần dần có thể nhận biết được những luồng ánh sáng vô cùng nhỏ nhoi trong bóng tối. Kết quả là tên cướp mặc dù có ngọn đuốc trong tay nhưng vẫn chết trong hang núi, còn người buôn châu báu cuối cùng nhờ nhận ra chút ánh sáng yếu ớt nên đã thoát được khỏi hang.

Người một mình mò mẫm trong bóng tối cuối cùng đi ra khỏi hang núi tối tăm, còn những người có ánh sáng thì cuối cùng lại bị kẹt trong hang núi. Thực ra, trên đời có rất nhiều chuyện tương tự như vậy, con người lúc nào cũng muốn có được thật nhiều mà không muốn mất đi, nhưng lại quên đi rằng đôi khi việc mất đi lại có thể khiến chúng ta có được nhiều hơn so với những gì đã mất.

Nhiều khi chúng ta cũng giống như tên cướp trong câu chuyện, không thể xua đi được những dục vọng trong lòng, không thể tĩnh tâm để nhìn rõ con đường phía trước, khiến cho bản thân bị rơi vào tình thế khó khăn. Vì vậy, chúng ta nên dùng tâm thái điềm nhiên để xử thế, dùng thái độ bình tĩnh để đối mặt với mọi sự, chưa biết chừng có thể “vô tâm trồng liễu liễu thành rừng”.

Từ cao minh quay về bình thường

Ở Trung Quốc, người ta vẫn nhắc đến câu chuyện “đầu bếp mổ trâu(7)”. Người đầu bếp nói: “Thần thường tới chỗ các thợ mổ trâu bình thường để xem họ mổ trâu, khi trâu vừa được đưa đến thì những người thợ này liền tỏ ra cẩn trọng, căng thẳng, chuẩn bị mọi thứ một cách rất nghiêm túc, cẩn thận. Nhìn thấy họ như vậy, bất giác trong lòng thần cũng nảy sinh cảm giác cẩn trọng, cảnh giác, coi họ là tấm gương cho mình noi theo”. Người đầu bếp trong câu chuyện này vốn được coi là “thợ lành nghề” trong giới mổ trâu, nhưng khi xem người có kĩ thuật kém hơn mình giết trâu, ông vẫn giữ thái độ khiêm tốn, không vì mình có kĩ thuật cao siêu mà sinh lòng kiêu ngạo, khinh thường người khác. Con người tuyệt đối không được tự cho rằng mình có chút tài hoa hay bản lĩnh mà tỏ ra tự cao tự đại, thay vào đó nên học tập thái độ bình tĩnh, kín

đáo, cẩn thận của người đầu bếp này.

Ngoài ra, người đầu bếp còn nói: “Tuy kĩ thuật của bản thân cao siêu, nhưng khi mổ trâu, động tác của thần lúc nào cũng chậm rãi, cẩn thận, tỉ mỉ. Khi các bộ phận trên cơ thể con trâu đã được phân tách rời nhau ra, chẳng khác nào tảng bùn chảy ra đất thì lúc ấy thần cũng đã thấm mệt, liền vứt dao xuống đất, nằm xuống đó như một tảng bùn vậy. Khi đã nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần, thần bèn cầm dao đứng dậy, cảm giác mình như một vị anh hùng, sau đó bắt đầu thu dọn đồ nghề”. Người đầu bếp này muốn nói với chúng ta đạo lí “biết dừng đúng lúc”, ở phương diện này, ông xứng đáng là một tấm gương để chúng ta noi theo. Có thể ở một vài phương diện nào đó, năng lực cá nhân của chúng ta đạt tới trình độ nhất định, nhưng chúng ta cũng không được vì thế mà quên đi đạo lí sống “thu mình” (ẩn tàng), giúp chúng ta có thể luôn luôn sống và làm việc với tâm thái bình tĩnh, ôn hòa.

Nhà văn người Nga - Lev Tolstoy - khi nói tới sự đánh giá của mọi người dành cho mình đã ví von như sau: “Một con người có thể ví như một phân số, tài năng thực tế của anh ta là tử số, còn sự đánh giá của anh ta đối với bản thân mình là mẫu số. Mẫu số càng lớn thì giá trị của người này càng nhỏ”.

Có một bác sĩ giàu kinh nghiệm và một bác sĩ trẻ tuổi phân công với nhau lịch khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Sau một thời gian, vị bác sĩ giàu kinh nghiệm phát hiện ra rằng, số lượng bệnh nhân tìm đến vị bác sĩ trẻ để khám bệnh càng lúc càng đông, Ông ta cảm thấy điều này rất khó hiểu, nghĩ bụng: “Vì sao các bệnh nhân lại cứ yêu cầu được anh ta khám bệnh? Mình vừa được Hiệp hội Y học vinh danh, danh tiếng và y thuật rõ ràng là cao hơn hẳn. Lẽ nào bệnh nhân cảm thấy y thuật của mình vẫn còn chưa đủ giỏi hay sao?” Qua quan sát, ông mới phát hiện ra rằng, bác sĩ trẻ do vẫn còn thiếu kinh nghiệm, nên đã khám cho bệnh nhân kĩ hơn, cân nhắc bệnh tình kĩ càng hơn, đồng thời vô cùng chú trọng tới việc giao tiếp với bệnh nhân. Hơn nữa, chàng trai này tỏ ra thân thiện với mọi người, quan tâm ân cần tới bệnh nhân, ngoài ra còn thường xuyên khích lệ tinh thần những bệnh nhân có tâm lí tiêu cực vì bệnh tật. Vì thế, những đơn thuốc mà anh ta kê thường công hiệu gấp bội.

Ngược lại, chuyên gia giàu kinh nghiệm thì khám bệnh cho mỗi bệnh nhân rất chóng vánh, không cần trao đổi nhiều với bệnh nhân đã tìm ra bệnh, thêm vào đó chuyên gia lúc nào cũng tỏ vẻ nghiêm túc, để lại trong lòng mọi người ấn tượng thiếu đồng cảm, thờ ơ với bệnh nhân.

Thực ra, điều này cũng thể hiện đạo lí mà người đầu bếp trong câu chuyện trên đã nhắn nhủ với chúng ta: Trong rất nhiều trường hợp, không phải cứ tỏ thái độ kênh kiệu, lên mặt dạy người là có thể có được thành công, khiến người khác phải ngước nhìn. Chúng ta nên hiểu rằng, những bông lúa càng chín vàng óng thì sẽ càng lả xuống thấp. Cuộc đời con người, cho dù huy hoàng đến đâu cuối cùng cũng quay về với cuộc sống bình lặng, giỏi giang tới đâu cũng sẽ quay về với sự bình thường, đây là đạo lí của cuộc đời, và cũng là cái lẽ “Cực cao minh nhi đạo trung dung” mà Nho gia đã nói tới.

Một nhà hùng biện nọ từng làm một trắc nghiệm tâm lí trong một trường cấp ba. Ông đưa ra hai cốc nước, một cốc không màu và một cốc màu vàng, sau đó làm ra vẻ bí mật, nói với các em học sinh tham gia trắc nghiệm: “Lát nữa, mỗi người các em sẽ chọn một trong hai cốc nước và nếm thử, cho dù là mùi vị gì thì các em cũng hãy im lặng, đừng nói ra nhé!” Sau đó, hơn hai trăm học sinh có mặt ở đó đều lần lượt nếm thử, khoảng hai phần ba số học sinh đã chọn cốc nước màu vàng.

Sau khi toàn bộ học sinh đã nếm xong, nhà hùng biện hỏi: “Cốc màu vàng là nước gì?” Các em học sinh đồng thanh nói: “Nước hoàng liên ạ!”

“Vì sao các em lại chọn cốc này?”

“Bởi vì nước màu vàng trông giống với nước hoa quả ạ!” - Các học sinh trả lời. Nhà hùng biện lại cười và hỏi: “Vậy cốc nước không màu là nước gì?”

Nhà hùng biện gật đầu nói: “Phần lớn các em đã chọn nước hoàng liên trông giống nước hoa quả, chỉ có một số ít em đã chọn cốc nước mật ong thơm ngọt. Thầy thấy cuộc đời thực chất cũng là sự lựa chọn giữa hai cốc nước, rất nhiều người sẽ chọn cốc nước có màu sắc bắt mắt, chỉ có một số ít người sẽ chọn cốc nước trông vẻ ngoài bình thường, không có gì hấp dẫn. Nhưng trên thực tế, thứ bình thường, giản dị chưa biết chừng lại có thể cho các em được nếm trải những điều ngọt ngào của cuộc sống đấy.”

(7) Truyện ngụ ngôn xuất phát từ sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Người đầu bếp trong câu chuyện đã mổ trâu cho Ngụy Huệ Vương,

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)