ĐIỀM TĨNH MỚI CÓ THỂ TIẾN XA

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 44 - 47)

Thế giới thực tại luôn tồn tại những sự vật, sự việc khiến tâm hồn của chúng ta không yên ổn. Khi xem tivi, xem báo, rất nhiều luồng thông tin sẽ tác động tới chúng ta, khiến ta bất an: thị trường cổ phiếu đi xuống, ô nhiễm hạt nhân đe dọa môi trường sống, virus gây bệnh mới đang có nguy cơ lan rộng, ở đâu đó vừa xảy ra một vụ xả súng trong trường học…

Cho dù bạn đang ở trong nhà hay bận rộn ở cơ quan, thậm chí là bạn đang đi dạo trên đường khi nhàn rỗi, những chuyện phiền lòng cũng sẽ luôn thường trực xung quanh bạn mà không thể nào xua đi được: thành tích thi cử của con giảm sút, hôm nay chồng lại không về nhà đúng giờ, cấp trên vì một chuyện rất nhỏ mà nổi nóng với bạn, bạn đi trên đường bị một người xa lạ vô cớ gây sự… Nhiều nỗi phiền muộn như vậy, chúng ta nên đối mặt như thế nào?

Biện pháp tốt nhất chính là giữ được tâm trạng điềm tĩnh. Thế giới vốn là như vậy, sự bình yên chỉ là nhất thời, việc không ngừng xuất hiện những vấn đề mới mẻ mới là trạng thái bình thường của cuộc sống. Đối với những vấn đề bất lợi, nếu chúng ta không có khả năng thay đổi thì hãy cảnh giác, tự nhắc bản thân cẩn thận luôn cẩn thận đề phòng là được; những vấn đề gia đình khiến bạn vất vả thì chỉ cần cố gắng làm tròn trách nhiệm, chăm lo vun vén gia đình thì sẽ khiến cuộc sống ngày càng hòa hợp hơn; có thể hôm nay cấp trên coi bạn là “bị bông” trút giận, nhưng bạn đừng quá bận tâm, một chút ấm ức rồi sẽ nhanh chóng qua đi; người đi đường gây sự với bạn, nhưng hãy nhớ rằng bạn không quen biết gì với họ, sau này họ sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống của bạn… Đã xác định được như vậy rồi thì cớ gì mà bạn còn tiếp tục lấy lỗi lầm của người khác ra để giày vò bản thân nữa?

Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều có một người tên là Vương Lam Điền, tính cách vô cùng nóng nảy. Một hôm, anh ta luộc một quả trứng để ăn, khi dùng đũa gắp trứng thì sơ ý đánh rơi, thế là anh ta vô cùng tức

giận, bèn liệng luôn quả trứng ấy xuống đất. Quả trứng không vỡ mà lại lăn lông lốc. Vương Lam Điền thấy vậy càng tức giận hơn, liền cởi đôi guốc đang đi dưới chân để đập trứng, nhưng quả trứng quá tròn nên lăn sang một bên. Vương Lam Điền bèn nổi trận lôi đình, bốc quả trứng lên bỏ vào miệng, nhai luôn cả vỏ cho hả cơn giận.

Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ chê cười sự nóng nảy, vụng về của anh chàng này, nhưng nghĩ kĩ lại thì chẳng phải là bản thân chúng ta cũng thường xuyên vì một vài chuyện nhỏ nhặt mà buồn bực không yên, phá hoại tâm trạng yên bình vốn có hay sao? Trong nhiều trường hợp, tâm trạng xấu này không những sẽ làm đảo lộn cuộc sống bình thường của chúng ta, mà thậm chí còn làm lỡ cả đại sự.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có truyện rằng: Khi Tào Tháo cầm quân đánh Lưu Bị, Lưu Bị suy tính rằng nếu quân Tào đánh tới thì Hứa Xương sẽ bị bỏ trống, nếu Viên Thiệu nhân cơ hội đó đánh vào thì có thể dễ dàng đánh bại quân Tào, thực là thời cơ hiếm có. Vì vậy Lưu Bị liền phái thuyết khách tới gặp Viên Thiệu, hi vọng có thể liên thủ với Viên để đánh Tào. Không ngờ lúc ấy Viên Thiệu lại bị ghẻ lở khiến cho tâm thần hoảng hốt, hình dung tiều tụy, hoàn toàn không có tâm trạng để suy nghĩ tới việc bài binh bố trận, thế là lỡ mất cơ hội đoạt lại thiên hạ từ tay Tào. Sự việc vì nội tâm không yên ổn mà để mất thời cơ ấy, sau đó chẳng phải sẽ khiến người ta vô cùng hối hận sao?

Đào Uyên Minh có thơ rằng:

Kết lư tại nhân cảnh, Nhi vô xa mã huyên. Vấn quân hà năng nhĩ, Tâm viễn địa tự thiên.

(Nhà cỏ giữa nhân cảnh, không thấy ồn ngựa xe. Hỏi ông: “Sao được vậy”, lòng xa đất tự xa)(6).

Câu thơ của Đào Uyên Minh đã nói với chúng ta về tâm thái điềm tĩnh, duy trì sự tĩnh lặng cho tâm hồn, cho dù ở giữa phố xá náo nhiệt mà vẫn có thể điềm nhiên tự tại. Trong vùng trung tâm của bão hay gió lốc, luôn tồn tại một khu vực sóng yên biển lặng gọi là “mắt bão”, tất cả mọi thứ xung quanh “mắt bão” đều sẽ bị gió bão tàn phá, chỉ có vùng “mắt bão” là sẽ được bình an. Cuộc sống cũng như vậy, cho dù xung quanh có rối ren, hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, ồn ã như thế nào, chúng ta cũng đều phải học cách tìm thấy “mắt bão” riêng của mình, để sao cho giữ được nội tâm ôn hòa, bình tĩnh trước mọi gian nguy.

Để giữ được tâm thái bình tĩnh thì chúng ta cần phải học cách chú ý cảm nhận của nội tâm, chú trọng chất lượng cuộc sống, cố gắng không để mình bị phiền muộn vì những chuyện không đâu, như chuyện chiếc quần mới mua không vừa, giao thông hôm nay tắc nghẽn, đồng nghiệp mua xe mới còn mình không có, hàng xóm không thân thiện với mình… Người ta nói “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”, chuyện trên thế gian vốn đã phiền phức, vì vậy chỉ cần chúng ta cố gắng hết khả năng của mình là được, còn kết quả thì không nên đòi hỏi thái quá. Khi đã nhận thức rõ được điểm này, chúng ta sẽ không vì những áp lực bên ngoài mà cảm thấy lo lắng bất an nữa. Tác gia người Mĩ – Paul Muldoon trong một tác phẩm của mình đã viết: “Bất an và thay đổi là sự miêu tả chân thực về cuộc sống của người hiện đại. Chúng ta không thể không đối diện với cuộc sống bất an, để con tàu cuộc đời đi qua mọi gian khó. Nếu không, chúng ta chỉ có thể quay về trong ảo tưởng và buồn khổ”. Ông còn cho rằng, “Chỉ cần bạn cảm thấy mình là người đáng sống, mọi rủi ro trong cuộc sống sẽ không gây trở ngại tới cuộc sống đầy đủ của bạn. Như thế, cảm giác an toàn sẽ thay thế buồn bực bất an, bạn cũng có thể vui vẻ sống tiếp, cảm giác bất an cũng sẽ tan theo mây khói”. “Cảm giác an toàn” ở đây là chỉ sự ôn hòa và yên tĩnh của tâm trạng.

Giữ tâm trạng yên tĩnh, khi gặp chuyện phiền muộn ta hãy thử chuyển hướng chú ý của mình. Giao thông tắc nghẽn, ta sẽ nhân cơ hội này nhìn ngắm đường phố, các tòa nhà trên đường, ngắm nhìn sức sống và cảnh tượng của thành phố mà bình thường mình chưa từng chú ý; khi bị bạn cho “leo cây”, ta không cần vì thế

mà buồn phiền, thay vào là tĩnh tâm ngồi trong phòng đọc một cuốn sách hay…

Có lẽ bạn đã từng thử quan sát hành vi của một đứa trẻ: khi giận dỗi, nó không khóc, cũng không quấy, chỉ lẳng lặng trốn vào một chỗ nào đó, đợi khi bố mẹ tìm thấy, đứa bé bèn thò đầu ra, nở nụ cười tinh nghịch, vứt bỏ nỗi giận dỗi ban nãy. Tuy đây là phương thức hành vi của trẻ em, nhưng đối với người lớn, đây cũng là một phương pháp tự điều chỉnh thân tâm. Khi phiền muộn, ta có thể thử tìm một chỗ để có thể yên tĩnh một mình, xem bộ phim mình thích, hoặc một mình đạp xe đạp ra ngoại ô hít thở không khí trong lành, tâm trạng không vui sẽ nhanh chóng qua đi.

Khi có con côn trùng bay vào nhà, bay quanh người kêu vo ve thì người đó sẽ vô cùng bực tức, đuổi nó khắp phòng đến khi đập được nó hoặc đuổi được nó ra khỏi phòng mới thôi. Nhưng cùng là một con côn trùng như vậy, nếu nó bay đến đậu vào tay phải của ông lão đang nhắm mắt dưỡng thần, ông lão xua tay phải, con côn trùng lại đậu lên tay trái của ông, ông lão sẽ cười và nói: “Nó hôn lên tay phải của ta, sau đó lại hôn lên tay trái”. Cùng là đối mặt với sự quấy nhiễu, một người thì không thể giữ được sự điềm tĩnh, còn một người thì biến sự “ghé thăm” của côn trùng thành “món quà” tô điểm cho cuộc sống thêm vui vẻ, từ đó có thể thấy, tâm trạng điềm tĩnh có thể khiến con người hạnh phúc hơn.

Gia Cát Khổng Minh nói: “Đạm bạc dĩ minh chí, ninh tĩnh dĩ chí viễn”. Chỉ khi giữ được tâm thái yên bình, bình tĩnh đối mặt với thế sự biến đổi thì mới có thể nhìn rõ mục tiêu.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 44 - 47)