GIỮ ĐƯỢC TRÁI TIM YÊN BÌNH

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 41 - 44)

Sự tĩnh lặng của tâm hồn là thứ vô cùng quý giá đối với mỗi người. Sự yên bình của tâm hồn và trí tuệ sáng suốt, đều đáng quý hơn vàng bạc châu báu. Thái độ sống bình tĩnh có thể giúp chúng ta tự do tự tại trong thế giới của chân lí, cho dù phải đương đầu với thác lớn, sóng dữ hay bão táp, chúng ta cũng vẫn có thể bình an vô sự.

Cuộc đời này thắng thua là chuyện thường tình, đâu đâu cũng đầy rẫy những thách thức, vì thế cho dù có khi chịu thua thiệt một chút cũng không sao. Hãy nghe theo lời mách bảo của trái tim để không cảm thấy hổ thẹn với cuộc đời.

Nói về sự yên bình, thực ra ở đây không chỉ là nói về sự yên tĩnh, ôn hòa đơn thuần. Chúng ta có thể dùng bức tranh dưới đây để minh họa cho sự yên bình.

Một hôm, vị giáo sư của Học viện Mĩ thuật đột nhiên yêu cầu sinh viên của mình tự do vẽ một tác phẩm thể hiện sự “yên bình”. Hơn một trăm sinh viên sau một hồi suy nghĩ kĩ lưỡng và phát huy sự sáng tạo đã nộp tác phẩm của mình. Theo yêu cầu của thầy, mỗi tác phẩm đều cố gắng thể hiện sự yên bình, có tác phẩm vẽ phong cảnh làng quê với chim chóc tự do bay lượn trên bầu trời trong xanh, trâu bò hiền hòa gặm cỏ trên đồng cỏ bao la vô tận, một làng quê nhỏ bé ẩn hiện sau rặng núi; có tác phẩm vẽ người mẹ xinh đẹp ôm đứa con bé bỏng đang say ngủ, khuôn mặt bà mẹ nở nụ cười hiền từ, dường như đang khe khẽ hát ru con… mỗi bức tranh đều khiến người xem cảm thấy trào dâng niềm vui sống, không chỉ thể hiện kĩ thuật vẽ tranh điêu luyện mà dường như còn toát lên rất rõ sự yên bình và ôn hòa. Nhưng dường như giáo sư không thấy hài lòng, ông lật giở từng bức tranh mà khuôn mặt không chút biểu cảm.

Đột nhiên, mắt ông bừng sáng. Ông cầm lên một bức tranh và vui mừng nói: “Tìm được rồi! Chính là nó! Đây mới chính là sự yên bình thực sự!”

Mọi người đua nhau vây quanh, tò mò xem rốt cuộc tác phẩm nào có thể khiến giáo sư ngạc nhiên vui mừng đến vậy. Thì ra đó là bức tranh vẽ bầu trời mây đen giăng kín, cuồng phong kéo đến, mặt biển cuộn sóng dữ dội đập vào những tảng đá ngầm tối đen, bầu trời xuống thấp đến bức bối; nhưng ở một góc của bức tranh, có một căn nhà gỗ nhỏ bình yên bên bờ biển, ngọn lửa trong bếp lò bập bùng ấm áp, người ngư dân miệng ngậm tẩu thuốc, đôi mắt khép hờ nằm trên ghế nghỉ ngơi, một chú mèo con ngoan ngoãn nằm dưới chân, người vợ trẻ bên cạnh đang cúi đầu khâu lưới đánh cá, dưới ánh lửa, khuôn mặt của cô thật dịu dàng và xinh đẹp.

Sự yên bình thực sự không phải là trạng thái hoàn toàn không có sự hỗn loạn hay phiền não, mà giống như trong bức tranh kia, mặc dù mưa gió bão bùng nhưng con người vẫn có thể giữ được sự yên bình trong tâm hồn. Để giữ được tấm lòng yên bình, thanh thản, ở đây ý tôi không phải là khuyên bạn lẩn tránh trước hiện thực, tránh xa cuộc sống ồn ào, mà là khuyên bạn hãy giữ lấy sự tĩnh lặng của tâm hồn, giữ được sự thuần phác của mình giữa dòng đời hối hả. Thái Căn Đàm – tác gia nổi tiếng đời nhà Thanh (Trung Quốc) cho rằng: Sự bình tĩnh có được trong môi trường yên tĩnh không phải là sự yên tĩnh thực sự, chỉ khi trong môi trường ồn ào mà vẫn giữ được sự yên tĩnh trong tâm hồn thì đó mới là sự yên tĩnh thật sự phù hợp với bản tính tự nhiên của con người; vui vẻ vào lúc đáng vui không phải là sự vui vẻ thực sự, chỉ khi trong môi trường gian khổ mà vẫn giữ được tâm trạng lạc quan thì mới được coi là niềm vui thực sự phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Qua đó có thể thấy, sự yên bình thanh thản thực sự phải được xuất phát từ nội tâm chứ không phải phụ thuộc vào môi trường. Có nhiều người luôn tìm kiếm sự bình yên, thanh thản cho tâm hồn và cuộc sống nhưng suốt đời vẫn không có được. Xét từ một góc độ khác có thể thấy, cho dù gặp khó khăn trở ngại hay bất an thế nào đi nữa, chỉ cần chúng ta luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp là sẽ có thể tìm thấy được sự yên tĩnh cho tâm hồn. Xét cho cùng, chẳng phải phía trước có bóng đen là bởi vì phía sau

có ánh sáng hay sao?

Rất nhiều lúc, sự tĩnh lặng của tâm hồn được thể hiện qua sự bình thản. Sự bình thản ở đây chính là tâm thái có thể bình tĩnh tiếp nhận tất cả mọi thực tế của cuộc sống, dù tốt dù xấu. Sự bình tĩnh này thực sự là một trí tuệ lớn.

Kinh nghiệm thực tế nói với chúng ta rằng, người kiên cường, bình tĩnh thì sẽ luôn nhận được sự tôn kính của người khác, bởi vì họ chẳng khác nào cây đại thụ um tùm xum xuê dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, tựa như núi đá đứng sừng sững trong mưa bão, và mang trong mình một tâm hồn yên bình mà kiên cường.

Trong cuộc sống, chúng ta không khó để nhận thấy rằng, rất nhiều người vì không thể làm chủ được tâm thái của mình mà đã tự phá vỡ đi cuộc sống vốn yên bình, hạnh phúc; số người thật sự có thể giữ được trạng thái tâm lí bình ổn thì rất ít.

Có một chàng trai trẻ và một ông lão râu tóc bạc phơ cùng ngồi câu cá bên bờ sông. Hai người ngồi rất gần nhau, điều kì lạ là cần câu của ông lão lúc nào cũng có cá cắn câu, còn chàng trai thì ngồi cả ngày mà chẳng câu được gì.

Cuối cùng, không kìm nén được nữa, chàng trai bèn hỏi ông lão: “Ông ơi, mồi câu của chúng ta giống nhau, chỗ ngồi câu cũng giống nhau, vì sao ông có thể dễ dàng câu được cá, còn cháu thì không câu được gì ạ?”

Ông lão cười và nói: “Đó là bởi vì nội tâm của chúng ta không giống nhau. Nhìn bề ngoài, việc làm của hai chúng ta giống nhau, nhưng thực chất thì khác. Cháu đang câu cá, còn ta đang thả câu. Khi cháu câu cá thì chỉ một lòng muốn câu được cá, luôn nhìn chằm chằm xem cá có nuốt mồi câu của cháu không, vì thế khi cháu thấy cá không mắc câu liền cảm thấy nôn nóng, tâm trạng không ngừng thay đổi, cá bị tâm trạng nôn nóng ấy làm cho sợ hãi mà bỏ ra xa. Còn ta, ta đang thả câu, thả câu và câu cá không giống nhau. Khi ta thả câu, ta không cần biết đến sự tồn tại của bản thân ta, cũng không cần biết đến sự tồn tại của cá, cá đến ta không vui, cá đi ta cũng chẳng buồn, tim ta tĩnh như nước, không chớp mắt, cũng không nóng vội, cá không cảm nhận được sự tồn tại của ta, vì thế chúng chẳng cần phải trốn chạy khỏi ta.”

“Không cần biết đến sự tồn tại của ta, không cần biết đến sự tồn tại của cá” là một cảnh giới. Đối với ông lão, thả câu là để tu thân dưỡng tính, ngoài điểm này ra, ông lão còn thu hoạch được rất nhiều cá. Còn đối với chàng trai, trong lòng anh ta chỉ hướng đến cá mà không để tâm tới việc câu cá, vì vậy cuối cùng chẳng thu hoạch được gì.

Những lời ông lão nói với chàng trai là nói về bản thân việc câu cá, nếu nâng lên ở một mức độ cao hơn thì có thể coi là triết học nhân sinh đầy trí tuệ. Cuộc đời con người, những sự hưng – suy, vinh - nhục, được - mất, tiến - thoái không ai có thể làm chủ được, chỉ khi giữ được tâm thế điềm tĩnh, thanh thản thì mới có thể tận hưởng được sự yên bình giữa bao thăng trầm của cuộc sống. Sự yên bình này hoàn toàn thuộc về thế giới tâm hồn, là cảnh giới tinh thần vượt thoát lên trên thế giới thực tại.

Thông thường, một người có nội tâm điềm tĩnh, thanh thản thì sẽ không hành xử nóng vội, tùy tiện và có nhận thức rõ ràng về sự đổi thay của nhân tình thế thái. Ngược lại, nếu nóng vội, quá để tâm đến chuyện được – mất thì chắc chắn trong hành động sẽ có sai sót, tiến thoái không nhịp nhàng, từ đó mất đi khả năng phán đoán chính xác đối với sự vật, sự việc. Vì vậy, người khéo xử lí việc lớn trước tiên phải là người có “tâm an”, “tâm an” ở đây chính là chỉ việc có được một tâm hồn điềm tĩnh, thanh thản.

Điềm tĩnh, thanh thản là tâm thái thản nhiên tự tại mà rất mực khiêm tốn; là tính cách ôn hòa, không bị mê hoặc bởi thế thái phù hoa, không buồn phiền vì hoàn cảnh khốn khó; là kiểu phong thái mà dẫu cho núi Thái Sơn có đổ sụp trước mắt thì thần sắc cũng không biến đổi, hươu chín màu chạy tới cũng không ngoảnh mặt nhìn.

điềm tĩnh, thanh thản thì mối quan hệ giữa người với người sẽ có thêm một chút ôn hòa, để khi phải đối mặt với cục diện phức tạp, chúng ta có thể bình tĩnh, ung dung ứng phó.

Tuy rằng có thể hiện tại đang phải đương đầu với phong ba bão táp, nhưng chúng ta cần nhớ rằng, trong đại dương - cuộc sống mênh mông kia, luôn có hòn đảo hạnh phúc, có bến bờ với ánh nắng chan hòa đợi chúng ta cập bến. Người Trung Quốc có câu: “Mặc cho phong ba nổi, ngồi vững trên bệ câu”. “Bệ” ở đây chính là một trái tim điềm tĩnh. Hãy cố gắng điều chỉnh tâm trạng về trạng thái tốt nhất, khẽ nhủ thầm trong lòng “ôn hòa, điềm tĩnh”, khi tâm hồn đã tĩnh lại rồi thì những hư ảo và ác niệm trong lòng sẽ tan theo mây khói, tâm hồn của chúng ta sẽ không bị thế giới bên ngoài quấy nhiễu, những tham vọng và sợ hãi cũng không còn chỗ ẩn thân.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 1 (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)