Khi một phán quyết của tòa án liên bang đã được đưa ra, Quốc hội có thể đưa ra rất nhiều phản ứng: Quốc hội có thể hỗ trợ hoặc cản trợ việc thực thi một phán quyết. Bên cạnh đó, nó có thể thay đổi cách diễn giải của tòa án về một đạo luật. Cuối cùng, Quốc hội có thể tiến hành công kích chống lại một thẩm phán cụ thể.
Trong quá trình quyết định các vụ kiện, các tòa án thường được yêu cầu phải diễn giải các quy chế của liên bang. Đôi khi, sự diễn giải của tòa án có thể khác với những gì mà đa số trong Quốc hội dự định. Khi tình hình này xảy ra, Quốc hội có thể thay đổi quy chế bằng một đạo luật mới mà trên thực tế là bác bỏ sự diễn giải ban đầu của tòa án. Tuy nhiên, đa số vượt trội trong các phán quyết về quy chế của tòa án liên bang không bị thay đổi bởi Quốc hội.
Bên cạnh việc phán quyết về các quy chế, các tòa liên bang còn diễn giải Hiến pháp. Quốc hội có hai phương pháp để đảo ngược hoặc thay đổi tác động của một sự diễn giải Hiến pháp mà Quốc hội không thích. Thứ nhất, Quốc hội có thể phản ứng bằng một quy chế khác, được đưa ra nhằm tránh các vấn đề thuộc về Hiến pháp. Thứ hai, một quyết định hợp hiến có thể bị bác bỏ trực tiếp bởi một điều khoản sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ (tu chính án). Mặc dù rất nhiều tu chính án như vậy đã được đưa ra trong nhiều năm, song không dễ dàng gì có thể đạt được hai phần ba số phiếu cần thiết tại mỗi viện của
Quốc hội để đề xuất một tu chính án và sau đó được ba phần tư các bang của Hoa Kỳ phê chuẩn. Trong lịch sử tòa án, chỉ có bốn phán quyết của Tòa án tối cao đã bị bác bỏ bởi các tu chính án của Hiến pháp.
Một biện pháp khác để phản ứng lại các phán quyết của tòa án là Quốc hội tiến hành việc công kích các tòa án liên bang nói chung và một số thẩm phán nhất định nói riêng. Những cuộc công kích này có thể dưới hình thức các tuyên bố miệng của một thành viên Quốc hội, đe dọa luận tội thẩm phán đương nhiệm, hoặc tiến hành thẩm tra toàn diện hơn về các triết lý hành xử tại tòa án của các ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ thẩm phán liên bang.
Tuy nhiên, Quốc hội và các tòa án liên bang về bản chất là không đối địch. Các cuộc công kích trả đũa đối với các tòa án liên bang là rất hiếm hoi, và hai ngành thường làm việc hòa hợp với nhau để hướng tới những mục tiêu chính sách giống nhau. Một ví dụ là Quốc hội đóng vai trò then chốt trong việc thực thi chính sách xóa bỏ nạn phân biệt đối xử tại trường học của Tòa án tối cao bằng việc ban hành Đạo luật nhân quyền năm 1964, trao quyền cho Bộ Tư pháp khởi xướng những vụ kiện đối với các phân khu trường học không tuân thủ phán quyết của vụ Brown kiện ủy ban giáo dục. Tiêu mục VI của Đạo luật này cũng cung cấp một vũ khí rất hiệu quả cho cuộc đấ u tranh chống nạn phân biệt chủng tộc bằng việc đe dọa cắt bỏ ngân quỹ của liên bang đối với những trường vi phạm. Năm 1965, Quốc hội đã củng cố thêm sự ủng hộ của mình đối với chính sách xóa bỏ nạn phân biệt đối xử giữa các trường học công bằng việc thông qua Đạo luật giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Đạo luật này dành cho chính phủ liên bang một vai trò lớn hơn nhiều trong việc tài trợ cho giáo dục công, do vậy khiến sự đe dọa cắt bỏ ngân sách liên bang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với rất nhiều phân khu trường học vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử. Sự ủng hộ này của Quốc hội là rất có ý nghĩa, bởi vì khả năng tuân thủ một chính sách sẽ tăng lên khi có sự nhất trí giữa các ngành quyền lực trong chính quyền.