LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC TÒA ÁN BANG

Một phần của tài liệu Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ pot (Trang 28 - 30)

Về vấn đề tổ chức tòa án, không có bang nào giống hệt nhau. Mỗi bang được tự do áp dụng cơ chế tổ chức riêng, tùy ý thành lập bao nhiêu tòa án, đặt tên như thế nào và thiết lập phạm vi tài phán như thế nào thích hợp nhất. Do đó, tổ chức tòa án bang không giống một hệ thống ba cấp rõ ràng như ở cấp liên bang. Ví dụ, trong hệ thống liên bang, tòa sơ thẩm được gọi là tòa án hạt và tòa phúc thẩm được gọi là tòa lưu động (tòa phúc thẩm vùng). Trong khi đó, tại hơn một chục bang, tòa lưu động là tòa sơ thẩm. Một số bang khác sử dụng khái niệm tòa cấp trên (superior court) để chỉ các tòa sơ thẩm lớn. Có lẽ hiện tượng ngạc nhiên nhất là ở Bang New York, nơi mà các tòa sơ thẩm lớn được gọi là Tòa án tối cao.

Mặc dù có nhiều điểm khác nhau về tổ chức các tòa án bang, nhưng tựu chung đây là một hệ thống rất quan trọng. Do khối lượng luật bang lớn hơn rất nhiều so với các đạo luật liên bang, bao trùm hầu hết mọi thứ từ quan hệ cá nhân cơ bản đến các chính sách công quan trọng nhất của bang, nên phạm vi công việc của tòa án bang là rất lớn, và số lượng vụ án được giải quyết hàng năm ở tòa án bang lớn hơn nhiều so với số vụ của tòa liên bang.

Thời kỳ thuộc địa

Trong thời kỳ thuộc địa, quyền lực chính trị tập trung trong tay thống đốc do Hoàng đế nước Anh chỉ định. Do các thống đốc thực hiện toàn bộ các chức năng hành pháp, lập pháp và tư pháp, nên không cần đến một hệ thống tòa án quá chi tiết.

Cấp tư pháp thuộc địa nhỏ nhất là các thẩm phán địa phương được gọi là thẩm phán hòa giải hoặc thẩm phán tiểu hình. Các thẩm phán này được thống đốc khu vực thuộc địa bổ nhiệm. Cấp tiếp theo của hệ thống là các tòa án tỉnh; đây là các tòa sơ thẩm chung của các khu vực thuộc địa. Các kháng cáo kháng nghị từ tất cả các tòa án được đưa lên cấp cao nhất, đó là thống đốc và hội đồng thống đốc. Đại bồi thẩm và tiểu bồi thẩm cũng xuất hiện trong thời kỳ này, và hiện nay vẫn là một đặc điểm nổi bật của hệ thống tư pháp bang.

Đến đầu thế kỷ XVIII, nghề luật bắt đầu thay đổi. Luật sư được đào tạo trong các Hội quán luật của Anh, và số lượng đã trở nên đông đảo, do đó, các thủ tục tòa án thuộc địa đã dần được thay đổi bằng hệ thống thông luật tinh vi của Anh.

Các tòa án bang thời kỳ đầu

Sau Cách mạng Mỹ (1775–1783), quyền lực chính quyền không chỉ bị tiếp quản bởi các thể chế lập pháp, mà đồng thời còn bị giảm sút nghiêm trọng. Các nhà thực dân cũ không muốn hệ thống tư pháp phát triển độc lập và lớn mạnh; họ coi thường luật sư và thông luật. Cơ quan lập pháp bang giám sát hoạt động tòa án một cách cẩn trọng và trong một số trường hợp đã loại bỏ các thẩm phán và xóa bỏ một số tòa án vì các quyết định hơi bất thường.

Sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp ngày càng gia tăng khi các tòa án tuyên bố các hành động lập pháp là vi hiến. Xung đột giữa lập pháp và thẩm phán ngày càng phổ biến và thường nảy sinh từ mâu thuẫn lợi ích. Có vẻ như các nhà lập pháp thích các chính sách có lợi cho con nợ hơn, trong khi các tòa án thường thể hiện quan điểm của chủ nợ. Sự khác biệt này là một yếu tố quan trọng, vì “do xung đột quyền lực lập pháp và tư pháp... nên các tòa án dần dần trở thành một tổ chức chính trị độc lập”, như David W. Neubanuer đã viết trong cuốn Tòa án Mỹ và Hệ thống pháp luật hình sự (America’s Courts and the Criminal Justice System).

Các tòa án bang thời hiện đại

khác. Quá trình công nghiệp hóa và phát triển nhanh chóng các khu vực đô thị đẻ ra nhiều loại tranh chấp pháp lý mới, và nảy sinh các vụ xét xử dài hơn và phức tạp hơn. Do các hệ thống tòa án bang phần lớn được thiết kế để giải quyết các vấn đề ở khu vực nông thôn, ruộng đất, nên chúng bị khủng hoảng vì án tồn đọng quá nhiều trong quá trình đấu tranh điều chỉnh.

Có một giải pháp là lập các tòa án mới để giải quyết số lượng án tăng lên. Thông thường, các tòa án được xếp chồng lên nhau. Một giải pháp khác là bổ sung thẩm quyền xét xử cho các tòa án mới vượt quá khu vực địa lý cụ thể. Ngoài ra còn có các giải pháp khác là lập tòa chuyên trách để giải quyết các vụ thuộc một lĩnh vực nhất định. Ví dụ, ngày càng có nhiều các tòa khiếu nại nhỏ, tòa vị thành niên và tòa quan hệ gia đình.

Việc mở rộng các tòa án bang và địa phương một cách không có kế hoạch để đáp ứng những nhu cầu cụ thể đã dẫn đến tình trạng được nhiều người gọi là xé lẻ. Tuy nhiên, việc có nhiều loại tòa sơ thẩm mới chỉ là một khía cạnh của sự xé lẻ. Nhiều tòa án có thẩm quyền xét xử rất hạn hẹp. Ngoài ra, thẩm quyền xét xử của nhiều tòa án thường bị trùng lắp.

Đầu thế kỷ XX, mọi người bắt đầu lo ngại về sự nhỏ lẻ của hệ thống tòa án bang. Các chương trình cải cách để giải quyết vấn đề này được gọi chung là phong trào thống nhất tòa án. Học giả luật nổi tiếng đầu tiên lên tiếng ủng hộ thống nhất tòa án là Roscoe Pound, hiệu trưởng Trường luật Harvard. Pound và những người khác đã kêu gọi thống nhất các tòa sơ thẩm thành một hoặc hai nhóm tòa án, một nhóm xét xử các vụ lớn và một nhóm xét xử các vụ nhỏ lẻ.

Quá trình thống nhất tòa án gặp phải rất nhiều phản đối. Nhiều luật sư sơ thẩm đã gần như hàng ngày xuất hiện ở tòa và đã quá quen với tổ chức tòa án hiện tại, nên họ phản đối sự thay đổi. Các thẩm phán và nhân viên tòa án đôi lúc cũng phản đối cải cách. Phản đối của họ thường xuất phát từ việc sợ bị chuyển đến tòa án mới, phải học thủ tục mới, hoặc phải giải quyết các vụ việc nằm ngoài chuyên môn của mình. Do đó, phong trào thống nhất tòa án không được thành công như nhiều người mong đợi. Nhưng những người đề xướng cải cách tòa án cũng đã giành thắng lợi ở một số bang.

Một phần của tài liệu Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ pot (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)