QUÁ TRÌNH HÒA NHẬP VÀO BỘ MÁY TƯ PHÁP

Một phần của tài liệu Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ pot (Trang 102 - 103)

Tại các trường cao đẳng và trường luật, các thẩm phán tương lai được học những kỹ năng phân tích và giao tiếp quan trọng, bên cạnh kiến thức cơ bản về luật pháp. Sau một hoặc hai chục năm hành nghề luật, vị thẩm phán tương lai đã có được một hiểu biết khá tốt về cách thức hoạt động trên thực tế của các tòa án và luật pháp, và có chuyên môn sâu về một vài lĩnh vực luật. Mặc dù có tất cả những sự chuẩn bị này, đôi khi được gọi là “quá trình hòa nhập trước”, phần lớn các thẩm phán mới của Mỹ vẫn có rất nhiều điều phải học để làm một thẩm phán.

Hoa Kỳ không chỉ thiếu những quy trình đào tạo chính thức đối với nghề thẩm phán, mà người Mỹ còn cho rằng việc hành nghề luật sư trong một thập kỷ hoặc hơn là tất cả những gì cần thiết để có thể trở thành một thẩm phán. Ngược lại, việc trở thành một thẩm phán ở Mỹ đòi hỏi phải có sự hòa nhập tương đối nhiều của người mới vào nghề (học tập ngắn hạn và điều chỉnh cho phù hợp với vai trò mới) và sự hòa nhập về mặt nghề nghiệp (đào tạo tại chức trong khoảng thời gian một vài năm).

Thông thường, những người mới được bổ nhiệm vào các tòa án sơ thẩm có thể là các luật sư hạng nhất và các chuyên gia trong một vài lĩnh vực luật mà họ có kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, với vai trò là một thẩm phán, họ được yêu cầu phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực pháp lý, phải tham gia vào những nhiệm vụ tư pháp mà thường không có liên quan gì tới những công việc họ đã tiến hành khi làm luật sư (ví dụ như kết án), và được giao cho rất nhiều nhiệm vụ mà họ không có kinh nghiệm gì trước đó (ví dụ như học cách vào sổ ghi án một cách hiệu quả hàng trăm vụ án khác nhau).

Tại các tòa phúc phẩm, cũng có một quá trình hòa nhập những người mới được bổ nhiệm - mặc dù các thẩm phán hạt thường đã có kinh nghiệm làm thẩm phán từ trước - và các cựu thẩm phán tòa sơ thẩm dường như chuyển đổi dễ dàng hơn. Trong suốt thời gian chuyển đổi, các thẩm phán hạt có xu hướng phát biểu tại tòa ít hơn so với các đồng sự giàu kinh nghiệm hơn của mình. Họ thường mất nhiều thời gian hơn để ghi chép các ý kiến, tham khảo nhiều hơn các đồng nghiệp có thâm niên cao, hoặc trải qua một thời kỳ

do dự và thiếu quyết đoán.

Quá trình học tập đối với các thẩm phán mới của Tòa án tối cao còn vất vả hơn nữa. Giống như các thẩm phán mới của tòa phúc thẩm, các thẩm phán mới được bổ nhiệm của Tòa án tối cao cũng có xu hướng tham khảo ý kiến các đồng sự nhiều kinh nghiệm, đưa ra ít hơn những ý kiến đa số hoặc quan điểm bất đồng, và thể hiện một mức độ không chắc chắn. Các thẩm phán mới của Tòa án tối cao có thể có nhiều kinh nghiệm thẩm phán hơn các đồng sự của họ tại những tòa án cấp thấp hơn, nhưng thực tế là Tòa án tối cao tham gia vào một phạm vi rộng các quyết sách tư pháp - trái ngược với việc sửa chữa những sai sót của các tòa phúc thẩm và việc thực thi luật pháp của tòa sơ thẩm - có thể giải thích cho sự thiếu quyết đoán ban đầu của họ.

Khi xem xét nhu cầu của tất cả các thẩm phán mới của liên bang đối với việc hòa nhập về mặt nghề nghiệp cũng như trên khía cạnh một người mới vào nghề, họ sẽ có được sự chỉ dẫn ở đâu? Đối với các thẩm phán tòa phúc thẩm và sơ thẩm, họ học được những điều này chủ yếu là từ các đồng sự có thâm niên cao hơn và giàu kinh nghiệm hơn - đặc biệt là chánh án của hạt hoặc của khu vực lưu động. Cũng tương tự ở Tòa án tối cao, các đồng sự lớn tuổi hơn, và đặc biệt là chánh án, đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền lại cho các thẩm phán mới những phép tắc và giá trị thiết yếu của Tòa.

Các buổi hội thảo đào tạo do Trung tâm tư pháp liên bang tiến hành dành cho những thẩm phán mới được bổ nhiệm cũng có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo và giúp các thẩm phán mới hòa nhập với công việc. Mặc dù một số buổi hội thảo được tiến hành bởi các chuyên gia ngoài ngành - các chuyên gia về từng lĩnh vực luật pháp trong trường luật - song các giảng viên chủ yếu thường là những thẩm phán giàu kinh nghiệm - những người mà kinh nghiệm thực tiễn của họ trên ghế thẩm phán thường khiến cho các thành viên mới của hệ thống tòa án liên bang phải kính phục.

Tầm quan trọng của quá trình hòa nhập này đối với hoạt động của hệ thống tòa án - luật pháp Hoa Kỳ là gì? Thứ nhất, những tác nhân giúp hòa nhập được chuẩn bị sẵn sàng cho các thẩm phán mới sẽ cho phép hệ thống vận hành trôi chảy hơn, với thời gian gián đoạn tối thiểu. Nếu các thẩm phán mới bị tách biệt khỏi các đồng sự lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn của họ, về phương diện địa lý hoặc bởi các yếu tố khác, họ sẽ cần nhiều thời gian hơn để học được những điểm cần thiết trong nghề nghiệp của mình và có thể sẽ có nhiều sai sót hơn trong việc giải quyết các tranh chấp.

Thứ hai, thực tế rằng hệ thống này tự bản thân nó có thể giúp cho việc hòa nhập -có nghĩa là các thẩm phán lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn giúp đào tạo những người mới vào nghề - có tác dụng như một chất keo dính kết hệ thống với nhau. Nó cho phép các giá trị, những thông lệ và định hướng của tòa án được truyền từ thế hệ thẩm phán này sang thế hệ thẩm phán khác. Nó mang lại sự liên tục và cảm giác về sự vĩnh viễn cho một hệ thống vận hành trong một thế giới mà sự hỗn loạn và các hành vi tùy tiện luôn phổ biến.

Một phần của tài liệu Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ pot (Trang 102 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)