Ngành Hàng Không Việt Nam được thành lập ngày 15/01/1956. Qua các thời kỳ, ngành thể hiện vai trò là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù phục vụ chiến đấu trong những năm chiến tranh cũng như tham gia thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân. Cùng với sự phát triển của ngành, các cảng hàng không cũng lần lượt ra đời và phát triển để phục vụ việc vận chuyển hành khách và hàng hóa thương mại.
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể, trình độ phát triển và mô hình tổ chức quản lý, có thể phân quá trình hình thành và phát triển của cảng theo 3 thời kỳ:
Thời kỳ 1956 – 1975:
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) trực thuộc Phủ thủ tướng (nay là chính phủ), nhưng do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý nhằm thực hiện cả hai nhiệm vụ: dân dụng và quân sự. Nhiệm vụ chủ yếu của cảng trong giai đoạn này là phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu, bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc. Trong thời kỳ này, do đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đường xá còn hạn chế cộng với việc ngăn cấm vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương nên các sân bay Việt Nam trong giai đoạn này hầu như chỉ phục vụ cho mục đích quốc phòng. Khối lượng hành khách chuyên chở và khối lượng hàng hóa vận chuyển theo mục đích thương mại hầu như không đáng kể.
Thời kỳ 1976 – 1989:
Ngành HKDDVN hoạt động theo cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp, vừa làm chức năng quản lý Nhà nước theo phân cấp vừa thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu được chú trọng phát triển. Chính vì vậy mà hệ thống cảng đang được chú trọng đầu từ, hoạt động vận tải Hàng không đã phủ khắp nước nhưng quan hệ quốc tế chưa được mở rộng, tuy nhiên mức tăng trưởng còn thấp (bình quân khoảng 5 – 7%/năm).
Thời kỳ 1990 – 2000:
Do chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước nên mức tăng trưởng của ngành tăng cao trong giai đoạn này (khoảng 35%/năm) về vận tải
hàng không(1990 – 1997). Ngành HKDDVN có điều kiện phát triển mạnh mẽ với thị trường trong nước và quốc tế. Kết cấu hạ tầng, hệ thống sân bay được đầu tư nâng cấp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý ngày càng được hoàn thiện và tiếp cận với mô hình phát triển hàng không phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên từ năm 1997 trở lại đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á nên kinh tế -vận tải hàng không có xu hướng chựng lại, mức độ tăng trưởng giảm từ 31%/năm (1995) xuống còn 17%/năm (1996)và 3%/năm (1997).