Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược đối ngoại theo hướng mở rộng liên minh đối tác, tập trung giải quyết vấn đề Triều Tiên, Iran, tăng cường biện pháp đối phó với Nga, Trung Quốc, trọng tâm là “Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.
- Bộ Ngoại giao Mỹ công khai Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng”. Tại cuộc họp báo ngày 2/4, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex N Wong đã nêu vắn tắt Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, một số biện pháp thực hiện chiến lược: (1)Thúc đẩy các hoạt động chính trị-ngoại giao thông qua tăng cường các chuyến thăm cấp cao; (2)Tăng cường thương mại, đảm bảo cho các nước mở cửa thương mại và đầu tư, trong đó khuyến khích thực thi đầy đủ các luật thương mại; (3)Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và khuyến khích vai trò tư nhân; (4)Thúc đẩy quan hệ tứ giác: Mỹ- Australia- Nhật Bản- Ấn Độ.
Để thực thi Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ngày 7/5, Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Hạ viện Mỹ Mac Thornberry đã công bố những đề xuất đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019, trong đó dành một phần riêng nói về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với một số điểm nổi bật như: (1)Thay các cụm từ châu Á-Thái Bình Dương bằng cụm từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (2) Đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành tên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (3)Đổi tên Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á thành Sáng kiến An ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (4) Ủng hộ Sáng kiến Bình ổn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm nâng cao vị thế của quân đội Mỹ, cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, căn cứ và hậu cần, tăng cường huấn luyện song phương và đa phương với các nước đồng minh và đối tác. (5)Cho phép bổ sung thêm các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương;
(6) Yêu cầu Tổng thống phải phát triển một chiến lược tổng thể của chính quyền liên quan đến cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Đài Loan. Ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã công bố đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Tư lệnh là Đô đốc Phil Davidson.
- Tích cực giải quyết các điểm nóng Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran và Syria
+ Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore đã diễn ra thành công với việc hai bên ký một thỏa thuận chung 4 điểm: hai bước thúc đẩy quan hệ ngoại giao, nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên; Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa, tìm kiếm POW/MIA. Vấn đề Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phải mất thời gian và có thể bùng nổ lại nếu một bên vi phạm cam kết.
+ Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày 8/5, Tổng thống Trump thông báo Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Trump tuyên bố sẽ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran vì JCPOA “làm giàu” cho chính quyền Iran. Quyết định của Trump đã gây ra sự phản đối của các bên tham gia như Anh, Pháp và Đức. Các nước này mong muốn tiếp tục duy trì các điều khoản của thỏa thuận này, nên bất cứ biện pháp đơn phương nào mà chính quyền Trump áp dụng với Iran đều có nguy cơ bị cô lập và vô tác dụng.
- Mỹ tấn công Syria. Ngày 13/4, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã tấn công Syria với cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học vào khu vực Đông Ghouta, nhưng thực chất vì nhiều mục tiêu khác. Đánh giá về hành động này, dư luận cho rằng, rất có thể Trump làm vậy nhằm chuyển hướng quan tâm của dư luận đối với cuộc điều tra “bê bối liên quan đến Nga” ở trong nước hay có hành động quân sự ngắn ngủi nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Ngoài ra, hành động tấn công Syria còn được xem là đòn răn đe các nước, đặc biệt là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran-những nước được Mỹ liệt vào là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
- Mỹ gia tăng các biện pháp đối phó với các đối thủ trực tiếp
+ Quan hệ Mỹ-Trung đứng trước những thách thức lớn, nhất là thương mại. Sau một loạt động thái cứng rắn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, hai bên đã khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi quyết định của Washington áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn "ăn miếng, trả miếng" có thể kéo dài và tác động mạnh tới kinh tế hai nước và thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định việc Mỹ áp đặt mức thuế cao đối với Trung Quốc thực ra không có liên hệ gì nhiều đến vấn đề thương mại mà thực chất đây là một cuộc chiến vì quyền lực toàn cầu Mỹ-Trung, nhằm khẳng định quốc gia nào sẽ thống trị công nghệ và điều hành nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI.
- Quan hệ Mỹ-Nga tiếp tục căng thẳng. Dư luận cho rằng, có 5 điểm chia rẽ sâu sắc nhất quan hệ Mỹ-Nga hiện nay, gồm: (1)Vấn đề Ukraine; (2)Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016; (3)Chiến sự tại Syria khi Tổng thống Putin đã tài tình tận dụng sự không can thiệp của Obama, để chiếm ưu thế và loại bỏ nỗ lực của Mỹ trong vấn đề này; (4)Vấn đề hạt nhân Iran; và (5)Vai trò “tiêu cực” do Nga cố tình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Để giải tỏa căng thẳng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tới Moskva để dàn xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin ở một nước thứ 3, làm dấy lên hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia đối đầu từ thời Chiến tranh Lạnh.
- Mỹ sẵn sàng vì lợi ích của mình mà bỏ qua vai trò của đồng minh trong vấn đề kinh tế.
+ Việc Mỹ bất chấp mối quan hệ đồng minh ngày 30/5 tuyên bố áp thuế nhôm thép với Mexico, Canada và EU đã gây ra phản ứng mạnh đối với Canada, Pháp, Anh và Đức, khẳng định sẽ có những biện pháp trả đũa Mỹ.
+ Nhật Bản lo ngại mất vai trò trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, lại hứng thêm một “cú đấm” khi Mỹ áp 25% thuế đối với xe ô tô nhập khẩu. Phía Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết cùng với Nhật Bản giải quyết vấn đề Triều Tiên, khẳng định mối quan hệ đồng minh chặt chẽ. Tuy nhiên, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và hội nghị G-7, ngày 7/6, ông Abe đã gặp Trump nhằm nhắc nhở về khả năng tổn thương của Nhật Bản đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thảo luận vấn đề 25% thuế ô tô nhập khẩu.
+ Là một trong những nước tích cực thúc đẩy giải quyết vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc thậm chí còn đi trước Mỹ một bước trong trường hợp cuộc gặp thương đỉnh Mỹ- Triều không đạt kết quả khi đẩy mạnh quan hệ với Bình Nhưỡng, đề xuất thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau cuộc gặp thượng đỉnh, Hàn Quốc tỏ ra lo ngại khi Mỹ đơn phương tuyên bố dừng diễn tập quân sự mà chưa thông báo cho Seoul, thậm chí Mỹ còn có ý định rút bớt lực lượng quân sự khỏi nước này.