Vấn đề người di cư nổi lên là một chủ đề gai góc và đỉnh điểm tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 22-23/6. Tình hình càng khó khăn hơn khi Italy, một nước ở tuyến đầu tiếp nhận người di cư, có chính phủ cực hữu lên nắm chính quyền và phản đối mọi chính sách của EU. Đụng độ đầu tiên giữa chính phủ Italy với EU là về vấn đề người di cư. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte lần đầu tiên tham dự đã mang đến 10 điểm đề xuất về tiếp nhận và chia sẻ tái bố trí người di cư. Ông đã đặt cuộc họp vào tình huống khó khăn khi chặn không thông qua tuyên bố chung của EU. Sau nhiều giờ tiếp tục đàm phán, cuối cùng, các bên cũng đã đi đến được thỏa thuận về vấn đề người di cư và ra được tuyên bố chung. Lần này, vấn đề không phải là số lượng người di cư gây nên cuộc khủng hoảng mà là cuộc cạnh tranh về quan điểm chính trị của các đảng phái đối lập nhau. EU chứng kiến lần đầu tiên một chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở một nước thành viên sáng lập của EU, báo hiệu những diễn biến bất ngờ và kịch tính trên chính trường Italy, cũng như khả năng căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 3 của EU với các nước thành viên còn lại trong thời gian tới. Ngoài vấn đề người di cư, chính phủ mới của Italy kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, đồng thời cam kết hợp tác với chính phủ một số nước có quan điểm hoài nghi châu Âu như Hungary để “thay đổi các luật lệ” của EU. Theo giới quan sát, các hành động của chính phủ Italy đặt ra nguy cơ nước này có thể nối gót theo Anh ra khỏi EU.
Một chủ đề nổi lên trong những tháng qua là cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và EU khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế cao 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu. Ngay sau khi Mỹ thông báo áp thuế, phía EU cũng lập tức đưa ra các biện pháp trả đũa với việc đánh thuế hàng chục sản phẩm của Mỹ trong đó có thuốc lá, rượu bourbon, quần bò hay xe máy phân khối lớn… chính thức có hiệu lực từ ngày 22/6. Các sản phẩm bị EU áp thuế nhìn chung ở mức 25%.