Sau khi phân tích mật độ tinh trùng bằng 3 phương pháp, chúng tôi nhận thấy: mật độ trung bình thu được bằng 3 phương pháp là: Makler > Neubauer > SQA-IIB (111,4 ± 76,5; 108,0 ± 75,1; 91,9 ± 54,0). Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của YA Hồ Cẩm Đào và CS (2006) [70], và Tác giả Cardona- Maya W. và CS (2008) [35].
Để tăng độ chính xác khi so sánh và theo một số nghiên cứu của các tác giả trước, chúng tôi chia mật độ tinh trùng ở các mẫu thành 3 nhóm ở cả 3
phương pháp (nhóm 1 mật độ TT < 40 triệu/ml, nhóm 2 mật độ TT từ 40 – 100 triệu/ml, nhóm 3 mật độ TT > 100 triệu/ml), chúng tôi nhận thấy rằng: Số mẫu có mật độ TT ở nhóm 3 (mật độ TT > 100 triệu/ml) là cao nhất, có 15 trường hợp chiếm 50% (Bảng 3.2) . Kết quả mật độ trung bình thu được ở nhóm này như sau: bằng buồng đếm Makler là 178,3 ± 56,3, bằng buồng đếm Neubauer là 173,0 ± 54,2; bằng máy SQA-IIB là 135,3 ± 33,2. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng mật độ trung bình ở nhóm này thu được từ máy đếm SQA-IIB thấp hơn so với buồng đếm Makler và buồng đếm Neubauer, có sự chênh lệch này có lẽ do máy đếm SQA-IIB không phân biệt được những TT sát nhau, vì trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy ở những mẫu có mật độ tinh trùng càng cao thì sự chênh lệch càng lớn. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05, điều này thể hiện ở bảng 3.11; 3.12. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này: David Mortimer (1994) [37]; YA Hồ Cẩm Đào (2006) [70]. Trong nhóm này không có sự khác biệt về mật độ giữa buồng đếm Makler và buồng đếm Neubauer (Bảng 3.10) với P > 0,05, kết quả này cũng tương đương với kết quả nghiên cứu của tác giả Jin-Chunlu (2007), với những mẫu > 100triệu/ml, mật độ trung bình của buồng đếm Makler và Neubauer là 150,4 ± 16,2 và 153,7 ± 23,0 (P > 0,05) [47].
Số mẫu có mật độ TT ở nhóm từ 40-100 triệu/ml, là 9 trường hợp chiếm 30%. Kết quả mật độ trung bình thu được ở nhóm này như sau : bằng buồng đếm Makler là 67,3 ± 19,3; buồng đếm Neubauer là 66,5 ± 13,4; bằng máy phân tích tự động SQA-IIB là 72,4 ± 13,3. Theo bảng 3.10; bảng 3.11; bảng 3.12 chúng tôi thấy rằng mật độ trung bình của máy SQA-IIB cao hơn so với buồng đếm Makler và buồng đếm Neubauer, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy ở nhóm này với một số mẫu có nhiều tế bào tròn (tế bào biểu mô, bạch cầu, tinh trùng non), thì máy cho kết quả cao hơn so với hai buồng đếm, như vậy
chúng tôi cho rằng trong khi phân tích máy không phân biệt được tinh trùng với các tế bào khác trong tinh dịch, nhận xét của chúng tôi cũng giống như kết luận của tác giả Makler A. và CS (1999), các tác giả cho rằng việc đánh giá thông qua thuật toán của máy đếm là không đủ độ chính xác [56].
Số mẫu có mật độ TT ở nhóm 1 (mật độ TT < 40 triệu/ml), là 6 trường hợp chiếm 20%. Kết quả mật độ TT thu được ở nhóm này bằng buồng đếm Makler là 25,5 ± 8,3; bằng buồng đếm Neubauer là 19.0 ± 8,4, và bằng máy SQA-IIB là 11,2 ± 5,4. Theo bảng 3.7, ở nhóm này có sự khác biệt về mật độ trung bình giữa buồng đếm Makler và buồng đếm Neubauer. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 0,001). Giữa buồng đếm Makler với máy phân tích SQA-IIB, và giữa buồng đếm Neubauer với máy phân tích SQA-IIB cũng đều có sự khác biệt, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy rằng những mẫu có mật độ càng thấp thì sự chênh lệch giữa ba phương pháp càng lớn, thấp nhất là kết quả của máy SQA-IIB. Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Makler A. và CS (1999), các tác giả cho rằng việc đánh giá chất lượng tinh trùng của máy SQA-IIB là do có tế bào quang điện phát hiện sự biến đổi về mật độ quang học gây ra bởi sự vận động của tinh trùng, các tín hiệu đó được chuyển đổi thông qua kỹ thuật số được cài đặt trong máy, từ đó máy sẽ cung cấp các chỉ số của tinh, như vậy có lẽ những mẫu TT có mật độ thấp sự thu nhận của máy bị hạn chế do đó dẫn đến sự chênh lệch càng rõ hơn [56].
Qua kết quả phân tích trên, chúng tôi nhận thấy rằng: mật độ TT giữa buồng đếm Makler và buồng đếm Neubauer là như nhau ở nhóm có mật độ từ trên 40 triệu/ml, và có sự khác biệt với nhóm có mật độ tinh trùng < 40 triệu/ml. Nghiên cứu này của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của tác giả tác giả Sukcharoen và CS (1994), với số mẫu (n=55), và P < 0,0001 [61]. Kết luận của chúng tôi khác với nghiên cứu của tác giả Cardona- Naya W. và CS (2008), khi nghiên cứu 112 mẫu tinh dịch, trong đó có 92 mẫu < 40
triệu/ml, các tác giả đã chia nhỏ mẫu < 40 triệu/ml để nghiên cứu ở hai buồng đếm, và đã kết luận là không có sự khác biệt với P > 0,05 [35], có sự khác biệt này có lẽ do số mẫu nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn.
Buồng đếm Makler dùng phân tích với mẫu tinh dịch không pha loãng, còn với buồng đếm Neubauer mẫu tinh dịch khi phân tích phải pha loãng theo hướng dẫn của WHO. Sự pha loãng này cũng có sự khác biệt giữa WHO 1999 với WHO 2010. Theo WHO 1999 mật độ tinh trùng bình thường là > 20 triệu/ml, còn WHO 2010 mật độ > 15 triệu/ml được xếp là bình thường. Theo WHO 1999 tỉ lệ pha loãng: khi 15-40TT/ vi trường, pha loãng 1/5, khi 41-200 TT/vi trường, pha loãng 1/10; mật độ > 200 TT/ vi trường, pha loãng 1/50. Còn theo WHO 2010: 16-100 TT/vi trường pha loãng 1/5; mật độ > 101 TT/vi trường pha loãng 1/20. Theo tác giả Artde Kruif và CS, sau khi nghiên cứu đã kết luận, việc xác định chính xác mật độ TT trên một vi trường, để quyết định độ pha loãng cho phù hợp theo hướng dẫn của WHO, phụ thuộc rất nhiều vào người làm. Việc này rất quan trọng vì kết quả thu được còn liên quan đến chọn phương pháp trong điều trị hiếm muộn như IUI, IVF, ICSI [30]. Hiện nay chúng tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu nào so sánh sự khác nhau giữa hai cách pha loãng của WHO.