Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đặt ra những mục tiêu phát triển NLTT trong dài hạn và triển khai thông qua những chính sách cụ thể , điều này đã tạo điều kiện để ngành NLTT phát triển nhanh trong hơn một thập kỷ qua.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều áp dụng chính sách trợ giá FIT cho NLTT, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việc áp dụng chính sách trợ giá FiT được xem là một thành công rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển NLTT của ba quốc gia này để phù hợp với việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Những trường hợp thành công đã cho thấy việc trợ giá điện có thể khuyến khích phát triển NLTT thông qua giảm thiểu rủi ro đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất điện nhỏ và vừa, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho địa phương và thúc đẩy sự đa dạng các nguồn NLTT bằng cách quản lý các giá tiêu chuẩn để phản ánh được những khiếm khuyết về công nghệ và khả thi của các nguồn năng lượng khác nhau. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này lại gặp không ít khó khăn trong việc thiết lập giá tiêu chuẩn phù hợp, dự báo ngân sách vận hành cần thiết và tác động của nó cũng như sự nhạy cảm của các nhà sản xuất điện với biến động giá tiêu chuẩn. Việc áp dụng FiT cũng có nhược điểm là tạo gánh nặng bội chi ngân sách cho Chính phủ khi phải trợ giá trong một thời gian dài và chuyển gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng cuối cùng, do đó cần phải được tính toán để cân bằng giữa lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân trong việc tiêu thụ NLTT. Đây là điểm mà các quốc gia đi sau trong đó có Việt Nam cần có những thay đổi cho phù hợp.
Trung Quốc giảm thuế cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió; Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng thuế môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa có phát thải cao. Đây là những hành động kịp thời nhằm
để thúc đẩy phát triển NLTT. Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp dụng các mức hỗ trợ thuế cho năng lượng mặt trời, gió quá nhiều, trong khi các chi phí điện mặt trời, gió đã giảm mạnh cũng làm đẩy nhanh quá trình đầu tư, tạo một lượng lớn điện mặt trời, điện gió dư thừa gây lãng phí. Hay việc đánh thuế vào các ngành công nghiệp phát thải carbon ở Hàn Quốc còn thấp. Những hành động này chưa thực sự quyết liệt cho thấy Chính phủ Hàn Quốc chưa sẵn sàng đánh đổi cơ hội phát triển kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường, chống BĐKH như đã đề ra. Chính phủ Nhật Bản cũng đã loại bỏ trợ cấp cho ngành điện truyền thống, đồng thời xem xét đánh giá môi trường và tính thêm các khoản thuế carbon cho các hoạt động có sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chính điều này làm tăng tính cạnh tranh, góp phần mở rộng thị phần cho các dự án NLTT. Đây là một kịch bản mà các quốc gia đi sau có thể tham chiếu để cân nhắc lựa chọn cho phù hợp với mục tiêu của mình.
Cả ba quốc gia trên đều chú trọng đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ NLTT, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về lĩnh vực NLTT tại một số công ty lớn của nhà nước, khuyến khích việc chuyển giao công nghệ thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ các nước công nghiệp phát triển nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ NLTT tạo tính cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy phát triển NLTT hiệu quả hơn. Đây cũng là kinh nghiệm có thể áp dụng phù hợp với Việt Nam, một quốc gia có trình độ công nghệ NLTT còn rất thấp.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhiều chính sách thu hút đầu tư tư nhân để giảm trợ cấp của Chính phủ cho NLTT thông qua việc minh bạch về qũy đất, thủ tục hành chính, loại bỏ độc quyền của các doanh nghiệp điện truyền thống, tạo điều kiện để người dân có nhiều lựa chọn phù hợp với mục đích và điều kiện của mình. Đây là hành động cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, cũng là tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận công bằng với việc phát triển NLTT. Kinh nghiệm
này nên được khuyến khích vận dụng ở Việt Nam để tăng tính cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dẫn đến giảm giá thành khi khi ngành điện vẫn độc quyền và ngân sách Chính phủ còn eo hẹp.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều thực hiện đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, tận dụng các nguồn tài trợ quốc tế. Trung Quốc tận dụng các nguồn tài trợ của châu Âu trong việc cải tiến công nghệ PV nhằm đảm bảo hoạt động ổn định cho các trạm PV phát điện trong các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Điều này tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ và lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất PV của quốc gia này. Giá PV "made in China" đã giảm tới 80% chỉ trong vòng 2 năm. Hơn nữa, với sự ủng hộ của các hộ gia đình tư nhân và các công ty trong nước đã lắp đặt hàng triệu tấm pin mặt trời, với lợi thế là quốc gia dân số đông nhất thế giới, nhu cầu đối với PV liên tục tăng, đây là bước đệm để các nhà sản xuất Trung Quốc tận dụng để phát triển, mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu. Đây được xem là kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam để gia tăng điều kiện phát triển NLTT vì sự PTKTBV trong điều kiện là một quốc gia đang phát triển với nguồn tài chính còn rất hạn hẹp.
Chính phủ ba quốc gia kể trên sớm nhận định được những mối nguy hại về môi trường sống và muốn thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, chống BĐKH bằng cách tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, tích cực hướng dẫn, truyền thông về những lợi ích của việc sử dụng NLTT để nâng cao nhận thức của người dân trong việc ủng hộ những mục tiêu phát triển NLTT để sẵn sàng chuyển sang một nền kinh tế ít carbon.