Đối với Ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên tại ngân hàng thương mại việt nam (Trang 70 - 73)

Xét ở góc độ của nhà quản lý chính sách tiền tệ hay ngân hàng nhà nước, tỷ lệ NIM giảm sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, đối với ngân hàng thương mại, NIM giảm là vấn đề ngân hàng cần phải

quan tâm và khắc phục vì NIM phản ánh hiệu quả và khả năng sinh lời của ngân hàng. Đứng trên góc độ của một nhân viên ngân hàng để đề xuất những giải pháp cho nhà quản trị ngân hàng thương mại nhằm nâng cao thu nhập lãi cận biên của ngân hàng và dựa trên kết quả thu được về các nhân tố tác động đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2017, luận văn đưa ra một số kiến nghị sau:

Gia tăng quy mô tín dụng cá nhân trong tổng dư nợ

Gia tăng dư nợ cho vay để tăng thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên việc gia tăng dư nợ cho vay cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các ràng buộc cho vay về mục đích, hạn mức, đối tượng, lãi suất… theo quy định nghiệp vụ của chính ngân hàng đó và của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể các Ngân hàng hiện nay hướng tới hai mục tiêu là bán lẻ tiêu dùng và bán lẻ trong bán buôn cùng những sản phẩm Ngân hàng hiện đại, khả năng tư vấn tài chính cá nhân theo chuẩn quốc tế. Định hướng các Ngân hàng chuyển hướng tập trung phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở lĩnh vực này, mặt bằng chung lãi suất thường cao hơn ở tín dụng bán buôn, nên lợi nhuận thu về cho Ngân hàng cũng tốt hơn.

Phát triển quy mô huy động vốn không kỳ hạn, đa dạng hình thức huy động vốn

Khai thác tối đa nguồn vốn không kỳ hạn với chi phí rẻ, thời gian sử dụng ổn định từ các định chế tài chính, tổ chức kinh tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước để khai thác các nguồn vốn nội, ngoại tệ trung dài hạn.

Phát triển mạnh hoạt động dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đảm bảo đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về thanh khoản với nhiều tiện ích, tiện lợi cao, tăng tốc độ thanh toán và thủ tục thuận tiện. Đây sẽ là cơ sở để phát triển hoạt động huy động vốn, tăng trưởng và mở rộng nguồn tiền gửi của dân cư.

Đa dạng hóa các nguồn thu nhập để cân bằng rủi ro tín dụng

Ngân hàng rất dễ tổn thương khi lợi nhuận chủ yếu chỉ đến từ hoạt động tín dụng, vì hoạt động tín dụng phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế. Khi nền kinh tế trì trệ, tín dụng sẽ thu hẹp, làm nguồn thu của ngân hàng sụt giảm đáng kể. Lợi nhuận từ tín dụng mang lại càng cao khi Ngân hàng chấp nhận rủi ro ở mức càng cao. Vì vậy, theo đà phát triển của nền kinh tế, các Ngân hàng gia tăng lợi nhuận ở những lĩnh vực tiềm năng như bất động sản nhưng nên cân nhắc ở mức rủi ro cho phép.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngân hàng thương mại cần điều chỉnh lại cơ cấu thu nhập, tìm kiếm lợi nhuận ở các mảng hoạt động khác. Đặc biệt là mảng dịch vụ vì ít chịu tác động của nền kinh tế và rủi ro tín dụng. Các ngân hàng ở các nước phát triển trên thế giới, phí dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng doanh thu ngân hàng.

Cân đối giữa chi phí hoạt động và thu nhập của Ngân hàng

Trong môi trường kinh doanh khó khăn, tất cả các doanh nghiệp nói chung và cả khối ngành ngân hàng nói riêng để phải tìm các biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động để tăng lợi nhuận, tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn đúng. Chi phí hoạt động bao gồm rất nhiều chi phí liên quan, như chi phí lương, chi phí chi cho công nghệ, chi cho dịch vụ thanh toán, chi hoạt động khác…Theo như kết quả của bài nghiên cứu, chi phí hoạt động tăng sẽ làm tăng tỷ lệ lãi cận biên (có tác động rất mạnh với hệ số lên đến 1,45). Điều này mang lại một số kiến nghị của tác giả liên quan đến vấn đề quản lý chi phí như sau:

+ Tăng chi tiêu để tiến hành tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng, tinh chỉnh lại bộ máy để hoạt động năng suất cao hơn, tăng chi cho hệ thống kiểm soát nội bộ, hoạt động giám sát… Tăng đầu tư chất lượng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Một số hệ thống dữ liệu có thể tham khảo như là kho dữ liệu tập trung, giúp hỗ trợ công tác dự báo, phân tích và ra quyết định kinh doanh, phần mềm quan hệ khách hàng CRM (Customer Relationship Management), dự án trang bị phần mềm cho hoạt động ngân quỹ…

+ Tăng đầu tư vào công nghệ ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư vào công nghệ vẫn còn ở mức thấp, trong thời đại mới, đứng trước những đổi thay thói quen trong tiêu dùng cũng như nhu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, như internet banking, mobile banking… của người dân, ngân hàng cần phải gia tăng chi cho hệ thống công nghệ, công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro. Một số công nghệ tiên tiến mà nhiều ngân hàng đang áp dụng phải kể đến như là công nghệ Corebanking – giải pháp ngân hàng hàng đầu đang được sử dụng rộng rãi bởi gần 400 khách hàng định chế tài chính thuộc khoảng 125 quốc gia trên thế giới; hệ thống Contact Center, các chương trình nhắc nợ tự động qua SMS và email. Ngoài ra còn có hệ thống mạng diện rộng và vận hành hệ nghiệp vụ ngân hàng lõi TCBS (The Complete Banking Solution: Giải pháp ngân hàng toàn diện).

+ Tăng đầu tư vào chất lượng và phát triển sản phẩm. Sản phẩm trên thị trường hiện nay của các ngân hàng có một sự tương đồng nhất định hay phải nói là không có quá nhiều sự khác biệt, dẫn đến khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi sử dụng sản phẩm của ngân hàng khác. Do đó, việc đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm, triển khai sản phẩm phức tạp hơn, chuyên biệt hơn sẽ thu hút được khách hàng, tạo được lòng tin và mức độ trung thành nhất định.

+ Tăng chi phí tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất vì vậy tăng chi phí lương cho cán bộ nhân sự chất lượng cao có tác dụng rất lớn trong việc giữ người tài; ngoài ra tổ chức những buổi huấn luyện hay các khóa học chuyên sâu cho nhân viên nhằm nâng cao kiến thức, trình độ cũng có tác động rất lớn đến hiệu suất của ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố tác động đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên tại ngân hàng thương mại việt nam (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)