Giới thiệu khái quát TTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 40 - 42)

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò của thị trường chứng khoán trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và hoàn thiện thị trường tài chính nói riêng, ngày 28/11/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Sau một thời gian chuẩn bị, nghị định số 48/1998/NĐCP ngày 11/7/1998 của chính phủ về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán được ban hành, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, và thêm một lần nữa khẳng định sự nhất quán trong đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế và đưa nền kinh tế hội nhập khu vực và thế giới.

Ngày 20/07/2000 đánh dấu một bước quan trọng đối với TTCK Việt Nam. Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh khai trương và được chính thức đưa vào hoạt động. Đến ngày 11/5/2007 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 599/QĐ về việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM thành Sở giao dịch chứng khoán TPHCM. Kể từ khi Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ra đời đã mở ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; ngoài ra còn là sự bổ sung hoàn chỉnh cho một cơ cấu thị trường tài chính theo hướng phát triển nền tài chính phù hợp với chính sách xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và khẳng định sự nhất quán trong đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế và đưa nền kinh tế hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngày 08/03/2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đến ngày 24/06/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Với chức năng là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và điều hành thị trường giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức hoạt động đấu giá cổ phần, tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ, huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và vận hành ba thị trường giao dịch thứ cấp gồm: thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt và thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM).

Sau 20 năm xây dựng hình thành và phát triển, ngành Chứng khoán đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách để đạt được những thành tựu to lớn góp phần vào phát triển kinh tế của nước nhà, thể hiện trên một số nội dung sau:

- Thứ nhất, đã tạo lập được một thể chế TTCK phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và hội nhập với kinh tế thế giới.

- Thứ hai, xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý, chính sách từ Luật, nghị định, thông tư, quy chế, quy trình phù hợp hơn với thực tiễn nền kinh tế đất nước. Ban đầu, văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định số 48/1998/NĐCP về chứng khoán và TTCK được ban hành ngày 11/07/1998, điều đó cho phép sớm có một khuôn khổ pháp lý ban đầu để khởi động thị trường. Sau đó, ngày 28/11/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, thay thế Nghị định số 48/1998/NĐCP với nhiều nội dung đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường. Luật chứng khoán số 70/2006/QH 11 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007; sau đó đến ngày 01/07/2011 Luật số 62/2010/QH12 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.

- Thứ ba, thị trường chứng khoán ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các doanh nghiệp huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

- Thứ tư, thị trường chứng khoán góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường giám sát xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

- Thứ năm, quy mô vốn hóa TTCK có sự tăng trưởng vượt bậc so với thời kỳ đầu mới thành lập, theo thống kê của Ủy ban chứng khoán nhà nước đến 31/12/2016 thì vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 2.880.268 tỷ đồng, tương đương 68.7% GDP. Thị trường ngày càng thu hút số lượng lớn sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước góp phần giúp TTCK Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà ĐTTNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 40 - 42)