Các nhân tố ảnh hưởng thu hút vốn ĐTNN trên TTCK

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 29 - 32)

Cũng như các hình thức khác của đầu tư nước ngoài, động thái dòng vốn FPI phụ thuộc rất lớn vào các nhân tố như bối cảnh quốc tế ( hòa bình khu vực, quan hệ ngoại giao, các hiệp định thương mại, môi trường pháp lý đầu tư quốc tế, tâm lý của

nhà đầu tư,…); tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của nước tiếp nhận đầu tư; khả năng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như mức độ tự do hóa và sức cạnh tranh của thị trường,… Tuy nhiên như đã nêu ở trên, thì dòng vốn FPI chịu ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ hơn từ các yếu tố sau:

1.2.3.1. Môi trường quốc tế

Môi trường quốc tế là đề cập đến các yếu tố về kinh tế, chính trị - xã hội toàn cầu có ổn định, có thuận lợi hay không thuận lợi cho nước đầu tư và nước nhận đầu tư cũng như cho chính chủ đầu tư khi tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tình hình cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn vào/ra. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn ĐTNN các nước sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi và ban hành các chính sách ưu đãi cho các nhà ĐTNN. Chính phủ nào xây dựng được môi trường đầu tư có sức hấp dẫn cao hơn thì nước đó sẽ có khả năng thu hút được nhiều vốn hơn. Cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải tiến và khuynh hướng tự do thương mại, dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới sẽ dễ dàng lưu chuyển hơn và nhờ vậy lượng vốn toàn cầu có thể tăng nhanh. (Nguyễn Thanh Huyền 2015).

1.2.3.2. Môi trường kinh tế và chính trị của nước nhận đầu tư

Môi trường kinh tế và chính trị tạo nên một khung khác biệt trong môi trường và điều kiện kinh doanh ở mỗi quốc gia. Môi trường kinh tế - chính trị bao gồm thể chế chính trị, sự ổn định của chính phủ, hệ thống các văn bản pháp quy, chính sách, các đạo luật, bộ luật và các quy định, hướng dẫn thi hành của từng quốc gia. Môi trường kinh tế - chính trị của các quốc gia phản ánh khả năng phát triển của quốc gia đó cả đối nội và đối ngoại. Đường lối, định hướng của Đảng cầm quyền ảnh hưởng quyết định đến xu hướng đối nội, đối ngoại và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Sự tác động của môi trường kinh tế - chính trị ảnh hưởng vĩ mô đến môi trường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Lịch sử phát triển thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột về chính trị giữa các quốc gia khác nhau như thời kỳ đối đầu của các quốc gia theo hệ thống xã hội chủ nghĩa và các quốc gia theo hệ thống tư bản chủ nghĩa. Thông thường đi liền với xung đột về chính trị là xung đột về ngoại giao và kinh tế. Hệ thống thể chế chính trị có thể tạo điều kiện hay gây nên rủi ro không lường trước được đối với nhà đầu tư. Môi trường chính trị lý tưởng là một chính phủ ổn định và thân thiện. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là tính liên tục của các qui định, nguyên tắc ứng xử cho dù bất kỳ đảng phái nào đang nắm quyền. Một thay đổi trong chính phủ, cho dù là do bầu cử hay đảo chính không phải lúc nào cũng có nghĩa là thay đổi mức độ rủi ro chính trị (Nguyễn Thanh Huyền 2015).

Tăng trưởng kinh tế làm thay đổi danh mục đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển là một yếu tố chuyển dòng vốn nước ngoài chảy vào các nước này. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một nước đang phát triển để tiềm kiếm lợi nhuận cao hơn và cũng làm gia tăng cơ hội phát triển của đất nước này. (Guluzar Kurt Gumus and Bener Gungor, 2013).

1.2.3.3. Hệ thống pháp luật và chính sách thu hút đầu tư của nước nhận đầu tư

Bên cạnh vấn đề về môi trường kinh tế và chính trị, việc xem xét thể chế chính sách cũng cần được quan tâm đúng mức, đây là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đáng kể đến tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Luật pháp điều chỉnh các hoạt động kinh tế trong nội bộ một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau là một phần không thể tách rời môi trường kinh doanh. Ưu đãi về chi phí giao dịch, về thuế đối với thu nhập đầu tư mới của các nhà ĐTNN hoặc trợ cấp đầu tư cho phép quyết định đầu tư mới (Nguyễn Thanh Huyền 2015).

1.2.3.4. Mức độ công khai minh bạch của thị trường nhận đầu tư

Nhà đầu tư cần thu thập một lượng lớn thông tin chính xác để xác định công cụ tài chính và đưa ra quyết định đầu tư. Những thông tin bất cân xứng về tính hiệu

quả của hoạt động kinh doanh, của giá cả và sự tự tin của thị trường sẽ ngăn cản họ ra quyết định (Guluzar Kurt Gumus and Bener Gungor 2013).

1.2.3.5. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thúc đẩy cùng với tốc độ nhanh của khối doanh nghiệp tư nhân. Sự phát triển của thị trường chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tốt và sự hội nhập kinh tế toàn diện thì một khu vực kinh tế tư nhân năng động kết hợp với nỗ lực tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước (Lê Văn Châu 2010).

1.2.3.6. Các nhân tố khác

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới xem xét rất kỹ tất cả các khả năng sẽ xảy ra khi quyết định đầu tư vào một thị trường hoàn toàn mới lạ. Chất lượng hàng hóa tốt, kèm theo các sản phẩm bảo vệ nhà đầu tư khi giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ góp phần tạo được niềm tin nơi NĐT nước ngoài. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống công nghệ thông tin tân tiến góp phần đẩy nhanh tốc độ giao dịch, giúp dòng vốn luân chuyển nhanh chóng sẽ thật sự tạo ấn tượng tốt đẹp đối với tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 29 - 32)