Tác động của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 26 - 29)

1.2.2.1. Tác động tích cực

Khác với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác dụng trực tiếp đến việc nâng cao năng lực sản xuất, thông qua đóng góp làm tăng đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư thì vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể mang lại những lợi ích như hiệu ứng lan tỏa về tri thức, kỹ năng quản lý và công nghệ phụ trợ theo hướng tích cực; Đẩy mạnh mức độ tăng trưởng bằng cách làm tăng khả năng thanh toán và hiệu suất thị trường vốn nội địa cho phép các nguồn lực được sử dụng theo cách hiệu quả nhất; Cải thiện chức năng phân bố nguồn lực của nền kinh tế tổng thể và thúc đẩy cải cách, thay đổi thể chế quản lý phù hợp và hiệu quả. (Nguyễn Thanh Huyền 2015).

Lợi ích do vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mang lại được nhìn nhận trên các góc độ sau:

Đối với thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn, thu hút vốn và cung ứng cho nền kinh tế từ các nhà đầu tư, trong đó một phần đáng kể đó là đến từ các nhà ĐTNN. FPI làm cho thị trường vốn nội địa có tính thanh khoản cao hơn và kéo theo việc đa dạng hóa rủi ro, giúp cho nền kinh tế giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài phát triển góp phần tích cực làm cho thị trường chứng khoán trở nên đồng bộ và cân đối, sự xuất hiện của các nhà đầu tư

ngoại với kinh nghiệm và kỹ năng quản lý cao sẽ là cú hích để thị trường trở nên năng động hơn, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Đi cùng với sự gia tăng dòng vốn là các định chế trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán cũng như các tổ chức phụ trợ khác phát triển mạnh mẽ sẽ giúp cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp có chất lượng tốt và độ an toàn cao, trở thành cầu nối hiệu quả giữa người mua và người bán, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư vào thị trường nội địa.

Vốn đầu tư gián tiếp thúc đẩy các cơ quan chức năng phải nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý theo nguyên tắc kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế song song với mục tiêu duy trì ổn định và phát triển bền vững thị trường chứng khoán nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.

Đối với nền kinh tế, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần thông qua các quỹ đầu tư tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường khả năng về vốn hoạt động mà không cần phải vay vốn từ hệ thống ngân hàng (không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được với điều kiện vay vốn từ phía ngân hàng). Thu hút được càng nhiều vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ càng tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước vốn cần rất nhiều vốn để tiến hành công nghiệp hóa đất nước mà nguồn vốn huy động trong nước thì có hạn.

Đối với các nước đang phát triển, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra nhanh chóng thì việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ làm giảm áp lực đấu giá hoàn toàn mang tính cạnh tranh giữa các bên liên quan, cả trong nước lẫn ngoài nước. Sự có mặt của các nhà ĐTNN sẽ kèm theo những lợi thế về công nghệ, tri thức, kỹ năng quản lý, hệ thống pháp luật theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế,…việc hợp doanh với đối tác nước ngoài giúp doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp cận với các sản phẩm mới, tiên tiến trên thế giới có giá cả mang tính cạnh tranh, tiếp cận thị trường thế giới, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Yêu cầu cao về tính minh bạch của tình hình tài chính, thông tin công bố từ phía đối tác nước ngoài, triển vọng phát triển trong tương lai của nền kinh tế, năng lực quản trị công ty,…yếu tố ĐTNN sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước muốn tận dụng được nguồn ngoại lực này phải luôn tự hoàn thiện mình để ngày càng phù hợp với các yêu cầu của đối tác cũng như theo chuẩn mực chung của quốc tế để từ đó từng bước tiếp cận nhiều hơn nữa các nguồn vốn quốc tế.

Đối với nhà đầu tư trong nước, tạo sự ổn định và hỗ trợ tâm lý tốt cho nhà đầu tư trong nước, nâng cao khả năng đầu tư của công chúng đầu tư trong nước, tăng tính chuyên nghiệp thông qua đầu tư dài hạn và có bản lĩnh hơn.

Với sự góp mặt của các nhà ĐTNN, doanh nghiệp luôn nỗ lực gia tăng tính minh bạch trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các chuẩn mực kế toán, quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế giúp cho việc kinh doanh được an toàn và hiệu quả, dẫn đến sự phân phối lợi nhuận cho cổ đông hợp lý, đảm bảo lợi ích của cổ đông nhỏ, cổ đông trong nước.

1.2.2.2. Tác động tiêu cực

Bên cạnh các tác động tích cực mang lại cho thị trường trong nước, việc gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể gây ra những tác động tiêu cực sau:

- Thứ nhất: làm gia tăng nguy cơ bị mua lại, sáp nhập, khống chế và lũng đoạn tài chính đối với các doanh nghiệp và tổ chức phát hành chứng khoán. Sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ chứng khoán, nhất là các cổ phiếu, cổ phần sáng lập, được biểu quyết của các nhà đầu tư nước ngoài đến một mức “vượt ngưỡng” nhất định nào đó sẽ cho phép họ tham dự trực tiếp vào chi phối và quyết định các hoạt động sản xuất – kinh doanh và các chủ quyền khác của doanh nghiệp, tổ chức phát hành chứng khoán, thậm chí lũng đoạn doanh nghiệp theo phương hướng, kế hoạch, mục tiêu của riêng mình, kể cả các hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và có thể

chuyển đổi về quyền sở hữu và tính chất kinh tế ban đầu của doanh nghiệp và quốc gia

- Thứ hai: làm tăng quy mô, tính chất và sự cấp thiết đấu tranh với tình trạng tội phạm kinh tế quốc tế. Làm gia tăng các nguy cơ và tác hại của các hoạt động đầu cơ, lũng đoạn kinh tế vi phạm các quy định pháp lý của nước tiếp nhận đầu tư, mà còn là mảnh đất màu mỡ sinh sôi và phát triển các loại tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài, thậm chí xuyên quốc gia, như hoạt động lừa đảo, hoạt động rửa tiền, hoạt động tiếp vốn cho các kinh doanh phi pháp và hoạt động khủng bố, các loại tội phạm và các đe doạn an ninh phi truyền thống khác

- Thứ ba: Tăng mức độ nhạy cảm và khả năng bất ổn về kinh tế liên quan đến các nhân tố nước ngoài. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính thuần túy với các chứng khoán có thể chuyển đổi và mang tính thanh khoản cao trên thị trường tài chính, nên các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài dễ dàng và nhanh chóng mở rộng hoặc thu hẹp, thậm chí đột ngột rút vốn đầu tư của mình về nước hay chuyển sang đầu tư dưới dạng khác tùy theo kế hoạch và mục tiêu kinh doanh của họ. Đó chính là nguyên nhân gây nên nguy cơ tạo và khuếch đại độ nhạy cảm và chấn động kinh tế ngoại nhập của dòng vốn này đối với nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là khi việc chuyển đổi và rút vốn đầu tư gián tiếp diễn ra theo kiểu “tháo chạy” đồng loạt trên phạm vi rộng và số lượng lớn. Nó sẽ tạo ra một sự đổ vỡ, khủng hoảng đầu tư – tài chính – tiền tệ, lạm phát cao, thậm chí là khủng hoảng kinh tế nếu không có và triển khai tốt các phương án phòng ngừa hiệu quả (Nguyễn Minh Phong, 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 26 - 29)