Trong nghiên cứu này, chúng tôi gặp 199 bệnh nhân có ổ dị dạng nằm trên lều tiểu não, chiếm 90,05%. Số trường hợp có ổ dị dạng nằm ở tầng dưới lều chỉ chiếm 9,95% (bảng 3.4).
Trong nghiên cứu của Dư Đức Chiến đa số bệnh nhân có ổ dị dạng ở tầng trên lều (91,43%) [3]. Theo Nguyễn Thanh Bình có tới 95,5% các trường hợp ở vị trí trên lều [1]. Theo Phan Văn Đức tỷ lệ này là 93,62% [11]. Hoàng Đức Kiệt cho rằng tỷ lệ gặp ở trên lều là 94,7% [17].
Theo một số tác giả nước ngoài như J.J. Connors III và J.C. Wojak [40] hoặc F. Le Bras [95] thì có tới 90% các DDĐTMN nằm ở tầng trên lều tiểu não, còn theo J. Vignaud và G. Cosnard [97] tỷ lệ này thường là từ 85 đến 90%.
Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với các tác giả trong nước và trên thế giới.
Hình 4.1: Hình ảnh DDĐTMN vị trí thân não. Bệnh án mã số I60/156. 4.2.4. Vị trí vùng chức năng của ổ dị dạng
Vùng não có chức năng quan trọng là những vùng mà khi tổn thương sẽ để lại các di chứng thần kinh [80]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 71,49% ổ DDĐTMN nằm ở vùng có nhiều chức năng của não (biểu đồ 3.4). Trong nghiên cứu của DưĐức Chiến, có 82,86% DDĐTMN nằm ở vùng nhiều chức năng [3]. Theo Phùng Kim Đạo, vị trí khối dị dạng ở vùng chức năng quan trọng chiếm 68% các trường hợp [8]. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả trên.
Có nhiều thách thức đối với việc điều trị phẫu thuật các DDĐTMN ở các vùng giàu chức năng do gặp phải khó khăn trong đường vào và có thể gây ảnh hưởng đến các vùng chức năng quan trọng khác. Martin [100] ưu tiên phẫu thuật cho ổ DDĐTMN ở vùng không có chức năng quan trọng hay vùng câm. Thùy thái dương và thùy trán thuộc bán cầu không ưu thế là hai vùng có chỉ định phẫu thuật tốt nhất. Tuy nhiên can thiệp nội mạch không gặp phải vấn đề này và như vậy càng chứng tỏ vai trò hữu ích của can thiệp nội mạch trong những trường hợp đó.
4.2.5. Đường kính lớn nhất của ổ dị dạng
Kích thước ổ dị dạng cũng là một yếu tố quan trọng trong chỉđịnh điều trị của tất cả các phương pháp, tuy nhiên hầu hết các tác giả đều thống nhất mục đích điều trị là nhằm lấy bỏ hoặc gây tắc hoàn toàn ổ DDĐTMN nhưng cũng cần phải xem xét đến kích thước của dị dạng và tuổi của bệnh nhân [trích theo 3].
Theo Luessennhop thì chỉđịnh mổ cho những DDĐTMN có kích thước nhỏ dưới 4cm, còn Auger thì chỉ định mổ cho những DDĐTMN có kích thước và vị trí “thuận lợi” [trích theo 3].
Ở Việt Nam, theo Nguyễn Thường Xuân và cộng sự thì chỉđịnh mổ chỉ đặt ra khi kích thước khối dị dạng không quá 4cm [23]. Chỉđịnh điều trị bằng xạ trị định vị cũng chỉ áp dụng cho những DDĐTMN khó mổ, tuổi bệnh nhân còn trẻ, DDĐTMN đã được điều trị nội mạch thất bại, bệnh nhân từ chối mổ, và kích thước DDĐTMN dưới 3cm.
Theo [3] có tới 91,42% bệnh nhân có kích thước ổ dị dạng nhỏ và vừa (<6cm) [3]. Số liệu này trong nghiên cứu của Phùng Kim Đạo là 80% [8] và của Phan Văn Đức là 82,98% [11]. Marco [55] nghiên cứu 390 bệnh nhân thấy DDĐTMN kích thước nhỏ (<3cm) có 233 trường hợp, chiếm tỷ lệ 59,74%, còn lại là DDĐTMN có kích thước trung bình và lớn, chiếm 40,26%.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, số DDĐTMN có kích thước nhỏ và vừa chiếm 93,66% (bảng 3.5). Như vậy các nghiên cứu đều có đặc điểm chung là các ổ dị dạng kích thước nhỏ chiếm đa số.
Kích thước ổ dị dạng theo nhiều nghiên cứu có liên quan đến hiện tượng chảy máu não. Theo Kader và cộng sự [49] biểu hiện chảy máu ở nhóm DDĐTMN có kích thước nhỏ là 90%, trong khi đó ở nhóm có kích thước trung bình là 52% và ở nhóm có kích thước lớn là 50%. Trong nghiên cứu của
Phan Văn Đức, nhóm kích thước nhỏ có tỷ lệ chảy máu là 92%, đối với nhóm có kích thước trung bình và lớn tỷ lệ chảy máu là 81,82% [11].
Một biểu hiện lâm sàng hay gặp sau chảy máu não là động kinh và nó cũng liên quan đến vị trí và kích thước ổ dị dạng. Trussart và cộng sự [86] nghiên cứu 35 trường hợp DDĐTMN với hình ảnh CHT thấy rằng các DDĐTMN gây động kinh thường ở vị trí bề mặt của não, có chảy máu trước đó và có kích thước lớn hơn các ổ DDĐTMN không có biểu hiện động kinh. Crawford [41] cũng khẳng định rằng động kinh liên quan có ý nghĩa thống kê với các ổ DDĐTMN có kích thước lớn (>6 cm).
Hình 4.2. Hình ảnh DDĐTMN kích thước lớn, vị trí đỉnh trái. Bệnh án mã số G40/114.
4.2.6. Phân bố động mạch nuôi ổ dị dạng
Trong nghiên cứu của chúng tôi, động mạch não giữa tham gia cấp máu cho ổ dị dạng trong 27,15% trường hợp, động mạch não trước tham gia cấp máu cho ổ dị dạng trong 14,03% các trường hợp, động mạch não sau cấp máu cho ổ dị dạng trong 10,86% các trường hợp. Ngoài ra, các động mạch này còn phối hợp cấp máu cho 38% các trường hợp. Hệ động mạch đốt sống-thân nền cấp máu cho 22 trường hợp, chiếm 9,95% (bảng 3.6).
Theo Nguyễn Thanh Bình, động mạch não giữa chiếm tỷ lệ cao nhất 56,52%, sau đó là động mạch não trước 26,09%, các động mạch khác chiếm tỷ lệ ít hơn. Kết quả này phù hợp với nhận định của Lindsay [53] và Michiel [101] cho rằng khu vực động mạch não giữa là khu vực hay gặp nhất.
Trong nghiên cứu của Dư Đức Chiến, tỷ lệ cấp máu của các động mạch não giữa, trước và sau tương ứng là 34,48%, 39,66% và 25,86% [3], còn trong nghiên cứu của Lê Hồng Nhân tỷ lệ này tương ứng là 58,3%, 41,7% và 11% [22]. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp khi thấy rằng ổ dị dạng thường được nuôi bởi các động mạch não trước và não giữa của hệ cảnh trong. Điều này là hệ quả vì vị trí hay gặp của các ổ dị dạng chủ yếu ở tầng trên lều.
4.2.7. Vị trí nông/ sâu của động mạch nuôi
Trong nghiên cứu của chúng tôi, ổ dị dạng được cấp mấu bởi các nhánh nông chiếm ưu thế (65,61%), trong khí đó các nhánh sâu trên lều chỉ chiếm 14,48% (bảng 3.7). Điều này theo chúng tôi là hệ quả tất yếu do phần lớn các ổ dị dạng trong nghiên cứu này nằm ở vị trí nông (75,57%) (bảng 3.6).