Kiến nghị chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khu vực ASEAN+3 (Trang 57 - 59)

Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn vốn FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Do đó, các quốc gia cần có chính sách thu hút FDI. Trong đó, việc cải thiện môi trường đầu tư là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư nhằm mục đích chính là lợi nhuận. Vì vậy, ở đâu có điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, chi phí đầu tư và kinh doanh thấp hơn cho đầu tư hiệu quả (lợi nhuận) sẽ thu hút FDI nhiều hơn. Về phía nước sở tại, khía cạnh tạo việc làm, tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ và tạo sự ổn định cho kinh doanh lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mục tiêu của cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ hai, chất lượng thể chế có tác động tích cực đến mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Do đó các quốc gia cần có chính sách cải thiện môi trường thể chế. Cụ thể như:

 Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trước hết cần nhanh chóng xóa bỏ sự phân biệt đối xử và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro (xuất hiện do thay đổi chính sách, do bất ổn vĩ mô, do không đảm bảo quyền sở hữu, do tính thực thi hợp đồng kém v.v.). Đồng thời giảm thiểu các rào cản đối với cạnh tranh bằng cách đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút khỏi thị trường với chi phí giao dịch và chi phí cơ hội thấp nhất.

 Hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, trước hết là thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đến từ các nước có nền kinh tế thị trường và các thị trường nhân tố vận hành khá hiệu quả. Tức là, khả năng tiếp cận các nhân tố sản xuất là dễ dàng và có thể sử dụng linh hoạt xét về phạm vi giá cả, không gian và thời gian. Sự kém phát triển của các thị trường này ở các quốc gia đang là một yếu điểm lớn và là một nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất lên cao và giảm cơ hội tận dụng thời cơ kinh doanh.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ở cấp địa phương gắn với quá trình phân cấp quản lý Nhà nước nói chung và quản lý đầu tư nói riêng. Phân cấp cần đi đối với trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân trên cơ sở lấy lợi ích chung của xã hội làm căn cứ để đánh giá. Điều đó có nghĩa là, phân cấp không chỉ là việc trao quyền chủ động ra quyết định theo đúng với thẩm quyền nhà nước quy định, mà cần đánh giá tác động đích thực của việc ra quyết định đầu tư sau khi dự án đi vào hoạt động. Chẳng hạn, đối với tạo việc làm, đóng góp vào tăng giá trị sản lượng và giá trị gia tăng cho địa phương... Ở cấp địa phương cần có chính sách nhanh chóng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế có thể thay đổi tùy theo đối tượng quốc gia. Cụ thể, với các quốc gia phát triển, tác động của FDI không có đóng góp nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Đối với các quốc gia đang phát triển, FDI vẫn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các quốc gia đang phát triển cần có những chính sách để tận dụng nguồn vốn FDI từ các quốc gia phát triển. Thông thường, nguồn vốn FDI đến từ các quốc gia phát triển thường được thực hiện thông qua các công ty đa quốc gia (Tiwari, 2011). Do đó, các quốc gia đang phát triển cần có chính sách thu hút các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty có tiềm lực về công nghệ, thông qua việc tạo môi trường đầu tư chung đủ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên không nên áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư tràn lan, mà chỉ nên tập trung vào một vài lĩnh vực thỏa mãn các điều kiện được hưởng các ưu đãi này. Các quốc gia cần đảm bảo việc thực hiện các chính sách ưu đãi, nhằm

giảm thiểu chi phí giao dịch liên quan. Có nhiều biện pháp có thể áp dụng như ưu đãi về thuế, về cơ sở hạ tầng (đất đai và các dịch vụ cung cấp cơ sở hạ tầng), chính sách ưu đãi liên quan đến lao động (thuế thu nhập cá nhân).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khu vực ASEAN+3 (Trang 57 - 59)