Lý thuyết này cho rằng doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh sẽ làm phát sinh thêm các khoản chi phí không cần thiết, chi phí bình quân trên một đơn vị sản phẩm hoặc chi phí bình quân tính trên một khách hàng tăng (Stigler, 1974). Nếu như bất lợi kinh tế do quy mô không tồn tại thì sẽ không tồn tại các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa nữa vì khi đó mọi ngân hàng đều mở rộng quy mô hoạt động để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Điều này trái ngược với thực tế rằng quy mô của các ngân hàng là khác nhau (Arthur & Sheffrin, 2003; Canback, Samouel & Price, 2006). Do vậy, các ngân hàng chỉ hoạt động hiệu quả trong giới hạn và các điều kiện cho phép hay nói một cách khác là luôn tồn tại quy mô hoạt động tối ưu cho từng ngân hàng và lợi ích kinh tế nhờ quy mô không thể áp dụng cho tất cả các ngân hàng (Riordan & Williamson, 1985).
Bên cạnh đó, quy mô của NHTM tăng lên chưa phải là căn cứ để khẳng định hiệu quả kinh tế của NHTM đó cũng gia tăng. Sự gia tăng hoặc giảm sút của hiệu quả kinh tế chưa chắc chắn và phụ thuộc vào quy mô của các NHTM. Theo Berger & Humphrey (1994), việc tăng quy mô của các NHTM thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh. Theo nghiên cứu của Mertens và Urga (2001), đường chi phí trung bình ngành ngân hàng là đường cong có hình dạng chữ U. Lợi thế nhờ quy mô chỉ được thể hiện một cách rõ ràng đối với các NHTM có quy mô trung bình. Khi vượt quá một ngưỡng nào đó về quy mô thì bất lợi kinh tế về quy mô sẽ xuất hiện và làm giảm khả năng sinh lời của các NHTM.