Tổng quan các nghiên cứu trước đây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 31)

Các tiền nghiên cứu trước đây về quản trị doanh nghiệp, tính thanh khoản cổ phiếu, tác động của quản trị doanh nghiệp lên tính thanh khoản khác nhau giữa các quốc gia và kiểm định vai trò của quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản được hệ thống theo thời gian như sau. Đầu tiên, bài viết “Liquidity versus control: The instituitional investor as corporate monitor” của Coffee (1991) cho rằng những nhà đầu tư lớn tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp bởi vì những phương pháp này cũng làm tăng tính thanh khoản của chứng khoán, mà làm giảm chi phí đầu ra của họ.

Opler và cộng sự (1999) đã thực nghiệm các yếu tố tác động đến thanh khoản của 1048 công ty Mỹ từ 1971 đến 1994. Kết quả cho thấy thanh khoản có mối tương quan ngược chiều đến quy mô, vốn lưu động, đòn bẩy, chi trả cổ tức. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ dòng tiền/tài sản, tỷ lệ chi tiêu vốn/tổng tài sản, rủi ro ngành, và tỷ lệ chi phí nghiên cứu phát triển/doanh thu có tương quan cùng chiều với thanh khoản. Các tác giả kết luận rằng các công ty lớn có tiếp cận thị trường vốn tốt hơn sẽ nắm giữ ít tiền mặt hơn, sẽ khiến chỉ số thanh khoản kém hơn.

Maug (2002) tranh luận rằng tính thanh khoản thị trường chứng khoán cao gây cản trở việc giám sát nội bộ của các cổ đông lớn với bài nghiên cứu “Insider trading legislation and corporate governance” đã nghiên cứu tác động của luật giao dịch nội gián đến quản trị doanh nghiệp. Nếu không thể kiểm soát giao dịch nội gián, cổ đông lớn kiểm soát có thể thông đồng với quản lý, thiệt hại lên cổ đông nhỏ. Tối ưu nhất là tiết lộ toàn bộ thông tin ra thị trường. Lập luận này dựa trên tính thanh khoản của thị trường, khi mà các cổ đông lớn quan tâm nhiều hơn đến lợi ích từ các giao dịch hơn là các khoản lợi ích tiềm năng từ khoản đầu tư vốn của mình.

Nghiên cứu “Liquidity provision and specialist trading in NYSE-listed non-US asymmetry and stock liquidity” của Bacidore và Sofianos (2002) đã xem xét sự khác

biệt về tính thanh khoản giữa các cổ phiếu của các công ty có trụ sở tại Mỹ (cổ phiếu US) và cổ phiếu của các công ty không có trụ sở tại Mỹ (cổ phiếu non-US). Sau khi nghiên cứu những lý do đằng sau sự khác biệt trong tính thanh khoản và họ nhận thấy chênh lệch bid-ask lớn của các cổ phiếu non-US chủ yếu là do sự bất đối xứng thông tin cao hơn và tăng nguy cơ lựa chọn bất lợi. Brockman và Chung (2003) nghiên cứu nội dung tương tự giữa những doanh nghiệp niêm yết tại Hong Kong và đại lục Trung Quốc trong bài viết “Investor protection and firm liquidity

Tiếp đến là nghiên cứu của Chung (2006) với bài viết “Investor protection and the liquidity of cross-listed securities: Evidence from ADR market”. Sử dụng dữ liệu chứng chỉ tín thác Mỹ (ADR) trên nhiều nước, bài viết nghiên cứu các mối quan hệ giữa sự bảo vệ nhà đầu tư và thanh khoản doanh nghiệp. Vì bảo vệ nhà đầu tư yếu kém dẫn đến các nhà quản lý chiếm đoạt nhiều hơn, và như vậy các chi phí thông tin bất đối xứng lớn hơn, các nhà cung cấp thanh khoản sẽ phải chịu chi phí tương đối cao và do đó sẽ đưa ra một khoản chênh lệch bid-ask cao hơn. Các kết quả thực nghiệm cho thấy cái giá thanh khoản do sự bảo vệ nhà đầu tư yếu kém là trọng yếu hơn trong khoảng thời gian của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khi vấn đề chi phí đại diện đặc biệt nghiêm trọng.

Isshaq và Bokpin (2009) thu thập dữ liệu hàng năm giai đoạn 1991–2007 tại Ghana để đánh giá mối quan hệ giữa thanh khoản, quy mô, vốn lưu động, tỷ lệ đầu tư và lợi nhuận trên tài sản. Kết quả của nghiên cứu cho thấy quy mô, lợi nhuận trên tài sản và vốn lưu động và tỷ lệ đầu tư có mối quan hệ cùng chiều với khả năng thanh khoản của công ty. Chen và Mahajan (2010) nghiên cứu các công ty từ 45 quốc gia giai đoạn 1994 – 2005. Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá khả năng thanh khoản của công ty thông qua biến quy mô, dòng tiền/tài sản, vốn lưu động/tài sản, chi phí vốn/tài sản, tỷ lệ nợ, chi trả cổ tức. Nghiên cứu cho thấy dòng tiền có tác động cùng chiều trong khi vốn lưu động/ tài sản và tỷ lệ nợ có tác động ngược chiều với khả năng thanh khoản.

Bên cạnh đó, Chung và cộng sự (2010) cho rằng các doanh nghiệp với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tốt, có tính thanh khoản cao hơn. Với bài viết“Corporate governance and liquidity”, tác giả nghiên cứu các mối quan hệ thực nghiệm giữa quản trị doanh nghiệp và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, và thấy rằng các doanh nghiệp có quản trị doanh nghiệp tốt hơn có chênh lệch hẹp hơn, chỉ số chất lượng thị trường cao hơn, tác động giá của giao dịch nhỏ hơn, và xác suất thấp hơn các giao dịch dựa trên thông tin.

Bài nghiên cứu “The effect of corporate governance on stock liquidity: The case of Thailand” của tác giả Panu Prommin và cộng sự (2014) nghiên cứu về tác động của quản trị doanh nghiệp lên tính thanh khoản được thực hiện ngoài nước Mỹ, cụ thể là ở một thị trường mới nổi trong khu vực Đông Nam Á nên có khá nhiều nét tương đồng với Việt Nam, nghiên cứu dựa vào lý thuyết đại diện chỉ ra việc quản lý hiệu quả làm tăng tính minh bạch tài chính và hoạt động, do đó giảm thiểu việc lựa chọn đối nghịch. Đối mặt với vấn đề lựa chọn đối nghịch ít đi, người giao dịch cung cấp thêm tính thanh khoản cho cổ phiếu của những doanh nghiệp được quản lý tốt. Dựa trên mẫu các doanh nghiệp lớn tại Thái Lan từ 2006 đến 2009, kết quả của tác giả cho thấy một mối quan hệ có ý nghĩa giữa việc kiểm soát và tính thanh khoản của doanh nghiệp qua thời gian. Đặc biệt trong các doanh nghiệp gia tăng chất lượng kiểm soát, tính thanh khoản được cải thiện đáng kể.

Lê Minh Toàn và Gordon Walker (2008) đã chỉ ra, công việc quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết chỉ mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Nghiên cứu đi vào xem xét một số trường hợp quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp cụ thể là FPT (CTCP FPT), BBC (CTCP Bibica), VIP (CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO). Từ đó chỉ ra những bất cập trong trong việc quản trị doanh nghiệp và cuối cùng là đưa ra những biện pháp nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển tốt hơn của thị trường chứng khoán. Nghiên cứu của Trần Thị Thanh Tú và Phạm Bảo Khanh (2013) đã chỉ ra vai trò của hội đồng quản trị tại các ngân hàng Việt Nam chủ yếu được tuân thủ ở mức độ một phần theo các

nguyên tắc OECD và Basel về quản trị doanh nghiệp, các nhà quản lý và giám đốc ngân hàng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển một khuôn khổ quản trị doanh nghiệp thích hợp.

Trước đây, có rất nhiều bài nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra xem liệu quản trị doanh nghiệp có tác động đến các thành quả của công ty như lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu, giá trị doanh nghiệp, chi phí vốn,… hay không, tuy nhiên mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và tính thanh khoản của cổ phiếu thì nhận được ít sự quan tâm hơn. Bài nghiên cứu này là một trong số ít các nghiên cứu về tác động của quản trị doanh nghiệp lên tính thanh khoản tại thị trường Việt Nam. Những nghiên cứu trước đây về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam thường đo lường chất lượng quản trị bằng cách sử dụng các bảng khảo sát, bài nghiên cứu này sử dụng các tiêu chuẩn quản trị theo nghiên cứu của Panu Prommin (2014) để đánh giá chất lượng quản trị của doanh nghiệp tại HOSE. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu đo lường tính thanh khoản của cổ phiếu bằng ba biến độc lập khác nhau, để tìm sự tác động cùa quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản, tránh sự trùng lặp với các nghiên cứu trước đây tại thị trường Việt Nam.

Kết luận chương 2: Các tiền nghiên cứu về mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và thanh khoản của cổ phiếu ở các thị trường các nước trên thế giới kết luận rằng quản trị doanh nghiệp tốt sẽ làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu. Trong chương 3 sẽ trình bày về phương pháp nghiên cứu, xây dựng mô hình nghiên cứu, kiểm định để phân tích tác động của quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản cổ phiếu trên HOSE.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Giới thiệu chương 3: Chương 2 đã trình bày cơ sở lý thuyết, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả trước. Để thực hiện việc phân tích và kiểm định tác động của quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản cổ phiếu, trong chương 3 tiếp theo sẽ trình bày quy trình nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu, mô tả cách chọn mẫu và thu thập dữ liệu, phương pháp phân tích dữ liệu và các phương pháp xử lí dữ liệu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của quản trị doanh nghiệp đến tính thanh khoản cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)