4. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Tổng quan tình hình nghiên chứng chỉ rừng FSC tại Việt Nam và địa bàn nghiên
nghiên cứu
Tại Việt Nam, công tác tuyên truyền và nghiên cứu về quản lý rừng bền vững bắt đầu được tiến hành từ đầu năm 1998 chủ yếu do Tổ công tác quốc gia về Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (NWG - tiền thân của Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng hiện nay), thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức như: Quỹ rừng nhiệt đới (TFT), Dự án cải cách hành chính (REFAS) của GTZ, WWF Đông dương… Hình thức nghiên cứu và phổ cập về quản lý rừng bền vững rất phong phú, gồm: hội nghị, hội thảo quốc gia, vùng, tỉnh; giảng dạy, tập huấn và phổ cập kiến thức... Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu và phổ cập này thường tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn tại các khu rừng tự nhiên được quy hoạch trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, các hoạt động nghiên cứu về QLRBV đối với rừng trồng sản xuất mới chỉ được quan tâm trong khoảng 20 năm trở lại đây và công tác thí điểm QLRBV thông qua chứng chỉ rừng mới chỉ bắt đầu từ năm 2005 (Bộ NNPTNT, 2006-b).
Theo Nguyễn Ngọc Lung, chứng chỉ rừng là hệ quả cuối cùng của Quản lý rừng bền vững, vì nếu quản lý rừng chưa đạt được các tiêu chuẩn bền vững thì không có Chứng chỉ rừng. Trong điều kiện ở Việt Nam khi diện tích đất chưa ổn định, độ che phủ chưa đủ, chất lượng và năng suất rừng còn thấp so với tiềm năng, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chưa đủ tầm nhìn nên luôn phải điều chỉnh. Vì vậy trong chương trình quản lý rừng bền vững cần thiết kế thêm một giai đoạn là “xây dựng các điều kiện cần và đủ” để tiến hành quản lý bền vững hai đối tượng rừng tự nhiên và rừng trồng. Phải song song vừa xây dựng điều kiện, vừa tiến hành quản lý rừng bền vững theo các tiêu chí tiên tiến quốc tế lại phù hợp với pháp luật và truyền thống quốc gia (Nguyễn Ngọc Lung, 2009).
Theo Lê Khắc Côi, chứng chỉ rừng là thách thức và cơ hội cho ngành Lâm nghiệp Việt Nam khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nội thất quan trọng trên thị trường thế giới và ngành chế biến gỗ Việt Nam trở thành một nhà nhập
khẩu lớn gỗ được chứng nhận từ bền ngoài. Tiếp theo do trữ lượng và diện tích rừng của các đơn vị quản lý rừng không cao, chi phí chứng nhận cho từng đơn vị m3 gỗ hay ha rừng thường ở mức cao vượt quá khả năng của các đơn vị quản lý rừng. Tất cả những lý do trên khiến cho quá trình chứng nhận của các đơn vị quản lý rừng khó khả thi về mặt kinh tế (Lê Khắc Côi, 2009).
Tác giả Hà Sỹ Đồng (2016) trong luận án tiến sĩ nghiên cứu về đánh giá quản lý rừng bền vững và giám sát thực hiện sau khi được cấp chứng chỉ rừng FSC tại Công ty lâm nghiệp Bến Hải tỉnh Quảng Trị, khi đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội trên cơ sở đối chiếu với các nguyên tắc QLRBV của FSC cũng phát hiện 14 lỗi tác động bất lợi đối với môi trường và 12 tác động bất lợi đối với xã hội trong quản lý rừng của Công ty; Từ các kết quả phát hiện, tác giả đã đề xuất 9 giải pháp để giảm thiểu các tác động bất lợi về môi trường và 15 giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi về xã hội để Công ty khắc phục và thực hiện được chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. (Hà Sỹ Đồng, 2016).
Ngoài ra, tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về các hoạt động quản lý rừng bền vững áp dụng cho các vùng khác nhau và trên những đối tượng quản lý khác nhau, và cũng đạt được những kết quả đáng quan tâm. Ví dụ hình thức quản lý rừng cộng đồng của một số cộng đồng dân tộc ít người tại huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên; huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình... của Nguyễn Bá Ngãi, báo cáo tại Hội thảo quốc gia về Quản lý rừng bền vững, diễn ra tháng 3/2009 tại trường Đại học Lâm nghiệp, tác giả đã đưa ra được một số kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng tại tỉnh Bắc Kạn (Nguyễn Bá Ngãi, 2009).
Trên thực tiễn hiện đã có một công ty điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp của mình phù hợp với yêu cầu của các tiêu chí trong quản lý rừng bền vững và đã được cấp chứng chỉ rừng đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn trồng rừng Quy Nhơn, bên cạnh đó Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện các hoạt động quản lý rừng theo tiêu chuẩn của FSC để tiến tới được cấp chứng chỉ rừng.
Năm 2008, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cũng thực hiện đánh giá rừng độc lập về quản lý rừng trồng của mô hình chứng chỉ rừng “theo nhóm”
của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ở đây, các hộ trồng rừng cùng góp chung diện tích rừng trồng hợp thành Chi hội trồng rừng Yên Bái và xin cấp chứng chỉ rừng. Qua đánh giá, kết quả cho thấy: các hộ trồng rừng thuộc Chi hội đã đáp ứng được các tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam ở các mức độ khác nhau. Các khiếm khuyết trong quản lý rừng có thể khắc phục được, tuy nhiên một số tiêu chí và chỉ số trong quản lý chưa phù hợp, nên việc sử dụng nó để đánh giá còn có chênh lệch (Viện QLRBV&CCR, 2008).
Trong những năm 2008 - 2016, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã hỗ trợ Tổng Công ty Giấy Việt Nam đánh giá QLRBV cho 11 công ty lâm nghiệp để tiến tới được FSC chứng chỉ rừng theo nhóm. Đến nay (2014) FSC đã ủy quyền cho Smartwood-Rain Forest Aliance và GFA tiến hành đánh giá rừng, chuỗi hành trình sản phẩm (FM/CoC) và cấp chứng chỉ rừng cho 7 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam: CTLN Đoan Hùng, Xuân Đài, Thanh Hòa, Sông Thao, Yên Lập, Tam Thắng và Cầu Ham (Nguyễn Ngọc Lung, Vũ Nhâm, Nguyễn Thị Bảo Lâm, 2019).
Năm 2011, tổ chức GFA đã tiến hành đánh giá QLRBV và cấp chứng chỉ rừng cho Công ty LN Bến Hải; cho nhóm Hộ gia đình trồng rừng thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam và cho Tổng Công ty lâm nghiệp Việt nam.
Để lấy được chứng chỉ FSC cần một quá trình lâu dài. Việc kiểm soát gỗ của FSC được coi là một giải pháp để hỗ trợ các chủ rừng, đặc biệt là CTLN, các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ đạt được một phần kết quả của quá trình cấp chứng chỉ trong thời gian ngắn. Tại Việt Nam, tính đến tháng 3/2018, đã có 231.546 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng (trong đó có khoảng 88.000 ha là rừng tự nhiên) (Lê Khắc Côi, 2018; Thủ tướng Chính phủ, 2018) .
Các hoạt động thí điểm về quản lý rừng bền vững tại các lâm trường: Trong khuôn khổ hoạt động của “Chương trình sử dụng và quản lý rừng bền vững rừng tự
nhiên và tiếp thị lâm sản” do GTZ tài trợ, thí điểm về quản lý rừng bền vững được thực hiện tại 5 lâm trường thuộc Thanh Hóa, Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình và Đắc Lắc. Ngoài ra, WWF cũng đang thí điểm quản lý rừng bền vững tại 2 lâm trường.
Hoạt động thí điểm Cấp chứng chỉ rừng “theo nhóm” tại Yên Bái do Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thực hiện nhằm giúp các chủ rừng quy mô nhỏ tiếp cận được với việc cấp chứng chỉ rừng. Theo thí điểm này, một số tổ chức địa phương đóng vai trò “trung gian” giữa tổ chức cấp chứng chỉ và những nhà sản xuất gỗ nhỏ để để giúp họ nhận chứng chỉ “theo nhóm”. Cấp chứng chỉ “theo nhóm” đã được áp dụng thành công ở các nước Đông và Tây nước Anh và Papua New Guinea trong khuôn khổ chương trình sinh thái lâm nghiệp do EU tài trợ.
Quỹ rừng nhiệt đới (TFT) tại Việt nam đang tiến hành hỗ trợ thực hiện quản lý rừng và chứng chỉ rừng cho các đơn vị quản lý rừng như: Công ty lâm nghiệp Lơ Ku và Công ty lâm nghiệp Hào Quang tỉnh Đăk Nông; Trạm Lập tỉnh Gia Lai; Công ty lâm nghiệp Long Đại tỉnh Quảng Bình; Công ty lâm nghiệp Bảo Yên tỉnh Lào Cai. Tại Tỉnh Tuyên Quang, các hoạt động triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC bắt đầu thực hiện từ năm 2016, trong đó ban đầu chủ yếu cấp cho đối tượng là các Công ty lâm nghiệp / chế biến gỗ và sau đó Công ty Woodsland hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng cho nhóm các hộ nông dân là chủ rừng.
Nhận xét: Như đã đề cập bên trên, về lý luận cũng như thực tiễn, QLRBV và CCR ở Việt Nam áp dụng trên đối tượng rừng trồng mới được thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây và còn có nhiều khoảng trống chưa được nghiên cứu đề cập; Trong đó có việc tìm hiểu các vấn đề, nguyên nhân hộ nông dân là chủ rừng gặp phải khi thực thi theo các nguyên tắc của tiêu chuẩn FSC để từ đó trả lời câu hỏi “làm thế nào” để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ rừng cho đối tượng là các hộ nông dân là chủ rừng, hoặc đề xuất các giải pháp nhằm giúp những hộ đã được cấp CCR có thể thực hiện tốt và duy trì được chứng chỉ theo tiêu chuẩn của FSC.