- Xây dựng vườn cây mẫu và vườn sưu tập 100 ha theo mục tiêu làm phong phú thành phần loài cây cho khu bảo tồn theo phương châm lợi dụng tối đa cây có tại chỗ, dẫn giống, sưu tập cây các vùng khác.
KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
- Tại khu vực rừng Khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng đã xác định được 375 loài cây gỗ thuộc 211 chi và 73 họ của 2 ngành thực vật. Trong đó, ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) chiếm ưu thế với 369 loài thuộc 207 chi và 73 họ; ngành Thông (Pinophyta) với 6 loài thộc 4 chi và 2 họ;
- Các loài cây gỗ khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng được đánh giá là đa dạng về các taxon bậc ngành, lớp, họ, chi. Trong ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) thì lớp Hai lá mầm (Magnoliopsida) chiếm toàn bộ.
- Mười họ đa dạng nhất của các loài cây gỗ khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng chiếm tỷ lệ 13,7% tổng số họ, chiếm 38,86% tổng số chi ( 82chi) và chiếm 49,33% tổng số loài cây gỗ (185loài) của cả khu vực.
- Mười chi cây gỗ đa dạng nhất chiếm 4,74% tổng số chi và chiếm 19,73% tổng số loài cây gỗ (74 loài) của cả khu vực.
- Kết quả phân tích dạng sống của các loài cây gỗ ở khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng cho thấy tỷ lệ cây gỗ lớn chiếm 41,33% tổng số loài, cây gỗ vừa chiếm 29,60% tổng số loài và cây gỗ nhỏ chiếm 29,07% tổng số loài cây gỗ.
- Cây gỗ ở khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng được đánh giá là đa dạng về giá trị tài nguyên thực vật rừng, có thể sử dụng vào 12 nhóm công dụng khác nhau, trong đó nhóm cây cho gỗ là đa dạng nhất với 323 loài chiếm 86,13% tổng số loài, tiếp đó đến nhóm cây cho thuốc (27,47%), cho quả (13,60%), …
- Tại khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng có 34 loài cây gỗ quý hiếm, trong đó có 24 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 03 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, 22 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển.
- Xây dựng Bản đồ phân bố 15 loài thực vật cây gỗ có giá trị kinh tế và bảo tồn cao của Khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng trên các tuyến, ô tiêu chuẩn điều tra.
- Đề xuất được 7 nhóm giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên thực vật tại khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng
2. Tồn tại
Do hạn chế về thời gian và kiến thức cũng như kinh nghiệm bản thân nên đề tài còn một số tồn tại sau:
- Đề tài mới dừng lại ở nghiên cứu tính đa dạng hệ thực vật thân gỗ và chưa nghiên cứu trên toàn hệ thực vật.
- Đề tài chưa nghiên cứu tính đa dạng thảm thực vật.
3. Kiến nghị
- Cần tiếp tục điều tra đánh giá tính đa dạng thực vật (cả thảm và hệ thực vật) ở khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng, vì đây là khu BTTN mới được thành lập, chưa có nhièu công trình điều tra, nghiên cứu, tổng hợp tính đa dạng sinh học của Khu BTTN;
- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho toàn bộ cây có giá trị kinh tế và bảo tồn cao tại khu vực nghiên cứu.
- Hiện nay, ranh giới rừng Khu Bảo tồn còn nhiều bất cập như: rừng và đất canh tác của một số hộ dân còn nằm trong gần vùng lõi của Khu BTTN, việc này rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, cần phải có chính sách đầu tư kinh phí và chia xẻ quyền lợi kinh tế cần thiết để giải quyết vấn đề ranh giới của KBT với cơ sở.
- Thực vật khu vực ở khu BTTN Đồng Sơn- Kỳ Thượng đang có chiều hướng phục hồi tốt. Tuy nhiên, do đây là vùng gần với một số khu vực có khai thác than hầm lò (một số điểm khai thác than trái phép) nên việc tận dụng các cây gỗ từ rừng Khu BTTN làm gỗ chống lò là không tránh khỏi, mặt khác đây cũng là nơi gần biên giới với nước bạn Trung Quốc, tình trạng khai thác trái phép các loài cây rừng để làm cảnh như: cây Nhội, cây Thông tre lá ngắn.... vẫn diễn ra, Ban Quản lý Khu BTTN cần bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên thực vật, cần có biện pháp về chính sách cho người dân sống gần rừng Khu BTTN và tăng cường xử lý nghêm các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục người dân.
- Thông qua đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư cho công tác trồng, bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên, đầu tư cho công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng và tổ chức lại sản xuất cho nhân dân trong các trọng điểm của vùng lõi và vùng đệm không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát triển tài nguyên mà còn mang ý nghĩa phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, giữ gìn truyền thống và bản sắc dân tộc, giữ gìn khối đoàn kết dân tộc của địa phương.