Nghiên cứu về cây Mạy chả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng quản lý rừng mạy chả (arundinaria sp ) và kỹ thuật nhân giống loài cây này tại huyện điện biên, tỉnh điện biên​ (Trang 28 - 33)

Theo Lê Xuân Trường và cộng sự (2018), Mạy chả thuộc lớp Một lá mầm (Monotyledoneae), bộ Hòa thảo (Poales), họ Hoà thảo (Poaceae), họ phụ Tre trúc (Bambusoideae).

Khi nghiên cứu về đặc điểm lâm học và kỹ thuật nhân giống của loài này tại xã Pá Khoang, Điện Biên, tác giả cho rằng rừng Mạy chả trong khu vực nghiên cứu đã bị thoái hóa mạnh, sinh trưởng phát triển trong rừng phục hồi thứ sinh IIIA1 và rừng trồng Keo với độ tàn che từ 0,3 đến 0,8. Độ dày tầng đất là từ 70 đến 92cm, tầng đất mặt 26 đến 55cm. Đất tại khu vực có Mạy chả phân bố có màu đen nâu vàng, đen nâu đỏ vàng và đen nâu đỏ nâu. Đất có độ ẩm tương đối với kết cấu hạt và xốp.

Cây Mạy chả là một trong những loài mọc tản, thân thẳng, đường kính trung bình đạt từ 2 – 2,5 cm, thân ngầm phân đốt. Thân khí sinh có màu xanh thẫm, trong thân có các vách trắng xếp sát nhau. Chiều dài lóng trung bình của thân khí sinh đạt từ 9,63 – 37,64 cm, đường kính lóng trung bình đạt từ 0,43 – 1,83 cm. Mặt dưới của lá có lông mịn, mềm, chiều dài trung bình của lá từ 10,22 – 14,92 cm, chiều rộng trung bình của lá 1,42 – 2,12 cm. Bẹ mo mặt ngoài phủ lông mịn

Mạy chả tái sinh tốt sau nương rẫy, phân bố dưới tầng cây cao với độ tàn che từ 0,3 – 0,8 và mọc ở trạng thái rừng IIIA1, IIIA3. Cây sinh trưởng và phát triển trên môi trường đất chua có độ pH =5,5 – 6,5.

Cây Mạy chả mọc rải rác trong rừng tự nhiên có D00 = 0,48 – 1,44 cm,

Hvn = 0,67 – 2,4 m. Loài cây được sử dụng với mục đích lấy măng và khai thác thân khí sinh để bán và làm hàng rào, làm dàn leo, nhưng diện tích gây trồng hầu như là chưa có. Do vậy, cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm của người dân nhằm bảo tồn loài và phát triển rộng lào cây Mạy chả thành vùng nguyên liệu.

Giống cây được trồng chủ yếu bằng thân ngầm, thân ngầm chọn những cây từ tuổi 1 đến tuổi 2. Thời vụ nên trồng vào mùa xuân từ tháng 1 – 3, cũng có thể trồng vào tháng 4 -5 trồng vào những ngày râm mát. Xử lý thực bì chủ yếu toàn diện. Cách đào hố thủ công, kích thước hố chủ yếu 50 x 50 x 50 cm hoặc 60 x 60 x 60 cm. Số lần chăm sóc 1 - 2 lần/năm sau khi trồng, biện pháp chăm sóc là dọn cỏ, vun đất quanh gốc trong 3 năm đầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giâm hom thân ngầm là tốt nhất, có tỷ lệ sống cao, khả năng chịu đựng tốt và có tỷ lệ ra rễ là khá cao vì vậy cần vận dụng và tiến hành giâm hom để phục vụ cho công tác trồng rừng sau này được đảm bảo.

Tác giả đã sử dụng hỗn hợp Toba NET qua 70 ngày theo dõi của các hom cho thấy hỗn hợp chưa có tác dụng đến việc nhân giống của cây Mạy chả.

Tại khu vực nghiên cứu Mạy chả hiện nay chủ yếu sinh trưởng phát triển tự nhiên. Mục đích sử dụng đối với Mạy chả chủ yếu là khai thác thân cây để bán hoặc để phục vụ sinh hoạt hộ gia đình như làm hàng rào, làm dàn leo cho các loài cây, lá dùng làm thức ăn cho trâu bò và lấy măng để làm thực phẩm. Tác giả cho rằng việc khai thác Mạy chả để sử dụng vào các mục đích này là chưa hợp lý, chưa thể hiện được vai trò và tầm quan trọng của loài cây này tại địa phương trong khi nhu cầu nguyên liệu cho xuất khẩu loài cây này tại địa phương cón rất lớn.

Về thị trường của nguyên liệu Mạy chả, theo báo cáo của Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững – Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (2017),

Mạy chả phân bố tự nhiên trong rừng tại xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong những thập kỷ qua, cây Mạy chả được thu mua để xuất khẩu sang các nước châu Âu làm cần câu và gậy trượt tuyết do thân cây thẳng, dẻo và bền. Khi không còn được xuất khẩu sang châu Âu nữa thì người dân địa phương không mấy quan tâm đến loài cây này cho đến thời gian gần đây khi Công ty USUI (Công ty Nhật Bản) thu mua và xuất khẩu thân cây sang Nhật Bản với mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân địa phương khai thác thân Mạy chả từ rừng tự nhiên do vậy nguồn cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến Mạy chả không ổn định, chất lượng thấp và thiếu. Trong tương lai điều này có thể gây suy thoái nguồn tài nguyên Mạy chả trong khu vực. Để phát triển kinh doanh của công ty và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững cần thiết phải phát triển rừng trồng Mạy chả cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Theo kết quả phỏng vấn tại công ty USUI về các vấn đề liên quan đến thị trường và tiềm năng của loài Mạy chả tại Điện Biên, có thể tổng hợp như sau:

- Tiềm năng nhập khẩu Mạy chả từ Việt Nam sử dụng cho mục đích nông nghiệp trên thế giới rất cao. Khoảng 17 công ty Nhật Bản và 11 công ty nước ngoài thuộc 9 quốc gia thuộc châu Âu và Trung Đông làm trong lĩnh vực nông nghiệp quan tâm đến nhập khẩu sản phẩm Mạy chả từ Việt Nam.

- Vùng nguyên liệu sản xuất Mạy chả tại Việt Nam (Điện Biên) còn manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Yêu cầu sản phẩm Mạy chả phục vụ sản xuất nông nghiệp là: thân khí sinh từ 3 năm tuổi trở lên, không bị sâu bệnh. Cây cụt ngọn sẽ có giá trị thấp hơn. Cây phải được chặt sát gốc, để nguyên phần ngọn.

- Tỷ lệ hao hụt cây Mạy chả khai thác trong khu vực Điện Biên là khá cao do chặt cây còn non (~ 30%), thân cây bị sâu bệnh hại (~0.5%), và cây mất ngọn, không đủ quy cách (~55%). Trong nhà máy (chế biến sản phẩm) tỷ lệ hao hụt khoảng ~10%.

- Lý do làm giảm chất lượng sản phẩm và tỷ lệ hao hụt cao là do: Người dân không có kỹ thuật khi khai thác cây Mạy chả, Mạy chả bị sâu bệnh, gia súc (trâu, bò, lợn và dê) phá hại và độ tàn che của rừngcao, ánh sáng dưới tán rừng ítcũng ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng Mạy chả.

- Công ty thu mua cây với tất cả các kích cỡ khác nhau. Cây càng to càng được giá. Như vậy có thể nói, Mạy chả là loài có thể cải thiện sinh kế của người dân địa phương nếu được quản lý tốt và có giải pháp cải thiện năng suất, chất lượng các diện tích rừng tự nhiên có Mạy chả phân bố.

Thảo luận chung:

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam tài nguyên tre trúc đã được chú ý và nghiên cứu khá sâu rộng, bài bản nhằm nâng cao hiểu biết về đặc điểm sinh học, giá trị sử dụng, kỹ thuật nhân giống, gây trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ… để sử dụng tài nguyên này một cách sâu rộng, bền vững, nâng cao

hiệu quả của nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên đối với loài Mạy chả chưa nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn nên còn thiếu rất nhiều các thông tin về tình hình phân bố, đặc điểm sinh thái, giá trị sử dụng, kỹ thuật gây trồng, nhất là các thông tin về tình hình quản lý, đặc điểm lâm phần và kỹ thuật nhân giống loài cây. Trên cơ sở đó đề tài luận văn định hướng nghiên cứu để giải quyết một số vấn đề cấp bách trong nghiên cứu về loài Mạy chả phục vụ cho sử dụng bền vững, hiệu quả loài cây này tại địa phương.

Chương 2

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng quản lý rừng mạy chả (arundinaria sp ) và kỹ thuật nhân giống loài cây này tại huyện điện biên, tỉnh điện biên​ (Trang 28 - 33)