Đặc điểm của cho vay nông hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng cho vay nông hộ tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bến tre (Trang 38 - 40)

Ngoài các đặc điểm chung về cho vay KHCN của NHTM thì cho vay nông hộ còn có các đặc điểm sau:

- Cho vay theo thời vụ và nguy cơ tập trung rủi ro cao

Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, chu kỳ rất rõ nét, kể cả dịch vụ nông nghiệp cũng gắn với tính thời vụ, chu kỳ đó. Tính thời vụ trong nông nghiệp là vĩnh cửu không thể xoá bỏ được, trong quá trình sản xuất chỉ tìm cách hạn chế nó. Mặt khác do sự biến thiên về điều kiện thời tiết – khí hậu, mỗi loại cây trồng có sự thích ứng nhất định với điều kiện đó, dẫn đến những mùa vụ khác nhau. Vào đầu vụ sản xuất, khách hàng tập trung gần như đồng loạt cùng đi vay vốn để đáp ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất, canh tác; đến kỳ thu hoạch lại gần như đồng loạt vay vốn để trang trãi chi phí cho thu hoạch và cho đến khi bán được nông sản, hàng hoá khách hàng mới có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Nguồn trả nợ chính của khách hàng là từ tiền bán nông sản, hàng hoá. Như vậy sản lượng nông sản và giá cả nông sản là hai yếu tố quan trọng trong việc xác định khả năng trả nợ của khách hàng vay. Một khi có rủi ro như

20

mất mùa, mất giá... thì gần như đồng loạt khách hàng vay vốn nông nghiệp, nông thôn không trả được nợ, dẫn đến rủi ro tập trung cùng lúc với ngân hàng.

- Chi phí món vay cao

Một trong những đặc điểm trong cho vay nông hộ là giá trị món vay thường nhỏ nhưng số lượng khách hàng vay lại lớn. Cho dù là món vay nhỏ nhưng vẫn phải đảm bảo những yêu cầu của một bộ hồ sơ vay vốn theo quy định, đồng thời cũng phải đảm bảo các chi phí cho hoạt động của ngân hàng như: chi phí huy động vốn, chi phí quản lý, chi phí cho nhân viên và các chi phí khác. Ngoài ra do đặc điểm của địa bàn nông thôn nên khách hàng thường phân tán trên một địa bàn rộng, chính vì vậy việc quản lý món vay thường tốn nhiều chi phí hơn so với các đối tượng cho vay khác.

- Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nên khó xử lý

Khách hàng vay vốn nông nghiệp nông thôn chủ yếu dùng quyền sử dụng đất làm tài sản bảo đảm khi vay vốn tại các TCTD, vì vậy sẽ rất khó cho các TCTD trong xử lý khi khách hàng mất khả năng trả nợ món vay. Do ruộng đất là những tài sản thiết yếu, gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người nông dân và gia đình, khi kinh tế nông nghiệp phát triển, sản xuất nông nghiệp thuận lợi thì giá trị quyền sử dụng đất của người nông dân tăng lên và ngược lại khi sản xuất nông nghiệp gặp bất lợi thì việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nông nghiệp gây rất nhiều khó khăn cho các TCTD do giá trị bị giảm sút và người nông dân trong cùng khu vực, địa bàn cũng gặp khó khăn chung.

- Mục đích vay vốn khá phức tạp

Khách hàng nông nghiệp nông thôn sản xuất, kinh doanh rất đa dạng nên khi vay vốn cũng có nhiều mục đích khác nhau. Thường thì họ gửi đến ngân hàng một dự án, phương án sản xuất kinh doanh tổng hợp, ví dụ như: vừa trồng trọt, chăn nuôi, vừa chế biến hàng nông sản, mua sắm trang thiết bị... Do đó dòi hỏi cán bộ tín dụng ngân hàng phải am hiểu nhiều kiến thức khác nhau khi thẩm định hồ sơ vay vốn và quyết định cho vay. Nếu không am hiểu thì không thể tư vấn khách hàng, kiểm tra đối chiếu thực tế, từ đó sẽ dẫn tới những phán quyết theo cảm tính có thể làm mất cơ hội của người vay hoặc là dễ dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.

21

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng cho vay nông hộ tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bến tre (Trang 38 - 40)