- Hiệu quả tổng hợp:
Kết luận – Tồn tại – Kiến nghị
5.1. Kết luận
Từ những kết quả đạt được đề tài rút ra một số kết luận như sau:
5.1.1. Về thực trạng rừng trồng Sở ở các tỉnh miền Bắc nước ta:
- Theo con số thống kê từ các tỉnh, tổng diện tích rừng trồng Sở ở miền Bắc nước ta hiện nay là 6.222,3 ha. Các tỉnh hiện có diện tích Sở nhiều nhất là Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Hà Giang.
- Tại các địa phương, nguồn giống được sử dụng hầu hết là giống tại chỗ, các giống Sở được sử dụng ở các địa phương rất đa dạng: Sở chè, Sở quýt, Sở cam, Sở lê, Sở cành mềm Trung Quốc. Mật độ trồng rừng tương đối cao, từ 1100 - 4900 cây/ha. Phần lớn Sở được trồng theo phương thức tập trung, cả thuần loài và hỗn loài với các loài cây khác như Thông, Keo, Mỡ,… hoặc các loài cây ngắn ngày theo phương thức nông lâm kết hợp.
- Sở được trồng chủ yếu theo phong trào và kinh nghiệm của nhân dân, chưa có hướng dẫn kỹ thuật gây trồng cụ thể, nguồn giống chưa được chọn lọc, các biện pháp chăm sóc thâm canh chưa được chú trọng, thậm chí có nơi rừng Sở còn bị bỏ hoang hoá nên năng suất, chất lượng hạt và dầu còn thấp, có nơi trồng Sở còn không ra quả.
- Việc quy hoạch vùng trồng Sở cũng chưa được đặt ra, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định cho loài cây này do đó việc gây trồng và kinh doanh rừng Sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
5.1.2. Về kỹ thuật thâm canh rừng trồng Sở
Qua nghiên cứu thử nghiệm một số công thức bón phân, mật độ trồng và trồng cây phù trợ bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của các biện pháp này. Cụ thể, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, có thể khẳng định:
- Biện pháp bón phân: biện pháp bón phân thực sự phát huy hiệu quả thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây Sở, trong đó công thức BP3 (bón lót 3 kg phân chuồng + 0,2 kg NPK/cây) cho hiệu quả tốt nhất đối với sinh trưởng và phát triển của cây Sở.
- Biện pháp mật độ trồng: Mật độ thích hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển quả hạt Sở là công thức MĐ2 (833 cây/ha). Qua đây cũng cho thấy đối với Sở là loài cây lấy quả hạt là chủ yếu thì nên trồng với mật độ thưa hoặc có thể trồng dày hơn nhưng giai đoạn rừng khép tán cần tỉa thưa để tán lá phát triển rộng, như vậy sẽ cho năng suất quả hạt cao hơn.
- Biện pháp trồng cây phù trợ: biện pháp trồng cây phù trợ đã thúc đẩy sinh trưởng và phát triển cho cây Sở vượt trội hơn hẳn so với công thức đối chứng. Công thức C2 trồng Sở kết hợp với Keo tai tượng (tỷ lệ 3 hàng Sở và 1 hàng Keo) cho hiệu quả tốt nhất trong việc thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây Sở.
5.1.3. Về hiệu quả tổng hợp của các mô hình rừng trồng Sở
Kết quả đánh giá hiệu quả của các mô hình rừng trồng cho thấy:
- Hiệu quả kinh tế: Mô hình có hiệu quả kinh tế tốt nhất là Sở - Sắn - Dứa (1), tiếp theo là Sở - Dứa (2), Sở - Sắn (3), Dứa thuần loài (4), Keo thuần loài (5), Sở thuần loài (6), thấp nhất là Bạch đàn thuần loài (7).
- Hiệu quả xã hội: Có thể xếp hạng các mô hình có hiệu quả xã hội từ cao đến thấp như sau: Sở - Sắn - Dứa (1), Sở - Dứa (2), Dứa thuần loài (3), Sở - Sắn (4), Keo thần loài (5), Bạch đàn thuần loài (6), Sở thuần loài (7).
- Hiệu quả môi trường (chủ yếu là môi trường đất):Thứ hạng các mô hình có hiệu quả từ cao đến thấp là Sở - Sắn - Dứa (1), Sở - Dứa (2), Dứa thuần loài (3), Sở - Sắn (4), Keo thần loài (5), Sở thuần loài (6), Bạch đàn thuần loài (7).
Căn cứ vào hiệu quả của các mô hình trên từng mặt, kết quả đánh giá hiệu quả tổng hợp bước đầu cho thấy mô hình Sở - Sắn - Dứa có hiệu quả tổng
hợp cao nhất (1), tiếp theo là Sở - Dứa (2), Dứa thuần loài (3), Sở - Sắn (4), Keo thần loài (5), Sở thuần loài (6), Bạch đàn thuần loài (7).
Qua đây cũng cho thấy, đối với loài Sở, các rừng trồng hỗn giao sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng thuần loài. Việc trồng hỗn giao với các loài cây ngắn ngày tại địa phương là một thí dụ điển hình để nhân rộng các mô hình rừng trồng Sở có hiệu quả cho các tỉnh miền Bắc nước ta.
5.2. Tồn tại, kiến nghị
Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng do hạn chế về thời gian, điều kiện thực hiện cũng như năng lực bản thân tác giả nên đề tài vẫn còn một số tồn tại sau đây và kiến nghị cần được nghiên cứu bổ sung:
- Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh là vấn đề phức tạp, cần phải có thời gian nghiên cứu dài, đặc biệt với đối tượng nghiên cứu là cây Sở có chu kỳ sống rất dài. Nhưng đề tài mới theo dõi được tới giai đoạn 7 năm tuổi, ở giai đoạn này sinh trưởng của Sở đã tương đối ổn định nên các kết quả nghiên cứu về sinh trưởng đã có thể đảm bảo tính khách quan và chính xác. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cây Sở vẫn chưa đạt được sự ổn định về năng suất, chất lượng quả hạt. Do vậy, cần phải theo dõi bổ sung trong thời gian dài hơn để đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp thâm canh tới năng suất, chất lượng quả hạt, hàm lượng và chất lượng dầu trong nhân.
- Trên cơ sở kế thừa mô hình thí nghiệm của đề tài cấp Bộ đã xây dựng từ năm 1999, trong khuôn khổ đề tài mới thực hiện đánh giá ảnh hưởng của 3 biện pháp bón phân, mật độ trồng và trồng cây phù trợ còn một số biện pháp khác như kỹ thuật làm đất, phương thức và phương pháp trồng, kỹ thuật bón thúc,… chưa được đề cập tới. Ngoài ra, với mỗi nhân tố trên, mới chỉ có 3 công thức thí nghiệm để so sánh. Do vậy, để hoàn thiện hơn nữa cơ sở khoa học cho các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng rừng trồng Sở cần nghiên cứu bổ sung một số công thức thí nghiệm, một số biện pháp kỹ
- Khi nghiên cứu cường độ xói mòn đất dưới các mô hình rừng nghiên cứu, đề tài mới sử dụng công thức tính cường độ xói mòn thực nghiệm của PGS. TS Vương Văn Quỳnh để tính toán. Để kiểm định độ chính xác, tác giả kiến nghị nên áp dụng phương pháp đo trực tiếp lượng đất xói mòn trong 1 năm.
- Khi đánh giá hiệu quả của các mô hình rừng trồng, đề tài chưa theo dõi được hết chu kỳ kinh doanh (đối với loài Sở), nên những đánh giá đã phân tích trong đề tài mới chỉ là những đánh giá bước đầu. Công tác đánh giá hiệu quả tổng hợp của một mô hình rừng trồng là vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi phải có thời gian theo dõi, đánh giá lâu dài, liên tục nên cần có nghiên cứu toàn diện hơn để đánh giá sát thực hiệu quả của các mô hình, làm cơ sở khoa học lựa chọn các mô hình rừng trồng tối ưu.