Từ phần tổng quan tài liệu những nghiên cứu về Đông trùng hạ thảo ở ngoài
nước và trong nước cho thấy: Nấm Đông trùng hạ thảo là một loài nấm có giá trị dược liệu quý, chữa trị được nhiều loài bệnh nan y như ung thư, kháng khuẩn, chống oxy hóa và các bệnh về yếu sinh lý…
Nghiên cứu về thành phần loài, giá trị dược liệu và nuôi trồng thể quả được
tiến hành nghiên cứu với trình độ cao ở nhiều nước trên thế giới và đạt được kết quả tốt. Thực tế cho thấy tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, kỹ thuật nuôi trồng loài nấm này đã đạt được trình độ cao và được thực hiện trên quy mô công nghiệp. Chỉ
tính một trang trại nuôi trồng loài nấm này tại Kaiping, Quảng Châu, sản lượng một năm thu được 100.000 kg sản phẩm. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo từ nuôi trồng nhân tạo đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước phương Tây và mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp và người nuôi trồng nấm. Nhiệt độ
không khí 20-250C, cường độ ánh sáng 500-700 lux là những điều kiện tốt nhất để
nuôi trồng thể quả trên giá thể nhân tạo.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu về thành phần loài nấm Đông trùng hạ thảo
được công bố vào năm 1996 và đến 2010 có khoảng 12 loài nấm thuộc chi
Cordyceps, trong đó có 8 loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Về thành phần hóa học và giá trị dược liệu chưa được nghiên cứu nhiều, từ các nguồn tài liệu khác nhau các nhà khoa học đã khẳng định nấm Đông trùng hạ thảo là một dược liệu quý và hiếm. Nhiều bài thuốc có giá trị liên quan đến Đông trùng hạ thảo đã được lưu truyền để chữa các bệnh nan y và tăng cường sức khỏe.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2007, đã sưu tập được chủng nấm
CM là loài nấm Cordyceps militaris. Đây là chủng nấm đang nuôi trồng quy mô
công nghiệp tại Trung Quốc. Những nghiên cứu bước đầu cho thấy chủng nấm này phát triển tốt trong điều kiện ở Việt Nam và đã hình thành thể quả thành thục trên giá thể nhân tạo.
Từ những cơ sở lý luận trên, việc nghiên cứu hệ thống về nấm Đông trùng hạ
thảo ở Việt Nam là rất cần thiết. Để đạt được mục tiêu như trên, việc cần thiết là tiến hành điều tra ở một số vùng sinh thái để thu hái thể quả, phân lập thuần khiết các chủng nấm ở Việt Nam, kết hợp với sưu tập các chủng giống ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản để lưu trữ nguồn gen, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài nấm sưu tầm được, kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng một mô hình và quy trình nuôi trồng nấm trên giá thể nhân tạo sau này mà trong đó sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và dễ áp dụng trong điều kiện Việt Nam.
Chương 2
MỤC TIÊU - ĐỐI TƯỢNG - NỘI DUNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CƯU