- Xác định các loài có giá trị bảo tồn dựa vào các tài liệu như Sách đỏ Việt Nam (2000, 2007) và Nghị Định 32. Theo nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Việt Nam có 4 loài bướm là Teinopalpus aureus, T. imperialis, Troides helena ceberus và Zeuxidia masoni được xếp vào danh lục nhóm II. Đây là nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng còn ít trong tự
nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra còn căn cứ vào một số tiêu chí khác như: Loài có hình thái đẹp, loài chỉ thị và loài có giá trị du lịch sinh thái cao.
+ Các loài có hình thái đẹp: Các loài bướm đẹp thường có màu sắc hấp dẫn, nhiều hoa văn sinh động, một số xuất hiện với đàn lớn như các loài thuộc họ Bướm cải (Pieridae), Bướm giáp (Nymphalidae), Bướm rừng (Amathusiidae)… nên thường cũng có giá trị du lịch sinh thái, đặc biệt là những loài có kích thước lớn.
+ Loài có giá trị chỉ thị và du lịch sinh thái: Theo Đặng Thị Đáp (2008), loài chỉ thị có thể là những loài hẹp thực, thường gắn bó với một số loài thực vật nhất định, hoạt động thụ phấn của bướm khiến chúng có quan hệ khá chặt chẽ với các loài thực vật có hoa nên chúng có giá trị chỉ thị sinh học tốt. “Nhờ đặc tính này, có thể coi bướm là một loại chỉ thị sinh học, cho thấy hiện trạng môi trường khu vực. Sự quá đông đúc của những loài bướm ưa sống ở những thảm thực vật thứ sinh cho thấy thảm thực vật nguyên sinh đã bị tàn phá, hay tình trạng mất mùa ở những loài được thụ phấn nhờ bướm do thiếu vắng bóng bướm cho thấy tình trạng môi trường đang bị huỷ hoại, dư thừa lượng thuốc bảo vệ thực vật…” (dẫn theo Đặng Thị Đáp và cs, 2008). Độ phong phú của loài được các tác giả như Đặng Ngọc Anh và Vũ Văn Liên (2005) sử dụng để đánh giá vai trò chỉ thị của bướm.