Phương pháp thu thập số liệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng và tái sinh tự nhiên trong các mô hình rừng trồng cây gỗ lớn tại tỉnh bà rịa vũng tàu​ (Trang 29 - 31)

2.4.2.1. Kế thừa tài liệu đã có

Mục đích của việc kế thừa tài liệu nhằm xác định được thông tin sơ bộ ban đầu về đặc điểm đối tượng nghiên cứu, khu vực nghiên cứu, những phương pháp nghiên cứu định hướng. Đồng thời giảm bớt công sức và kinh phí cho việc nghiên cứu.

Các tài liệu được sử dụng và khai thác thông tin là những kết quả nghiên cứu của các luận văn, đề tài, dự án, hồ sơ, báo cáo về công tác xây dựng các mô hình rừng trồng, những đánh giá ban đầu về đặc điểm hiện trạng tài nguyên rừng, các giải pháp tác động, đặc điểm điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực nghiên cứu,...

Phương thức kế thừa tài liệu tập trung vào kế thừa sơ cấp và thứ cấp, có sàng lọc, so sánh, chắt lọc thông tin quan trọng và có quan hệ mật thiết với đối tượng nghiên cứu, nội dung và phương pháp nghiên cứu.

2.4.2.2. Phương pháp thu thập số liệu hiện trường (1) Điều tra hiện trạng các mô hình rừng trồng

- Căn cứ vào hồ sơ rừng trồng, đối chiếu với các đối tượng mô hình nghiên cứu, kết hợp với kết quả kiểm kê rừng của tỉnh năm 2016, tiến hành phúc tra hiện trạng các mô hình rừng trồng.

- Chỉ tiêu xác định là: diện tích của các mô hình, phân bố và định vị các mô hình trên thực địa và bản đồ hiện trạng rừng; điều tra sơ bộ về đặc điểm mô hình như: xác minh hồ sơ trồng rừng với các mô hình hiện hữu thông qua: loài cây trồng

rừng, phối trí cây trồng, mật độ cây trồng, phương thức trồng rừng. Đánh giá khái quát về những tác động nhân tác đến các mô hình bằng cách định tính.

(2) Điều tra sinh trưởng của các mô hình rừng

Việc điều tra, đo đếm, mô tả đặc điểm sinh trưởng của các mô hình rừng trồng sẽ được tiến hành trên các Ô

ô tiêu chuẩn (OTC) điển hình tạm thời. OTC được lập theo dạng hình chữ nhật, có diện tích 1000 m2 (25x40m).

Trước tiên trên mỗi một mô hình rừng trồng, tiến hành thiết lập 3 OTC điển hình tạm thời, riêng MH1 thiết lập 6 OTC, như vậy có 23 OTC đã được thiết lập.

Kế đến, trong các OTC tiến hành đó đếm các chỉ tiêu đối với tầng cây gỗ (cây trồng rừng chính và cây gỗ). Các chỉ tiêu đo đếm gồm D1.3 (cm), Dt (m), Hvn (m), Hdc (m) của toàn bộ các cá thể cây trong OTC. Đánh giá sơ bộ về phẩm chất cây rừng bằng các dấu hiệu đặc điểm hình thái, trong luận văn tiến hành phân cấp phẩm chất cây rừng theo 3 cấp: sinh trưởng tốt, trung bình và kém. Trong đó, những cá thể sinh trưởng tốt là những cá thể hiện tại không bị sâu, bệnh hại, có đặc điểm hình thái bình thường, tán phân bố đều, cây không bị gãy đổ,...; cây có sức sinh trưởng kém là cây hiện bị sâu, bệnh gây hại, có dấu hiệu về hình thái bên ngoài không bình thường, tán lệch không đều, bị gãy đổ, cong quẹo,...; cây có phẩm chất trung bình là cây có đặc điểm hình thái bên ngoài nằm trung gian giữa cây có phẩm chất tốt và kém. Chỉ tiêu về nguồn gốc cũng được xem xét và thu thập thông tin. Chỉ tiêu về nguồn gốc sẽ xác định rõ là rừng trồng hay tự nhiên (đối với các mô hình rừng trồng nâng cao). Đồng thời tiến hành mô tả đầy đủ các thông tin như: số hiệu OTC, vị trí OTC được định vị bằng GPS, lịch sử hồ sơ mô hình (thành phần cây trồng chính, công thức trồng, mật độ trồng, năm trồng, các giải pháp nếu có),.... Toàn bộ cách thức đo đếm các chỉ tiêu đối với cây gỗ và thông tin trong OTC được thực hiện theo hướng dẫn trong điều tra lâm học thông thường[3, 20].

Trong mỗi OTC lập 3 dải có bề rộng 5 m, các dải chạy song song theo chiều dài của OTC. Trên mỗi dải tiến hành lập 3 ODB có diện tích 25 m2 (5m x 5m). Vậy mỗi OTC có 9 ODB đã được lập. Trong ô dạng bản tiến hành đo đếm các chỉ tiêu sau: xác định tên tất cả các loài cây tái sinh, đo Hvn (cm), Do (cm), xác định nguồn gốc tái sinh (hạt hay chồi), đánh giá phẩm chất cây tái sinh theo 3 cấp: Sinh trưởng tốt, trung bình và xấu. Để đánh giá triển vọng của cây tái sinh tiến hành phân cấp cây tái sinh thành 5 cấp tuổi theo tiêu chí chiều cao. Trong đó, cây tái sinh cấp tuổi 1 là cây có chiều cao Hvn < 30 cm; cấp 2 là cây có Hvn từ 31 – 50 cm; cấp 3 là cây có Hvn từ 51 – 100 cm; cấp 4 là cây có Hvn từ 101 - 150 cm; và cấp 5 là cây có Hvn > 150 cm. Toàn bộ cây tái sinh được tổng hợp sắp xếp vào các biểu mẫu điều tra theo loài, theo cấp tuổi, theo phẩm chất và nguồn gốc[6, 7, 9, 19].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng và tái sinh tự nhiên trong các mô hình rừng trồng cây gỗ lớn tại tỉnh bà rịa vũng tàu​ (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)