Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố của một số loài đỗ quyên ở vườn quốc gia hoàng liên (Trang 45 - 48)

CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.2. Điều kiện kinh tế xã hội

3.2.1. Dân số và dân tộc

Theo kết quả điều tra năm 2004 thì số dân sống trong vùng lõi và vùng đệm VQG Hoàng Liên là 30.697 người với 4.151 hộ. Mật độ dân số bình quân trong khu vực điều tra là 59 người/km2. Mật độ dân số thấp nhất là 10,7 nguời/km2 (xã Bản Hồ) và cao nhất 192 người/km2 (thị trấn Sapa và xã Sử Pán). Dân cư ở đây phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các xã Sa Pả, thị trấn Sapa, Hầu Thào, Sử Pán và các xã vùng thấp.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân là 2,63%/năm, một số dân tộc có tỷ lệ sinh đẻ cao là H’Mông (3,6%), Dao (3,2%). Trong mỗi gia đình người H'Mông thường có từ 6 - 8 người con và đó là điều cần đặc biệt quan tâm đối với công tác bảo tồn.

Trong khu vực điều tra có 10 dân tộc cư trú, trong đó, dân tộc H'Mông chiếm tỷ lệ 40% (12.264/30.697 người), dân tộc Kinh có 5.748 người chiếm 18,57%. Ngoài ra còn có các dàn tộc khác như Dao, Tày, Dáy, Thái,... Cơ cấu dân tộc ở các xã cũng rất khác nhau. Các xã có gần 100% người H'Mông như xã Hầu Thào, sử Pán, San sả Hồ, Tả Van, Lao Chải. Người Kinh tập trung chủ yếu ở thị trấn Sapa, Sa Pả, Thân Thuộc, Mường Hoa... Còn các dân tộc khác rải rác ở các vùng đất thấp và ven các con suối lớn.

3.2.2. Về điều kiện sản xuất

Tổng số người đến độ tuổi lao động trong khu vực chiếm 41,9% tổng số nhân khẩu.

Các dân tộc vùng cao có tập quán làm ăn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với loại hình sản xuất lúa nước trên các ruộng bậc thang hẹp. Công cụ lao động đơn giản như cày cuốc, dao phát... Trong diện tích đất nông nghiệp trong khu Hoàng Liên thì đất trồng lúa nước chiếm (24%), đất trồng lúa nương chiếm (6,5%). Ngoài sản xuất lương thực, đồng bào còn trồng thêm các loại đặc sản như: Thảo quả, một số loại cây dược liệu và vài loại rau ăn.

Về cơ bản, hiện tại đa phần dân trong vùng đã định canh định cư, nhưng vẫn còn một số ít sống du canh du cư. Tập quán canh tác, sản xuất chủ yếu dựa vào độ phì tự nhiên sẵn có của đất, không sử dụng bón phân, kể cả phân hữu cơ là nguồn tại chỗ. Giống mới đã được đưa vào nhưng chưa được sử dụng rộng rãi, vì thế năng suất thấp, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.

Hiện tượng du canh, phát nương làm rẫy đã làm giảm diện tích rừng một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, nạn lửa rừng do con người, săn bắn các động vật rừng lấy thực phẩm và bán lấy tiền (da, sừng, mật), làm dược liệu đã gây nhiều tổn thất cho rừng. Cùng với các hoạt động khác như khai thác gỗ, củi, lâm đặc sản, dược liệu,... nên đã trở thành mối đe doạ cho nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học và mất rừng.

Một điểm đáng mừng là đồng bào các dân tộc ở đây hàng năm có hội ăn thề bảo vệ rừng đây là một tập quán tốt cần có định hướng duy trì và phát huy.

3.2.3. Về đời sống của người dân trong vùng

Văn hoá: Cộng đồng dân cư sống trong VQG Hoàng Liên gồm nhiều dân tộc khác nhau. Vì vậy, các hoạt động văn hóa cũng rất đa dạng và mang những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, do điều kiện giao thông khó khăn, kinh tế còn nghèo nàn, phương tiện thông tin đại chúng còn thiếu thốn nên công việc

tuyên truyền giáo dục, bài trừ các hủ tục, phát huy thuần phong mỹ tục vẫn còn hạn chế.

Giáo dục: Nạn thất học, mù chữ còn phổ biến, công tác xoá mù thực hiện chưa có hiệu quả. Hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp tục phát triển, 31,5% trẻ em trong độ tuổi đi học bị thất học, nhiều xã có tỷ lệ trẻ em thất học lên tới 50%. Cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, đội ngũ giáo viên ít lại không được quan tâm đúng mức nên số lượng học sinh và chất lượng giáo dục ngày càng bị giảm sút.

Y tế: Cũng như giáo dục, tình hình y tế cũng xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở y tế nghèo nàn, thuốc men thiếu thốn, đội ngũ mỏng, không đáp ứng được nhu cầu phòng và chữa bệnh cho đồng bào vùng cao. Công tác vệ sinh, phòng bệnh chưa được chú ý đúng mức, các loại bệnh như bướu cổ, sốt rét,... còn phát triển.

Xã hội: Các tệ nạn xã hội còn phổ biến như nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan trước đây đã bị xoá bỏ cơ bản nay lại phục hồi và đang có xu thế phát triển.

Những vấn đề trên gây trở ngại nghiêm trọng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Giao thông: Điều kiện giao thông của khu vực Hoàng Liên còn gặp nhiều khó khăn. Các đường liên xã, liên thôn là đường mòn chỉ có thể đi bộ hoặc bằng ngựa.

Giáp ranh giới phía Bắc của VQG có đường quốc lộ 4D từ Sapa đi Tam Đường (Lai Châu). Đây là con đường cửa ngõ duy nhất đi Lào Cai và miền xuôi. Ranh giới phía Nam và Tây Nam là đường tỉnh lộ từ Tam Đường (Lai Châu) đi qua Than Uyên về Yên Bái. Cả hai trục đường trên ôtô có thể đi lại bình thường nhưng chất lượng kém.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố của một số loài đỗ quyên ở vườn quốc gia hoàng liên (Trang 45 - 48)