Những ảnh hưởng tác động đến rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố của một số loài đỗ quyên ở vườn quốc gia hoàng liên (Trang 48 - 52)

CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.3. Những ảnh hưởng tác động đến rừng

Do những hoạt động của con người nơi đây đã và đang đe dọa tới môi trường sống của các loài động thực vật trong khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên. Những nguyên nhân chủ yếu là do:

- Lấn chiếm đất mở rộng diện tích canh tác nương rẫy làm mất nơi sống:

Việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp sẽ làm co hẹp diện tích phân bố tự nhiên và đe dọa trục tiếp đến sự tồn tại của các loài thực vật bản địa và các loài quí hiếm khác.

- Phá rừng trồng thảo quả:

Cây thảo quả là loại cây trồng hiện nay cho thu nhập tương đối cao (giá trung bình khoảng 100.000đ/kg, mỗi hecta trung bình thu được 1 tấn quả sấy khô). Theo phương pháp truyền thống, loại cây này phải được trồng dưới tán rừng tự nhiên với độ tàn che khoảng 40%, có độ ẩm tốt (trên 80%) tại độ cao 1.500m – 2.000m. Như vậy, khi canh tác, người dân phải tỉa bớt cây thuộc tầng tán trên của rừng, chặt bỏ hết cây bụi, tầng thảm xanh và ở nhiều nơi người dân còn sấy thảo quả ngay trong rừng. Điều đáng kể là vùng canh tác thuộc đai cao, là vùng có tính đa dạng cao nhất, trữ lượng gỗ lớn nhất. Do rừng đã bị phát luỗng, tầng dưới trống, thiếu cây con tái sinh nên sau khoảng 7-10 năm, đất canh tác đã trở thành già cỗi, kiệt quệ. Các cây cổ thụ còn sót lại rất dễ bị tổn thương, chỉ cần có gió bão là bị bật rễ hoặc gẫy thân. Tất cả những tác động đó làm cho rừng ngày càng nghèo kiệt, chất lượng và số lượng loài suy giảm nghiêm trọng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy năm 2000 có 460 hộ trồng với 278ha, bình quân mỗi hộ trồng 0,6ha, nhưng vì lợi nhuận cao nên họ đã mở rộng diện tích trồng, đến năm 2002 có 483 hộ trồng thảo quả và đã phát 360ha rừng bảo vệ nghiêm nghặt, bình quân mỗi hộ trồng khoảng 0,7ha thảo quả. So với năm 2000 đã tăng thêm 23 hộ với diện tích tăng thêm 82ha.

Nhưng bắt đầu từ năm 2003 trở lại đây VQG đã có chính sách khoanh các diện tích thảo quả đã trồng lại, cam kết với các hộ đã trồng cấm không được mở rộng diện tích, không được sấy thảo quả trong rừng nên diện tích trồng thảo quả đã không phát triển.

- Săn bắn và khai thác lâm sản ngoài gỗ trái phép:

Đối với các loài động vật: Tình trạng bẫy bắt, săn bắn các loài thú không chỉ với mục đích cải thiện các bữa ăn mà hiện nay do nền kinh tế thị trường đã lôi cuốn một số người dân địa phương liên kết với một số thương gia chuyên nghề buôn bán vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã trong đó có nhiều loài thú thuộc diện quý hiếm đem bán ở các cửa hàng đặc sản trong các đô thị, hoặc buôn bán qua biên giới, cửa khẩu Lào Cai là một điểm nóng về việc vận chuyển buôn bán trái phép các loài thú mà nguồn cung cấp chính từ vùng sinh thái dãy Hoàng Liên.

Đối với các loài thực vật: Ở thị trấn Sapa, thật dễ dàng để tìm mua được các vị thuốc quý, thật tuyệt vời khi được tắm thuốc của đồng bào Dao và thật dễ dàng mang về làm quà những túi to nấm hương, mộc nhĩ, măng sặt, giò phong lan,... Tất cả những thứ đó cho thấy thị trường lâm sản ngoài gỗ ở Sapa rõ ràng rất đa dạng và phong phú, thể hiện mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên thực vật nói riêng của VQG.

- Khai thác gỗ trái phép:

Việc khai thác gỗ trái phép đã đe doạ đến nguồn tài nguyên cây gỗ, phá hoại sinh cảnh sống của nhiều loài động, thực vật khác khi những cây gỗ lớn bị chặt hạ, vận chuyển trong rừng. Trong 2 năm 2004 - 2005, lực lượng kiểm lâm VQG đã bắt 22 vụ khai thác trái phép.

Người dân khai thác gỗ trái phép quý hiếm trên để bán cho các lò mộc nhằm phục vụ việc sản xuất đồ gia dụng với giá khoảng 10 triệu đồng/m3, vì

vậy khai thác gỗ trái phép mang lại thu nhập rất cao mà hầu như không cần đầu tư, chỉ cần bỏ công sức. Do vậy, đối với một bộ phận dân chúng hiểu biết còn hạn chế thì họ cho rằng việc khai thác bất hợp pháp đó là một nguồn thu nhập rất quan trọng cho gia đình họ. Thống kê năm 2004, tổng số đã thu 1,005m3 gỗ Pơ mu, trong hai năm (2004 - 2005), lực lượng kiểm lâm VQG đã thu được 2,117m3 gỗ Pơ mu, nhập ngân sách Nhà nước 18 triệu đồng.

Ngoài việc khai thác trái phép để bán thì các gia đình dùng gỗ để dựng nhà, làm vật dụng, làm chuồng trại chăn nuôi, phục vụ nhu cầu gỗ củi sinh hoạt hàng ngày. Theo thống kê sơ bộ hiện nay có trên 90% các hộ gia đình trong vùng làm nhà gỗ. Đặc biệt theo điều tra thấy rằng: Trung bình mỗi nhân khẩu trong 1 năm sử dụng bình quân khoảng 5m3 gỗ củi để phục vụ cho sinh hoạt như đun, nấu, sưởi ấm,... Như vậy bình quân 1 hộ gia đình có 6 nhân khẩu thì một năm tiêu tốn khoảng 30m3 và một thôn có bình quân 50 hộ thì tiêu tốn khoảng 1.500m3 gỗ. Đây là vấn đề không thể giải quyết một cách dễ dàng mặc dù người dân địa phương đã được sử dụng điện, than tổ ong nhưng ở các vùng sâu, vùng xa thì vẫn phải dùng củi, nếu có thì giá thành của than là rất cao, với tâm lý "chở củi về rừng", họ không thích dùng than và điện thay củi, điều đó còn diễn ra ngay ở thị trấn Sapa, hàng gánh củi vẫn được bán hàng ngày cho các nhà hàng tư nhân, các gia đình ở khu vực xung quanh. Thêm vào đó, trong mùa đông, nhu cầu dùng lò sưởi của khách du lịch tại các nhà nghỉ, khách sạn là rất cao, đa số khách thích dùng củi để sưởi ấm, như thế sẽ càng có nhiều cây gỗ bị chặt để làm củi hơn nữa.

- Lửa rừng:

Cháy rừng là một trong những nguy cơ lớn gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học bởi cháy rừng không những huỷ diệt toàn bộ các loại cây rừng trên mặt đất mà hầu như các vi sinh vật dưới đất cũng bị ảnh hưởng, thời gian xảy ra rất nhanh, không được dự báo trước, vì vậy để khôi phục được các diện tích

rừng đã bị cháy cần thời gian rất dài và tốn kém kinh phí cho một xuất đầu tư. Hàng năm vẫn xảy ra các vụ cháy rừng. Mặc dù VQG đa phần diện tích nằm trên sườn Đông của dãy Hoàng Liên nên độ ẩm cao, nhưng đặc biệt hơn ở đây còn chịu ảnh hưởng của gió Lào thổi quá vùng Ô Quý Hồ, với sức gió to, thực vật lại chủ yếu là thân thảo bị khô phần ngọn (bởi gió) nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Thống kê cho thấy, hàng năm có từ 3 đến 5ha đất rừng bị cháy, mặc dù tất cả các vụ cháy đều do người dân gây ra (đốt nương làm rẫy, đun nấu, sấy thảo quả trong rừng, đốt rừng để lấy tro bón cho cây trồng), các đám cháy đều được khống chế nhưng đó vẫn là một mối lo ngại trong công tác PCCCR và bảo tồn ĐDSH bởi việc tới được nơi xảy ra cháy là rất khó khăn và công tác thông tin thường chậm chạp.

- Chăn, thả rông gia súc:

Qua điều tra thực tế thấy rằng, hiện nay hầu hết người dân trong vùng có tập quán chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông, kết quả tổng hợp trong bảng bên dưới. Vùng lõi có 450 hộ có gia súc, chiếm 26% số hộ, trung bình mỗi hộ có 0,87 gia súc, tỷ lệ này là tương đối ít so với hộ gia đình vùng cao (trước đây mỗi gia đình ớ vùng cao đều có ít nhất là một con trâu hoặc bò vì con trâu là đầu cơ nghiệp), tuy nhiên, trung bình mỗi hộ này đều nuôi từ 3 đến 4 con. Hiện nay trong số các loài gia súc hiện có thì trâu chiếm số lượng chủ yếu (65%). Theo điều tra hiện trường và tìm hiểu tập quán chăn thả thấy hầu hết trâu được thả vào rừng và chỉ mang về nhà khi có nhu cầu sử dụng, hiện tượng này đã gây nên sự tàn phá trên diện rộng của các loài cây tái sinh và phá hoại môi trường sống của thực vật. Bên cạnh đó các đường mòn do trâu bò đi lại đã tạo thành khe xói mòn rất lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố của một số loài đỗ quyên ở vườn quốc gia hoàng liên (Trang 48 - 52)