Các biến nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa đa dạng hóa thu nhập và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 28 - 31)

CHƯƠNG 3 : DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.2 Các biến nghiên cứu

3.2.1 LỢI NHUẬN NGÂN HÀNG:

Trong phân tích tài chính, những nghiên cứu trước đây thường dùng chỉ tiêu ROA và ROE để phân tích về lợi nhuận của ngân hàng. ROA đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của ngân hàng. ROA càng cao thì ngân hàng càng có lợi nhuận hơn trên lượng đầu tư ít hơn. Trong khi đó ROE đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông ngân hàng. ROE càng cao chứng tỏ ngân hàng đã sử dụng hiệu quả đồng vốn chủ sở hữu, có nghĩa là ngân hàng đã cân đối hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô.Tuy nhiên khi ROE cao, chủ sở hữu càng có lợi thì rủi ro càng cao. Theo nghiên cứu của Rivard & Thomas (1997) và một số tác giả đã chứng minh rằng lợi nhuận của ngân hàng nên được đo lường tốt nhất bằng ROA vì ROA không bị ảnh hưởng bởi đòn bẩy tài chính cao và ROA chứng tỏ là một công cụ đo lường tốt hơn lợi nhuận của một ngân hàng trên danh mục tài sản của nó. Pasiouras & Kosmidou (2007), Syafri (2012) cũng đã sử dụng ROA để đo lường lợi nhuận ngân hàng trong nghiên cứu của mình.

Qua những nhận định trên, người viết chọn ROA để đo lường lợi nhuận của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2010-2014.

3.2.2 ĐA DẠNG HÓA THU NHẬP:

HHIRD: Đa dạng hóa thu nhập được tính theo công thức sau đây (Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015)): HHIRD = 1 − [(INT TOR)2+ (COM TOR)2+ (TRAD TOR)2+ (OTH TOR)2] (3.3)

Trong đó INT: thu nhập lãi, COM: thu nhập từ hoạt động dịch vụ, TRAD: thu từ hoạt động kinh doanh và đầu tư, OTH: thu nhập hoạt động khác, TOR: tổng thu nhập hoạt động. HHIRD = 0 khi tổng thu nhập được tạo ra từ một nguồn duy nhất và HHIRD = 0,75 khi thu nhập mỗi nguồn bằng nhau. Ngày nay đa dạng hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với một ngân hàng. Thật vậy, trong những năm gần đây nguồn thu từ lãi của các ngân hàng đã bị suy giảm và buộc các ngân hàng phải đa

dạng hóa thu nhập của mình để có thể phát triển một cách an toàn, bền vững và hiệu quả. Smith & cộng sự (2003) chỉ ra khi ngân hàng tăng các hoạt động tạo ra thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần ổn định lợi nhuận ngân hàng. Hay Chiorazzo & cộng sự (2008) phân tích các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu nhập ngoài lãi sẽ làm tăng lợi nhuận. Như vậy, có thể nói chỉ số HHIRD càng cao thì mức độ đa dạng hóa thu nhập của các ngân hàng càng cao và nguồn thu nhập của ngân hàng không phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H1 thông qua hệ số β1, β1 được kỳ vọng đạt giá trị >0.

3.2.3 CÁC BIẾN KIỂM SOÁT:

* Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng trên tổng tài sản của ngân hàng (TE/TA): dùng để đánh giá mức độ phù hợp của vốn. Một số nghiên cứu kết luận tỷ

lệ này thấp cho thấy ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao, chứa đựng nhiều rủi ro và sẽ làm giảm lợi nhuận khi chi phí vay vốn cao. Một số khác lại cho rằng tỷ lệ này thấp cho thấy ngân hàng sử dụng vốn hợp lý, có hiệu quả và làm tăng lợi nhuận của mình do cho vay nhiều sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Như vậy có sự không giống nhau của các nghiên cứu trước đây về tỷ lệ vốn chủ sở hữu và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H2 thông qua hệ số β2, β2 được kỳ vọng đạt giá trị <0.

* Tỷ lệ chi phí hoạt động của ngân hàng trên tổng thu nhập của ngân hàng (CIR): dùng đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Chi phí hoạt động được

biểu hiện bằng tổng chi phí tiền lương, thưởng, chi phí khấu hao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định, chi phí hành chính, chi phí bảo hiểm tiền gửi. Các nghiên cứu trước đây không cho kết quả thống nhất về tỷ lệ này. Một số kết quả cho thấy tỷ lệ này càng cao thì hiệu quả hoạt động của ngân hàng càng giảm do ngân hàng không sử dụng nhân sự một cách hiệu quả, bộ máy điều hành cồng kềnh không chuyên nghiệp đã làm tăng chi phí hoạt động. Cụ thể, Bourke (1989) đã chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa chi phí hoạt động và lợi nhuận ngân hàng. Trong khi đó một số kết quả khác lại cho thấy tỷ lệ này càng cao thì hiệu quả hoạt động càng cao do lương tăng làm tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả quản lý làm

tăng tổng thu nhập một cách đáng kể. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H3 thông qua hệ số β3, β3 được kỳ vọng đạt giá trị <0.

* Quy mô ngân hàng được đo lường bằng cách lấy logarit của tổng tài sản của ngân hàng (LnTA): Nếu quy mô ngân hàng tỷ lệ thuận với hiệu quả hoạt động

cho thấy quy mô càng lớn thì ngân hàng càng có cơ hội mở rộng kênh phân phối, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các ngân hàng có quy mô lớn sẽ có nhiều nguồn lực có ưu thế, dễ dàng tiếp cận được công nghệ chất lượng cao từ đó khai thác một cách hiệu quả nền Nếu quy mô ngân hàng tỷ lệ nghịch với hiệu quả hoạt động khi đó nếu mở rộng quy mô thêm nữa sẽ làm tăng chi phí, nguồn nhân lực, trình độ quản lý sẽ không theo kịp sự phát triển của quy mô khiến rủi ro của ngân hàng tăng cao và làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H4 thông qua hệ số β4, β4 được kỳ vọng đạt giá trị >0.

* Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của ngân hàng (NIM) : được xác định bằng tổng

doanh thu từ lãi trừ tổng chi phí trả lãi trên tổng tài sản có sinh lời của ngân hàng. Thông qua tỷ lệ này, các NHTM có thể kiểm soát tài sản sinh lời và đánh giá nguồn vốn nào có chi phí thấp nhất. Theo đánh giá của S&P thì tỷ lệ NIM dưới 3% được xem là thấp trong khi NIM lớn hơn 5% được xem là quá cao. Tỷ lệ NIM cao cho thấy ngân hàng quản trị tốt tài sản Nợ - Có trong khi NIM có xu hướng thấp và bị thu hẹp cho thấy lợi nhuận ngân hàng đang bị co hẹp lại. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên có thể đạt được thông qua hoạt động kiểm soát chặt chẽ tài sản sinh lời và thu hút được các nguồn vốn có chi phí thấp. Tỷ lệ này chỉ ra năng lực của Ban điều hành trong việc gia tăng nguồn thu và hạn chế chi phí từ lãi. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H5 thông qua hệ số β5, β5 được kỳ vọng đạt giá trị >0.

* Tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm (RGDP): Khi nền kinh tế có tốc độ tăng

trưởng thấp sẽ làm giảm chất lượng các khoản tín dụng, tăng dự phòng rủi ro tín dụng và giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngược lại, khi nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu của Athanasoglou và các cộng sự (2005) đã tìm ra tác động thuận chiều giữa tốc độ tăng

trưởng GDP với lợi nhuận của ngân hàng tại Hy Lạp. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H6 thông qua hệ số β6, β6 được kỳ vọng đạt giá trị >0.

* Tỷ lệ lạm phát (INF): Nếu ngân hàng có thu nhập tăng với tốc độ nhanh hơn

chi phí thì lạm phát có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngược lại, nếu tốc độ tăng của chi phí lớn hơn tốc độ tăng của thu nhập thì lạm phát có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu của Perry (1992) cho rằng tác động của lạm phát lên lợi nhuận của ngân hàng thông qua mối liên hệ giữa tốc độ tăng của tiền lương và các chi phí hoạt động với tỷ lệ lạm phát. Khả năng quản lý hiệu quả chi phí hoạt động của các ngân hàng phụ thuộc vào khả năng dự báo lạm phát trong tương lai. Trong trường hợp các nhà quản lý có thể dự báo một mức lạm phát kỳ vọng tương đối chính xác, ngân hàng cần điều chỉnh mức lãi suất một cách hợp lý để tăng doanh thu nhanh hơn chi phí. Và mô hình 3.1 dùng để kiểm định giả thuyết H7 thông qua hệ số β7, β7 được kỳ vọng đạt giá trị >0.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa đa dạng hóa thu nhập và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 28 - 31)