CHƯƠNG 5 : KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
5.2. Hàm ý chính sách đối với Công ty niêm yết
Kết quả nghiên cứu cho thấy đòn bẩy tương đối có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất sinh lợi vượt trội của cổ phiếu đã niêm yết. Vì vậy, các nhà quản trị công ty niêm yết cần có sự quan tâm thích đáng đến quản trị nợ của công ty. Từ kết quả
nghiên cứu trên, công ty có thể tăng nợ vay nhằm tận dụng tốt đòn bẩy tài chính trong việc tác động tăng tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu. Tuy nhiên, do đặc thù lĩnh vực kinh doanh, mỗi công ty sẽ có đòn bẩy mục tiêu khác nhau, do đó các nhà quản trị cũng cần phải xem xét đến gánh nặng chi phí lãi vay, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản nhằm giảm thiểu chi phí kiệt quệ tài chính khi sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Đồng thời, thông qua tốc độ điều chỉnh hướng về đòn bẩy mục tiêu mỗi năm, từ đó các nhà quản trị doanh nghiệp có thể xác định được đòn bẩy thị trường quan sát được của công ty hiện đang ở đâu so với đòn bẩy mục tiêu. Từ đó, họ sẽ có chính sách nợ phù hợp, ví dụ: trường hợp đòn bẩy thị trường quan sát được của công ty nhỏ hơn đòn bẩy mục tiêu thì các nhà quản trị tăng cường việc sử dụng nợ nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đòn bẩy thị trường quan sát được và đòn bẩy mục tiêu và tương tự cho trường hợp còn lại.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng tỷ số B/M có quan hệ thuận chiều với tỷ suất sinh lợi vượt trội của cổ phiếu, khi giá trị sổ sách của vốn cổ phần cao hơn giá trị thị trường của vốn cổ phần, bằng cách tăng vốn hoặc giữ lại lợi nhuận sau thuế hàng năm giúp công ty tăng tỷ suất sinh lợi vượt trội.