Sự cần thiết phải mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam chi nhánh tỉnh đồng tháp (Trang 32 - 34)

1.3.2.1. Mở rộng tín dụng là điều kiện để phát triển kinh tế nông thôn

Để có điều kiện phát triển các ngành nghề, trang trại, mô hình sản xuất góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, vấn đề tiên quyết là phải có vốn. Việc mở rộng tín dụng nông nghiệp sẽ góp phần tích cực vào công cuộc này, tạo điều kiện cho người dân có đủ vốn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và các phương tiện sản xuất hiện đại hơn, chắc chắn hơn cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

1.3.2.2. Nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực này còn hạn chế

Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế trong giai đoạn 2011 – 2017. Nếu như giai đoạn từ năm 2001 – 2011, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp thì trong giai đoạn 2011 – 2017, diễn biến hoàn toàn ngược lại. Đặc biệt là trong năm 2012, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp tăng mạnh gần bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Tính đến hết năm 2013, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đã tăng gấp 2 lần và đạt 231.338 tỷ đồng. (Số liệu chi tiết tại Phụ lục 01).

Mặc dù nguồn vốn tín dụng liên tục tăng nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% thì đa số các ngân hàng đều có dư nợ cho vay thấp đối với lĩnh vực này. Chính vì thế, khu vực NoNT vẫn thiếu cả vốn dành cho sản xuất kinh doanh cũng như vốn dành cho đời sống sinh hoạt, thị trường tín dụng đen vẫn còn nhiều đất sống,...

Những năm gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới trong liên kết sản xuất nông nghiệp như mô hình 4 nhà (nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà nông, nhà sản xuất chế biến và tiêu thụ), cánh đồng mẫu lớn,... theo đó tín dụng trở thành một khâu quan trọng, thậm chí đóng vai trò then chốt trong vận hành các mô hình này.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các mô hình này vẫn là chưa làm rõ được vai trò và vị trí của hộ nông dân, theo đó, thiếu biện pháp cụ thể đảm bảo lợi ích thích đáng của hộ nông dân trong mô hình liên kết sản xuất mới nói riêng, trong chuỗi giá trị nông nghiệp và nền kinh tế nông nghiệp nói chung.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những khó khăn về tiếp cận tín dụng nói riêng, có vốn để sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt nói chung song tựu trung lại là những hạn chế nằm trong phương thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay gắn với vấn đề thu nhập thấp, nghèo nên thiếu vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu... cũng vì

nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, phải vay vốn với lãi suất thực tế cao hơn,... nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển NoNT.

Chính vì thế, nếu tạo ra cơ chế hỗ trợ việc mở rộng tín dụng nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển sản xuất kinh doanh và khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ có thể thu hẹp.

Bên cạnh những chiến lược, chính sách phát triển NoNT, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động... thì giải pháp để giải quyết ngay vấn đề vốn cho NoNT và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam chi nhánh tỉnh đồng tháp (Trang 32 - 34)