Chi nhánh phải thực hiện giám sát toàn bộ việc thực hiện quy trình tín dụng trong đó chú trọng việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay, giám sát việc chấm điểm khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.Yêu cầu của công tác giám sát: Mọi hoạt động theo các bước của quy trình tín dụng phải đạt được các yêu cầu, cụ thể:
- Kiểm tra trước khi cho vay là nền tảng thẩm định hiệu quả phương án vay vốn, đo lường, dự báo nguy cơ rủi ro tín dụng có thể xảy ra. Kiểm tra trước khi cho vay phải đảm bảo thu thập những thông tin tối thiểu như: Tư cách và năng lực pháp lý; Lịch sử hoạt động, mô hình tổ chức và bố trí lao động của khách hàng, năng lực quản trị điều hành; Thông tin chung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp như triển vọng ngành, khách hàng tiềm năng, các đối thủ cạnh tranh, mức độ cạnh tranh; Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng bao gồm năng lực sản xuất, khả năng cung cấp nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào, phương thức tiêu thụ và mạng lưới phân phối, sản lượng và doanh thu. Qua phân tích trước khi cho vay, CBTD phải đánh giá được lợi ích cũng như rủi ro của ngân hàng trong quan hệ với khách hàng, tiềm năng của khách hàng có thể khai thác.
- Kiểm tra trong khi cho vay đảm bảo việc giải ngân được thực hiện đúng theo phê duyệt cấp tín dụng và hợp đồng tín dụng đã ký. Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ giải ngân, đảm bảo giải ngân đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật.
- Kiểm tra sau cho vay phải đảm bảo nắm vững và theo dõi sát sao tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng xem việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không, mô tả thực tế sử dụng vốn vay so với các chứng từ đã xuất trình hoặc dự kiến ban đầu. Những thay đổi trong hoạt động kinh doanh, bộ máy quản lý, tình hình tài chính của khách hàng phải được xem xét đánh giá mức độ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Bảo đảm ngân hàng phải quản lý được nguồn doanh thu của khách hàng kiểm soát được nguồn trả nợ.