Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng được hiểu là đường lối, chủ trương do hội đồng quản trị
ban hành, hướng dẫn, kiểm tra định hướng hoạt động tín dụng ngân hàng nhằm đảm bảo cho hoạt động tín dụng đi đúng quỹ đạo. Các điều khoản của chính sách tín dụng được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như các điều kiện kinh tế, chính sách tiền tệ và tài chính của NHNN, khả năng về vốn của ngân hàng và nhu cầu tín dụng của khách hàng. Khi các yếu tố này thay đổi, chính sách tín dụng cũng thay đổi theo. Tùy theo mỗi đối tượng khách hàng, ngân hàng có thể đưa ra các chính sách khác nhau cho phù hợp. Hoạt động tín dụng của mỗi NHTM đều căn cứ, tuân thủ và xuất phát từ chính sách tín dụng của ngân hàng.
Chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút được khách hàng, từ đó sẽ đảm bảo khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng dựa trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ
chấp hành quy định Pháp luật và đường lối của NHTW, đảm bảo công bằng xã hội. Vì vậy, khi ngân hàng xây dựng được một chính sách tín dụng đảm bảo được lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với quy định của pháp luật và thị trường sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng phải thường xuyên được cập nhật để phù hợp với mục tiêu và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bất cứ NHTM nào muốn có chất lượng tín dụng tốt đều phải có chính sách tín dụng phù hợp, rõ ràng và đúng đắn.
Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng là hướng dẫn để thực hiện và kiểm soát quá trình cấp phát tín dụng, là các bước đi cụ thể bắt đầu từ khâu tiếp nhận hồ sơ vay, thẩm định khách hàng, phê duyệt và giải ngân, kiểm tra quá trình cho vay đến khi thu hồi được nợ vay, đồng thời nêu rõ quyền hạn và nghĩa vụ của từng người, từng bộ phận trong việc giải quyết hồ sơ tín dụng.
Trong quy trình tín dụng, bước chuẩn bị cho vay rất quan trọng. Bước này bao gồm 3 giai đoạn: khai thác và tìm kiếm khách hàng; hướng dẫn khách hàng về điều kiện tín dụng và thành lập hồ sơ vay; phân tích thẩm định khách hàng và phương án, dự án vay vốn. Chất lượng tín dụng tùy thuộc nhiều vào chất lượng công tác thẩm định và quy định về điều kiện, thủ tục cho vay của từng ngân hàng thương mại.
Kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay giúp cho ngân hàng nắm được diễn biến của khoản tín dụng đã cung cấp cho khách hàng để có những hành động điều chỉnh can thiệp khi cần thiết, sớm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra. Việc lựa chọn và áp dụng có hiệu quả các hình thức kiểm tra sẽ thiết lập được một hệ thống phòng ngừa hữu hiệu, giảm rủi ro tín dụng, nói cách khác sẽ nâng cao chất lượng tín dụng.
Thu hồi và giải quyết nợ là khâu quyết định đến chất lượng tín dụng. Sự nhạy bén của ngân hàng trong việc kịp thời phát hiện những biểu hiện bất lợi xảy ra đối với khách hàng cũng như những biện pháp xử lý kịp thời, tư vấn cho khách hàng sẽ giảm thiểu được những khoản nợ quá hạn và điều đó sẽ có tác dụng tích cực đối với hoạt động tín dụng.
Thông tin tín dụng
Thông tin có vai trò quan trọng trong quản lý chất lượng tín dụng. Nhờ có thông tin tín dụng, thông tin ngành, người quản lý có thể đưa ra những quyết định cần thiết liên quan đến cho vay, theo dõi và quản lý khoản vay. Số lượng, chất lượng thông tin thu thập được có liên quan đến mức độ chính xác trong việc phân tích, nhận định khách hàng... để đưa ra quyết định phù hợp. Thông tin tín dụng càng nhanh, đầy đủ, chính xác và kịp thời, toàn diện thì khả năng ngăn ngừa rủi ro càng lớn, chất lượng tín dụng càng cao.
Thông tin tín dụng có thể thu thập được từ rất nhiều nguồn: từ trung tâm tín dụng của NHNN, từ phòng thông tin tín dụng của các NHTM, qua báo chí, các tổ chức nghề nghiệp, qua việc cán bộ tín dụng trực tiếp thu thập tại cơ sở sản xuất kinh doanh của khách hàng, qua báo cáo tài chính của khách hàng.
Chất lượng nguồn nhân lực
Con người bao giờ cũng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và quản trị chất lượng tín dụng nói riêng. Lý do là vì cán bộ tín dụng là người tham gia trực tiếp vào mọi khâu của quy trình tín dụng, từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng.
Chính vì vậy, cán bộ tín dụng nếu không có đạo đức nghề nghiệp, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái pháp luật ngay lập tức ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Trong công tác tín dụng đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng, có kinh nghiệm đánh giá tính khả thi về tình hình tài chính của khách hàng, phương án sản xuất kinh doanh, xác định tính chân thực của báo cáo tài chính, phát hiện những hành vi cố tình lừa đảo của khách hàng. Ngoài ra, cán bộ tín dụng cũng phải có hiểu biết sâu rộng về các vấn đề kinh tế vĩ mô như luật pháp, môi trường kinh tế xã hội… và có khả năng dự báo những biến động có thể xảy ra để tư vấn cho khách hàng trong việc kiểm soát và phòng ngừa rủi ro.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Đây là hoạt động mang tính bắt buộc và thường xuyên đối với mọi ngân hàng. Kiểm soát chính sách tín dụng và các thủ tục có liên quan đến các khoản vay (thẩm
quyền về điều hành, quản lý, giám sát các khoản tiền cho vay, hồ sơ, thủ tục cho vay…). Thông qua kiểm soát nội bộ giúp cho nhà lãnh đạo ngân hàng nắm được tình hình hoạt động kinh doanh đang diễn ra, phát hiện những thuận lợi, khó khăn, sai trái từ đó đề ra các biện pháp giải quyết kịp thời.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ càng độc lập, thường xuyên sẽ càng làm cho hoạt động tín dụng đúng hướng, thực hiện đúng các nguyên tắc trong quy trình tín dụng. Chất lượng tín dụng tùy thuộc vào mức độ phát hiện kịp thời nguyên nhân các sai phạm phát sinh, các gian lận trong quá trình cấp tín dụng và sự khắc phục sai sót có nghiêm túc và kịp thời không.
Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát sẽ tìm ra những tồn tại và đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình tín dụng góp phần đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng
Do mỗi ngân hàng hay chi nhánh ngân hàng đều bị áp lực về lợi nhuận, gia tăng doanh số cho vay, mở rộng thị phần… các NHTM trên cùng một địa bàn hoặc giữa các chi nhánh ngân hàng trong cùng hệ thống có sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau trong việc lôi kéo khách hàng, không tuân thủ quy trình tín dụng trong cho vay, cho vay không phù hợp với chủ trương, chính sách và quy định của ngân hàng. Chính điều này góp phần làm cho hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn và chất lượng tín dụng của ngân hàng bị ảnh hưởng.