7. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.3.1. Kinh nghiệm từ các NHTM trong nước
- Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh Đồng Nai (Agribank Đồng Nai):
Agribank Đồng Nai đã xây dựng hàng loạt đề án và kế hoạch về mở rộng đầu tư tín dụng hiệu quả cho “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã phát huy hiệu quả khá cao, dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng qua từng năm và luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ. Tính riêng thời điểm năm 2010 dư nợ nông nghiệp, nông thôn của Agribank Đồng Nai đạt hơn 4.500 tỉ đồng (chiếm 65% tổng dư nợ), tỉ trọng này tăng dần qua từng năm, đến cuối 2017 dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 92% tổng dư nợ, đạt gần 14.000 tỉ đồng.
Năm 2018, Agribank Đồng Nai tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Chính phủ, các lĩnh vực Agribank có thế mạnh
như tín dụng bán lẻ, tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, mở rộng cho vay các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn, đưa tỉ lệ dư nợ trung dài hạn trên tổng dư nợ đến cuối năm đạt kế hoạch được giao; triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cho vay qua tổ nhóm đối với các khoản vay nhỏ, giảm tải trọng tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
Đặc biệt Agribank Đồng Nai đã thực hiện giải pháp đánh giá nhu cầu vay vốn của khách hàng, phân tích theo từng loại hình khách hàng, từng ngành nghề đầu tư và thế mạnh của từng địa phương, đặc biệt đối với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để xây dựng đề án tiếp cận, áp dụng chính sách tín dụng phù hợp, mở rộng tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ trang trại và các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ quy mô lớn nhằm tăng trưởng tín dụng một cách chủ động thực hiện có hiệu quả.
Còn đối với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agibank): Với dự báo về môi trường kinh doanh những tháng cuối năm 2018: tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6.71%; Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12.11%; Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1.2 tỉ USD; Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3.93% - trong điều kiện vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, không thuận lợi của cả khách quan và chủ quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; Hội đồng thành viên và Ban điều hành Agribank xác định nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu những tháng cuối năm 2018 cần tập trung triển khai:
+ Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng, cơ chế quản trị điều hành liên quan đến hoạt động tín dụng có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoạt động kinh doanh.
+ Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng làm cơ sở cho việc tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu.
+ Đẩy mạnh phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với UBND, Hội nông dân, Hội phụ nữ, cho vay qua tổ lưu động.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017- 2022 theo chỉ đạo của NHNN về thí điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14.
+ Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tín dụng. + Tiếp tục đầu tư sản xuất thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. + Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ quy trình nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các khoản vay vượt quyền phán quyết.
+ Thường xuyên rà soát các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, các khoản nợ bán cho VAMC.
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Chủ tịch HĐQT của Vietcombank yêu cầu toàn hệ thống phải tập trung bám sát chỉ đạo của NHNN và định hướng chỉ đạo điều hành của Ban lãnh đạo: nhất quán quan điểm kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 và các năm tiếp theo, định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát giám sát chặt chẽ các lĩnh vực dư nợ tiềm rủi ro; kiểm soát tỉ trọng, tăng trưởng dư nợ lĩnh vực cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng; tiếp tục chuyển dịch kinh doanh theo 3 trụ cột đã định hướng từ đầu năm 2018.
Hệ thống công nghệ thông tín tín dụng của Vietcombank không ngừng được hiện đại hóa: đến tháng 9 năm 2018 Vietcombank đã hoàn thành xây dựng các mô hình lượng hóa "Xác suất vỡ nợ" (PD), "Tổn thất khi vỡ nợ"(LGD) và "Dư nợ tại thời điểm vỡ nợ" (EAD) đối với danh mục khách hàng bán lẻ. Đây là ba mô hình lượng hóa ba tham số rủi ro chủ chốt gồm là nền tảng quan trọng để Vietcombank hướng tới áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ nâng cao, phương pháp đo lường rủi ro tiên tiến nhất theo Basel II. Mô hình được xây dựng theo chuẩn mực của thông lệ quốc tế và được phát triển cho các phân khúc sản phẩm cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh, cho vay bất động sản cá nhân và cho vay tiêu dùng, với mức độ bao phủ hầu hết danh mục tín dụng bán lẻ của Vietcombank. Trong thời gian tới Vietcombank sẽ ứng dụng kết quả mô hình vào hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro, bao gồm phê duyệt tín dụng, định giá khoản vay dựa trên rủi ro, quản trị danh mục,...
Không chỉ vậy, tháng 10 năm 2018 Vietcombank tiếp tục hoàn thành xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng (Early Warning System - EWS). Đến nay hệ thống đã được triển khai và đưa vào ứng dụng trong thực tế với một số tính năng như tự động cung cấp danh sách khách hàng tiềm ẩn rủi ro để đơn vị kinh doanh, bộ phận rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ phối hợp rà soát; cài đặt sẵn một số một biện pháp ứng xử phù hợp, tương ứng với mức độ rủi ro của khách hàng để các bộ phận kinh doanh chủ động lựa chọn và triển khai kịp thời. Để tối đa hóa hiệu quả EWS, Vietcombank cũng đã ban hành khung chính sách về cảnh báo sớm, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, quy trình thực hiện và cơ chế vận hành, đảm bảo trao đổi, cập nhật thường xuyên giữa các bộ phận nghiệp vụ về dấu hiệu rủi ro, các thuật toán phù hợp với sự biến đổi liên tục và phức tạp từ thực tế.
Trong các năm qua, Vietcombank là ngân hàng có danh mục tín dụng minh bạch và có chất lượng tốt nhất, mà một trong các nguyên nhân quan trọng là thực hiện kiểm soát từ sớm các khoản nợ nhóm 2 (tăng cường công tác quản lý, tích cực rút giảm dư nợ…). Với việc triển khai hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, ứng dụng với các khoản nợ từ nhóm 1, Vietcombank sẽ tăng cường chủ động quản lý và kiểm soát toàn diện danh mục tín dụng, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Vietcombank.