3.1.1.1 Vị trí địa lý
Thạch Thất là huyện thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35 km.
Phía Bắc và phía Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ. Phía Nam và phía Đông Nam giáp huyện Quốc Oai. Phía Tây giáp thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.
Phía Tây Nam giáp huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.
Đây là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng. Nổi tiếng nhất có chùaTây Phương ở xã Thạch Xá và cũng là vùng đất có nhiều làng nghề nhất Hà Nội hiện nay như xã Chàng Sơn nổi tiếng về nghề làm quạt và đồ mộc, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt Phùng Xá…Huyện cũng còn lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống múa rối nước. Thạch Thất còn là quê hương của nhiều danh nhân như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà viết kịch Tào Mạt, nhà thơ BằngViệt, võ sư Nguyễn Lộc...
Từ ngày 01/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 29/5/2008. Theo đó, Thạch Thất là một huyện thuộc thành phố Hà Nội. Ngày 01/8/2008, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định số 19/QĐ-UBND về việc tạm giao toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số ba xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về huyện Thạch Thất quản lý.
Sau khi xác lập địa giới hành chính huyện Thạch Thất có 23 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thị trấn và 22 xã.
3.1.1.2 Địa hình, địa mạo
Huyện Thạch Thất là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng. Nhìn chung địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và có các dạng địa hình chính:
-Dạng địa hình đồng bằng: phân bố trên địa bàn 11 xã, tập trung bên bờ trái sông Tích, địa hình khá bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng từ 3 đến 10 m so với mặt biển. Nền địa chất khá đồng nhất, tầng đất hầu hết dày trên 1 m, thỉnh thoảng có nơi xuất hiện đá ong ở tầng sâu. Trong khu vực cũng có nhiều điểm trũng tạo thành các hồ đầm nhỏ.
-Dạng địa hình bán sơn địa, đồi gò: có trên địa bàn 9 xã, độ cao trung bình so với mặt biển từ 10 m đến hơn 15 m. Có nhiều đồi độc lập, thấp, thoải, độ dốc trung bình 3-8o, đã hình thành nhiều hồ thuỷ lợi nhỏ và vừa, tiêu biểu là hồ Tân Xã. Đất phát triển trên nền đá đã phong hoá nhiều nơi có lớp đá ong ở tầng sâu 20 - 50 cm.
3.1.1.3 Khí hậu, thời tiết
Huyện Thạch Thất nằm trong vùng khí hậu đồng bằng Bắc Bộ mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa Đông lạnh, mùa Hè nóng ẩm mưa nhiều.
-Nhiệt độ: nhiệt trung bình trong năm khoảng 23,40 C, trong đó cao nhất lên tới trên 37,50 C và thấp nhất là 50 C. Số giờ nắng: trong năm trung bình là 1.680 giờ, năm cao nhất là 1.700 giờ, năm thấp nhất 1.460 giờ.
-Lượng mưa: bình quân năm là 1.628 mm, cao nhất là 2.163 mm và thấp nhất là 1.519 mm. Lượng mưa phân bố trong năm không đồng đều, mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 85% tổng lượng mưa cả năm, lượng mưa ngày lớn nhất có thể lên tới 336 mm.[23]
4.1.1.4 Thủy văn
-Nước mặt: Nguồn nước mặt chủ yếu trong khu vực được cung cấp bởi sông Tích, kênh dẫn nước Đồng Mô - Ngài Sơn, Phù Sa. Nước mưa được lưu giữ trong các ao hồ, chủ yếu là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ.
-Nước ngầm: Được chia làm hai khu vực. Vùng gò đồi phía phải sông Tích có mực nước ngầm khá sâu, kết quả khoan thăm dò ở Hòa Lạc thấy nước ngầm ở độ sâu 70 - 80m, lượng nước này không lớn nhưng có chất lượng tốt. Vùng đồng bằng phía trái sông Tích có mực nước ngầm nông và khá dồi dào, hầu hết các giếng khơi sâu trên 8m đều có nước, nhiều giếng có nước ở độ sâu 5m.
3.1.1.5. Tài nguyên thiên nhiên a) Tài nguyên đất
Huyện Thạch Thất là khu vực khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Các khoáng sản chính chỉ có: sét để sản xuất gạch ngói, đá ong. Sét có nhiều ở Đại Đồng; đất để sản xuất vật liệu xây dựng phân bố ở nhiều nơi những tập trung nhiều ở Cẩm Yên, Đồng Trúc, Đại Đồng; đất, đá, đá bazan tại các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Đá ong phân bố dọc tỉnh lộ 420, chủ yếu tập trung ở xã Bình Yên, Thạch Hoà. Diện tích rừng lớn với 2607,24 ha đất rừng, chiếm 11% tổng diện tích tự nhiên nhưng tính đa dạng sinh học không cao. Phần lớn là rừng trồng tập trung tại các xã mới sáp nhập về Thạch thất (72%) là Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, một phần là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Ba Vì. Tài nguyên nước trước đây dồi dào nhưng những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm và suy giảm, đặc biệt là các nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiện.
b) Tài nguyên nước
- Nước mặt: nguồn nước mặt được cung cấp chủ yếu bởi sông Tích, kênh dẫn nước Đồng Mô - Ngải Sơn, Phù Sa. Nước mưa được lưu giữ trong các ao hồ (trong đó có các hồ thuỷ lợi nhỏ và vừa) để rồi cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Nước sinh hoạt của nhân dân được lấy từ nước mưa, giếng khơi, giếng khoan, hệ thống cấp nước tập trung.
-Các xã vùng núi (Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình) nguồn nước mặt là từ các suối nhỏ, nhìn chung độ dốc lớn, dòng chảy khá mạnh, đặc biệt là
vào mùa mưa. Sản xuất và sinh hoạt của nhân dân chủ yếu lấy từ nguồn nước này. Khu vực thung lũng bằng có một số công trình thủy lợi nhỏ (hồ xóm Nhòn, hồ suối Ngọc ở xã Tiến Xuân), các hồ ao nhỏ nằm rải rác. Nhiều suối nhỏ bắt nguồn từ hợp thủy, khe suối trên núi chảy qua các cánh đồng là nguồn cung cấp nước cho cánh đồng.
c) Tài nguyên nhân văn
Thạch Thất là vùng đất cổ, được khai phá từ thời xa xưa, tên huyện có từ thời thuộc Hán. Từ xưa, trong huyện có nhiều người thi cử và đỗ đạt cao, giữ những trọng trách lớn trong các triều đại phong kiến. Trong đó nhiều người được lưu danh trong sử sách, tiêu biểu là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (thế kỷ XVI).
Thạch Thất là huyện có nhiều di tích lịch sử - tôn giáo, với 98 di tích đình, chùa, đền, miếu, trong đó có 30 di tích đã được xếp hạng. Chùa Tây Phương là công trình di tích lịch sử được xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia. Trong huyện có nhiều làng nghề truyền thống, đồng thời cũng là một trong những cái nôi của: múa rối nước, hát chèo, vật cổ điển... Hàng năm nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Gắn liền với các di tích là lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Thạch Thất là nơi sản xuất ra nhiều sản phẩm truyền thống đa dạng, phong phú, đồng thời là nơi có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Quy hoạch sử dụng đất cần khai thác triệt để các thế mạnh về tài nguyên nhân văn vào mục tiêu phát triển kinh tế của huyện và khu vực.
d) Tài nguyên khoáng sản
Thạch Thất nghèo tài nguyên khoáng sản. Các khoáng sản chính chỉ có: sét để sản xuất gạch ngói, đá ong. Sét có nhiều ở xã Đại Đồng, đất để sản xuất vật liệu xây dựng phân bố ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều ở các xã: Cẩm
Yên, Đồng Trúc, Đại Đồng. Đá ong phân bố dọc tỉnh lộ 420, chủ yếu tập trung ở xã Bình Yên.
Việc khai thác các nguồn tài nguyên trên cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể, tránh hiện tuợng khai thác tự phát có thể làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường
đ) Tài nguyên rừng
Diện tích rừng trên địa bàn huyện Thạch Thất là 2.753,94 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình với 2.471,09 ha (bằng 89,7%). Tại đây diện tích rừng nhiều, tập trung bao gồm cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Diện tích rừng phòng hộ có 346,03 ha tập trung chủ yếu ở xã Tiến Xuân với 301,03 ha. Diện tích rừng đặc dụng với 611,30 ha có ở Yên Trung và Yên Bình. Diện tích rừng sản xuất chiếm tới gần 70% tổng diện tích rừng. Cây rừng bao gồm tre, nứa, các loại gỗ tạp là chính, các loại gỗ quý còn rất ít. Động vật tự nhiên còn ít, là các thú nhỏ, các loài chim.
Những năm gần đây diện tích rừng trên địa bàn huyện bị thu hẹp khá nhanh do việc thực hiện các công trình, dự án lớn.