ứng xử của cộng đồng đối với môi trường
Hành vi của mỗi cá nhân hoặc một nhóm người là cầu nối giữa hệ tự nhiên và hệ xã hội (Byers, 2000). Bởi lẽ đó giữa hành vi và môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) có những mối liên hệ qua lại, gắn bó mật thiết với nhau và chi phối lẫn nhau theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Mọi nỗ lực bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở một địa phương cụ thể phải hướng đến duy trì và phát huy các hành vi đảm bảo cho hệ tự nhiên những tiền đề cho sự phát triển bền vững; đồng thời xóa bỏ các lối ứng xử không thân thiện với môi trường.
Năm 2008, tại xã Việt Hồng, rừng phòng hộ đầu nguồn được giao cho một số hộ gia đình sống gần rừng - có hoàn cảnh khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gắn liền với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc gia tăng các quyền hưởng lợi từ rừng không đồng nghĩa với việc tăng nguồn lợi kinh tế từ rừng. Hầu hết các hộ nhận khoán là hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, nên họ thiếu nguồn lực để khai thác và hưởng lợi từ diện tích rừng nhận khoán hoặc không có khả năng chuyển các lợi ích từ rừng và đất rừng thành lợi ích kinh tế; họ cũng không nắm rõ quy định của pháp luật bảo vệ phát triển rừng, vấn đề nhãn tiền của họ chỉ là giải quyết nhu cầu kinh tế. Điều đáng nói là trong khi các nhu cầu về gỗ củi, cây thuốc và sản vật từ rừng ngày một gia tăng và việc khai thác các lâm sản này mang lại cho hộ gia đình nguồn thu đáng kể thì tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng lại ở mức rất khiêm tốn, từ 50.000 - 100.000 đồng/ha/năm, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào khả năng chi trả của ngân sách địa phương. Con số này quá nhỏ so với lợi ích từ việc khai thác trái phép tài nguyên rừng và không đủ để nhóm nghèo từ bỏ việc xâm hại và phá rừng.
Bắt đầu từ năm 2010, chính sách quản lý tài nguyên rừng của chính phủ lại có sự thay đổi. Bên cạnh khoản tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, người dân tham gia khoán bảo vệ rừng được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; ngoài khoản tiền mặt hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (tăng lên 200.000 - 400.000 đồng/ha/năm từ tháng 11/2015), người dân được phép thu hái một số lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ và lâm sản tỉa thưa trong giới hạn quy định. Khi triển khai tại xã Việt Hồng, rừng phòng hộ đầu nguồn lại được chuyển sang giao khoán bảo vệ cho cả cộng đồng thôn/bản.
Cũng như nhiều bản khác, bản Nả đã nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ ở khu vực gần bản. Tổ bảo vệ rừng của bản đã được thành lập, tổ đại diện cho cộng đồng triển khai công tác tuần tra bảo vệ rừng. So với phương thức khoán cho từng hộ gia đình; phương thức khoán cho cả cộng đồng bản đã dẫn tới sự không đồng thuận trong triển khai do nhận thức và mức độ hưởng lợi khác nhau. Người dân nhận thức rằng; với chính sách này kiểm lâm địa bàn có thêm lực lượng hỗ trợ bảo vệ rừng tại chỗ, nên càng ít đi rừng mà chỉ nhận thông tin qua tổ bảo vệ rừng (mục 3.2.2b); bởi vậy họ coi tổ bảo vệ rừng như “bức bình phong”, nếu được tổ thông cảm cho khai thác để sử dụng trong gia đình thì không phải lo sợ kiểm lâm địa bàn (mục 3.2.2c). Với thành viên tổ bảo vệ rừng; động cơ họ tham gia vào tổ là để có thêm nguồn thu nhập từ tiền nhận khoán, đồng thời được ưu tiên nhận hỗ trợ cây con giống (mục 3.2.2a); nếu có việc bận có thể cử người nhà đi tuần tra thay (mục 3.2.2b). Sự phân hóa về văn hóa ứng xử của các bên liên quan càng thể hiện rõ khi tham vấn ý kiến của các bên về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên rừng (bảng 3.8). Thêm điểm đáng lưu ý là đối với phương thức khoán bảo vệ rừng này; cộng đồng mà đại diện là ban quản lý bản thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng và hưởng lợi từ việc nhận khoán theo các điều khoản quy định tại hợp đồng khoán với bên giao khoán. Tuy nhiên, hợp đồng khoán hiện tại rất ngắn gọn và thiếu chi tiết, khiến ban quản lý bản Nả không nắm rõ các quyền và trách nhiệm của cộng đồng bản.
Như vậy; tính hiệu quả trong thực thi chính sách QLR dựa vào CĐ ở bản Nả còn chưa cao. Mặc dù đã tiến hành phân quyền, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng; nhưng vẫn không tránh khỏi lối mòn phục vụ lợi ích kinh tế của một nhóm ưu thế, chứ không hướng đến lợi ích chính đáng của số đông người dân dễ bị tổn thương bởi chính sách bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên. Nguyên nhân của vấn đề cũng đã được Colchester chỉ ra khi nghiên cứu quản lý rừng bền vững ở Đông Nam Á; đó là: Khi quyền của cộng đồng bị suy giảm và quyền của từng cá nhân riêng rẽ được tăng cường thì việc quản lý tài nguyên rừng theo truyền thống bị ảnh hưởng tiêu cực (Colchester, 1995).