Kiến thức bản địa liên quan đến tài nguyên rừng của ngƣờ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng trên địa bàn xã việt hồng, huyện trấn yên, tỉnh yên bái​ (Trang 37 - 39)

bản Nả

3.1.2.1. Kiến thức bản địa trong sử dụng tài nguyên rừng

Người Tày bản Nả tự nhận mình là “cần Tày cốc đin mác nhả” (người Tày gốc cây hạt cỏ) để nói lên mối quan hệ gắn bó giữa tộc người với môi trường rừng núi xung quanh. Rừng vừa là không gian sinh tồn, vừa cung cấp lương thực thực phẩm để nuôi sống con người và là nơi con người khai thác các loại nguyên liệu để làm nhà, làm các loại công cụ lao động phục vụ cho cuộc sống. Tùy theo nhu cầu của cuộc sống cũng như nhịp độ mùa vụ mà người Tày ở đây có những khoảng thời gian khác nhau để khai thác những sản vật khác nhau của rừng. Cụ thể: Mùa xuân đi tìm đất làm nương, mùa hạ đi lấy rau rừng, mùa thu đi hái măng, hái nấm, mùa đông đi lấy gỗ, săn bắn. Vòng quay bốn mùa của thời tiết đã tạo nên tập quán khai thác các sản vật từ rừng dựa trên chu kỳ sinh trưởng, phát triển của các loài lâm sản.

Những năm 60; khu rừng núi Nả còn là rừng già, trữ lượng gỗ lớn với nhiều loại gỗ quý như Lim, Sến, Lát, Táu... Đây là nguồn nguyên liệu làm nên những ngôi nhà sàn vững chắc cho người Tày ở địa phương. Theo kinh nghiệm, muốn gỗ tốt, bền thì phải khai thác vào mùa thu đông; nếu chặt vào mùa hè thì gỗ hay bị mọt do thời tiết nóng. Không nên khai thác gỗ vào mùa xuân vì đây là mùa sinh trưởng của cây, các chất trong cây tập trung vào nuôi lá, cành dẫn đến gỗ kém bền. Hơn nữa mùa xuân cũng là mùa đâm chồi của cây non, nếu đốn gỗ sẽ làm ảnh hưởng đến những mầm chồi của thảm thực vật và tầng tán thấp nhất của rừng.

Sống ở nơi vốn được coi là “rừng thiêng nước độc”, tri thức về sử dụng các loài dược liệu tại chỗ trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người Tày bản Nả hết sức phong phú. Từ những bệnh đơn giản đến những bệnh nặng, mãn tính đều có những cây thuốc quý trong rừng có thể chữa trị được.

Với người Tày ở bản Nả, hái lượm rau rừng, măng là công việc dành riêng cho phụ nữ, thường kết hợp khi làm rẫy, chăn trâu, lúc rỗi rãi... Vào mùa xuân hàng năm, khi măng Nứa, Giang ở địa phận rừng bản bắt đầu nhú ngọn, thì dân bản nghiêm cấm việc đào măng. Khi măng mọc được từ 15 đến 20 ngày, thì người dân trong bản mới được đi lấy măng trong thời gian từ 1 đến 3 ngày tùy theo măng nhiều hay ít; do đó một vụ măng cũng phải đóng cửa rừng 5 - 6 lần. Trong năm măng mọc dài suốt ba vụ xuân, hạ, thu. Ngoài nguồn măng; rừng còn cung cấp nhiều loài rau, loại cây có giá trị phục vụ việc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, tạo nên văn hóa ẩm thực phong phú và đặc sắc.

Bên cạnh khai thác nguồn gỗ, cây thuốc, măng, rau rừng là hoạt động săn bắn. Mục đích của đi săn, đi bẫy là tìm kiếm nguồn thức ăn tại chỗ và bảo vệ mùa màng, song đối với một số cá nhân đi săn còn là thú tiêu khiển. Họ không đi săn vào thời kỳ mùa xuân - mùa hạ; bởi đây là mùa sinh sản của thú rừng nên thịt thường gầy và hôi, ăn không ngon; kinh nghiệm này đã góp phần bảo vệ nguồn lợi động vật tự nhiên. Ngoài ra, mùa xuân - mùa hạ là mùa rắn rết (kẻ thù nguy hiểm nhất của người đi săn) đi kiếm mồi; mùa này thú rừng không bắt đèn, nhìn thấy ánh sáng đèn săn, thú thường bỏ chạy. Theo kinh nghiệm dân gian; mùa thu-mùa đông là thời kỳ phù hợp nhất cho việc đi săn; thợ săn thường lựa chọn từ ngày 17 âm lịch trở đi và thời điểm từ 6 đến 8 giờ tối để tiến hành săn bắt.

3.1.2.2. Kiến thức bản địa trong bảo vệ tài nguyên rừng

Ngoài việc quy định thời gian, mùa vụ sử dụng tài nguyên rừng; thì người dân bản Nả còn có những quy ước không thành văn trong việc quản lý rừng để bảo vệ lâu dài có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

Trước hết là việc quản lý rừng đầu nguồn trên núi Nả. Đây là những cánh rừng lớn có nhiều loài gỗ và động vật, có trữ lượng nước lớn cung cấp nước quanh năm cho dân bản. Chính vì thế bản cấm mọi người chặt phá bừa

bãi rừng để làm rẫy, mặc dù đây là loại rừng có chất đất tốt, độ mùn cao thuận lợi cho cây trồng phát triển. Hằng năm, vào dịp tết, lễ cả bản làm lễ cúng tạ ơn thần rừng, thần cây đã bảo vệ bản, cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, không bị thiên tai… Trong bản nếu ai chặt, đốt, phá cây rừng sẽ bị phạt nặng và tẩy chay ra khỏi bản.

Một khu rừng cấm khai thác gỗ cũng như làm rẫy đó là rừng thiêng (nghĩa địa). Theo hương ước, dân bản phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ rừng, nếu như có người ngoài làng vào rừng chặt trộm gỗ, người dân phát hiện được phải báo với ban lãnh đạo bản thu lại số gỗ đã chặt cùng với những phương tiện khai thác. Nếu người chặt trộm gỗ có ý ăn năn hối lỗi thì phải sắm 1 con lợn khoảng 20 - 30 kg cùng 2 con gà trống đến tạ lỗi và xin chuộc dụng cụ đã bị bắt. Số lợn và gà đó được làm thịt để thiết đãi ban lãnh đạo bản, các cụ già và đại diện các gia đình trong bản. Nếu không thực hiện tạ lỗi, thì sẽ bị dân bản xa lánh; nhà có việc, đặc biệt tổ chức mai táng cho người đã khuất sẽ không có ai đến hỗ trợ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng trên địa bàn xã việt hồng, huyện trấn yên, tỉnh yên bái​ (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(63 trang)