- Đánh giá tác động xã hộ
b. Lập kế hoạch theo phương pháp tham gia
3.2. Địa lý tự nhiên
Huyện Kim Bôi có tổng diện tích tự nhiên là 681 km2 (chiếm tới 14,6% diện tích toàn tỉnh), dân số trung bình lớn nhất tỉnh là 140.031 người với mật độ 206 người/km2 (bằng 1,2 lần mật độ dân số toàn tỉnh).
Huyện Kim Bôi nằm ở phần phía đông của tỉnh Hoà Bình, có vị trí ở vào khoảng 20o32’ - 20o49’ vĩ bắc và 105o22’ - 105o43’ kinh đông, phía bắc giáp huyện Lương Sơn, phía tây và tây bắc giáp các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hoà Bình, phía nam giáp huyện Lạc Thuỷ, phía đông giáp huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây.
Là một một huyện miền núi, địa hình Kim Bôi khá phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống khe và núi. Toàn huyện có tới 2/3 diện tích là đồi núi, độ cao trung bình so với mực nước biển là 310m, có độ nghiêng theo hướng từ tây bắc xuống đông nam. Tại Kim Bôi có một số vùng núi đá vôi, núi đá xanh, vách dốc thẳng đứng, với nhiều ngọn núi cao có khi tới hàng nghìn mét, cao nhất là đỉnh núi Cốt Ca (1.800m). Tại các vùng núi đá vôi, do kết quả của hiện tượng cacxtơ hoá nên có những hang động cổ xưa nối dài từ núi này sang núi khác.
Dựa vào địa hình, có thể chia huyện Kim Bôi thành ba vùng khác nhau:
- Vùng đông bắc gồm 7 xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Bắc Sơn, Hùng Tiến, Nật Sơn, Sơn
Thuỷ và Vĩnh Tiến. Vùng này chủ yếu là địa hình đồi thấp, núi đá vôi xen kẽ với các vùng đất hẹp, khá bằng phẳng, chạy dọc theo các chân đồi núi là các mảnh ruộng bậc thang nhỏ đứt đoạn.
- Vùng trung tâm gồm các xã: Vĩnh Đồng, Trung Bì, Thượng Bì, Hạ Bì, Kim Tiến,
Kim Bình, Kim Sơn, Nam Thượng, Kim Truy, thị trấn Bo... Vùng này địa hình chủ yếu là những cánh đồng, bưa bãi được bao bọc bởi những dãy núi, đồi thấp.
- Vùng ngoài gồm các xã: Tân Thành, Hợp Châu, Cao Thắng, Cao Dương, Long
Sơn, Thanh Lương, Thanh Nông, Hợp Thanh, thị trấn Thanh Hà... Đây là vùng tiếp giáp với đồng bằng, có những cánh đồng nhỏ bằng phẳng thuận lợi cho trồng lúa nước và cây ăn quả.
Kim Bôi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa mang nét đặc trưng của khí hậu miền Tây Bắc. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3, nhiệt độ trung bình từ 16 đến 22oC, khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày
và đêm cao.
Trong tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện thì diện tích đất nông nghiệp có 10.611 ha, chiếm 15,58%; diện tích đất lâm nghiệp có 22.563,8 ha, chiếm 33,15%; diện tích đất chuyên dùng có 2.463,5 ha, chiếm 3,62%; diện tích đất ở có 1.039,1 ha, chiếm 1,52%; diện tích đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá là 31.397,3 ha, chiếm 46,13%.
Đại đa số các loại đất được hình thành từ các loại đá trầm tích biến chất như phiến thạch, sa thạch, đá vôi, mácma trung tính. Các loại đất xói mòn trơ sỏi đá, đất feralít biến chất do trồng lúa nước và các loại đất phù sa sông suối chiếm diện tích không lớn.
Rừng ở Kim Bôi có nhiều loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, vàng tâm... Trong rừng còn có nhiều loài thú: hổ, báo, hươu, nai, vượn, khỉ, trăn, tê tê... Hiện nay, rừng Kim Bôi đã và đang dần dần được khôi phục, đất trống, đồi núi trọc dần được thay thế bằng màu xanh của cây rừng nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.
Thảm cỏ phân bố rải rác, nghèo nàn về chủng loại, chủ yếu là cỏ tranh và lau lách, được hình thành chủ yếu từ đất bỏ hoang hoá trong quá trình phát nương làm rẫy của con người.
Các loại khoáng sản ở Kim Bôi khá phong phú như: vàng, đồng, chì, than, nguồn nước khoáng tự nhiên... Các loại vàng, than có trữ lượng khá lớn, nằm rải rác trong huyện, hiện nay đã và đang được khai thác. Nguồn nước khoáng tự nhiên Kim Bôi rất giàu khoáng chất, có lợi cho sức khoẻ của con người, có giá trị chữa bệnh và gần đây đã được khai thác tốt, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Ngoài ra, ở huyện còn có trữ lượng đá vôi lớn là nguồn nguyên liệu xây dựng có giá trị.
Ở Kim Bôi có nhiều di tích, danh thắng tuyệt đẹp:
- Hang Làng Đồi nằm ở chân núi Đồng Thớt, thuộc xóm Đồi, xã Thanh Nông, có tầng văn hoá dày trung bình 3,8m, chủ yếu là vỏ ốc, vỏ trai pha lẫn đất sét vôi. Đây là nơi cư trú lâu dài của cư dân văn hoá Hoà Bình.
- Hang Đắng thuộc xóm Nội Sung, xã Hạ Bì, có tầng văn hoá dày 0,7m.
- Khu mộ cổ Đống Thếch, có diện tích trên 6 ha, nằm ở tây bắc Mường Động, thuộc địa phận xã Vĩnh Đồng, có niên đại từ năm 1651, là khu mộ cổ của dòng họ Đinh Công.
Ngoài ra còn một số di tích khác như: hang Khụ Thàng, hang Đủn Đỉn, mái đá Hạ Bì... đều là các di tích thuộc nền văn hoá Hoà Bình. Đây không chỉ là những chứng tích ghi dấu một thời kỳ lịch sử mà còn thể hiện truyền thống văn hoá lâu đời, thu hút khách du lịch đến với Kim Bôi.
3.3. Kinh tế
Trong cơ cấu kinh tế của huyện Kim Bôi, nông nghiệp là thành phần chủ đạo. Năm 2001, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 678,7 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 387,1 tỷ đồng.
Trong nông nghiệp, trồng trọt là ngành cơ bản với giá trị sản xuất đạt 271,9 tỷ đồng, chiếm 81,6% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong nhóm cây lương thực, cây lúa vẫn chiếm ưu thế về diện tích và sản lượng.
Ngành chăn nuôi chủ yếu phát triển theo hình thức hộ gia đình với quy mô nhỏ. Các loại gia súc thường được nuôi là trâu, bò. Chăn nuôi trâu, bò ở Kim Bôi có tiềm năng phát triển nhưng cần cải tạo giống theo hướng thương phẩm cho thịt, sữa, mặt khác huyện cũng cần có kế hoạch đầu tư xây dựng đồng cỏ, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng kết hợp chăn thả tự nhiên với cho ăn thức ăn bổ sung. Năm 2002, tổng đàn trâu, bò có 27.378 con, đàn lợn có 64.487 con.
Hiện nay, chăn nuôi của huyện chủ yếu tập trung vào phát triển đàn lợn. Đây là loại hình chăn nuôi phổ biến ở các hộ gia đình, tận dụng các sản phẩm thừa trong sinh hoạt của con người và phục vụ tiêu dùng của người dân trong huyện, chưa trở thành sản phẩm hàng hoá. Đàn lợn tăng trưởng với nhịp độ 6%/năm.
Chăn nuôi gia cầm khá phát triển trong huyện, nhưng cũng chỉ giải quyết nhu cầu tại chỗ. Theo kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2001, tổng đàn gia cầm toàn huyện là 553.335 con. Ngoài ra, ở huyện còn phát triển nuôi ong với 1.133 đàn. Chăn nuôi đại gia súc chủ yếu chỉ để tận dụng làm sức kéo.
Lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của huyện Kim Bôi, nhưng do việc khai thác rừng chưa hợp lý nên nguồn tài nguyên rừng ở đây ngày càng cạn kiệt. Diện tích đất có rừng của Kim Bôi là 22.564 ha, chiếm 33,1% tổng diện tích, trong đó rừng tự nhiên có 14.831 ha, rừng trồng có 7.732 ha. Mấy năm gần đây, nhờ các chương trình PAM, 327, dự án rừng đặc dụng, dự án 661, dự án rừng phòng hộ, dự án 5 triệu ha rừng cung cấp vốn cho việc trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là việc thi hành chủ trương đóng cửa rừng, nên diện tích trồng mới, khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm tăng lên. Năm 2000, toàn huyện trồng mới 1.330 ha, khoanh nuôi bảo vệ
4.708 ha. Khai thác lâm nghiệp của huyện chủ yếu là các loại lâm sản: gỗ, củi, bương, tre, măng...
Hệ thống các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong huyện đều đã được kiện toàn về tổ chức và hoạt động. Trong sản xuất, các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư máy móc thiết bị nên số lượng và chất lượng sản phẩm ngày một tăng lên, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Các cơ sở công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng khá. Đến năm 2002, huyện có 635 cơ sở công nghiệp ngoài quốc doanh, với các sản phẩm chủ yếu là: gạch nung, vôi củ, đá các loại. Tuy vậy, hàng hoá làm ra chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Về dịch vụ, thương mại, ngoài chợ thị trấn Bo, trên địa bàn huyện Kim Bôi còn có 10 chợ phân bố rải rác ở các tiểu khu trung tâm dân cư khác. Đây là những điểm nhấn về giao lưu hàng hoá, hoạt động thương mại trên địa bàn huyện Kim Bôi, tạo ra hành lang lưu thông hàng hoá từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao và giữa huyện Kim Bôi với bên ngoài.
Hệ thống dịch vụ nông nghiệp bao gồm các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trung tâm dịch vụ nông nghiệp... có vai trò cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ khác như tín dụng ngân hàng, vận tải hành khách, ăn uống, sửa chữa gia dụng... cũng được phát triển đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hệ thống giao thông của Kim Bôi đang dần dần được đầu tư nâng cấp, các trục đường chính đã được rải nhựa, còn lại là đường đá, cấp phối và đường đất, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Ngoài một bưu điện trung tâm đặt tại thị trấn Bo, trong huyện còn có 35 điểm bưu điện văn hoá xã, tổng số máy điện thoại hiện có là 1.179 máy, bình quân 8,7 máy/1.000 dân.