Theo Nguyễn Thị Thu Hồng (2015), hoạt động đăng ký đất đai tại Thụy Điển có nguồn gốc lâu đời, được điều chỉnh bởi các luật thành văn từ thế kỷ XIII. Hệ thống địa chính đã được hình thành vài thế kỷ XVI trên cơ sở các sổ địa chính do nhà vua ban hành từ năm 1530 để thu thuế. Kể từ thời điểm đó đất đai bắt đầu được đăng ký quyền sở hữu. Việc đăng ký đất đai nhanh chóng trở thành bước bắt buộc trong thủ tục giao dịch bất động sản trên thị trường. Trong những năm đầu thế kỷ XX, những dữ liệu đăng ký này đã được sử dụng để thiết lập việc đăng ký chính thức địa chính đất đai, thể hiện sự tồn tại của những đơn vị đất đai trong mỗi xã với sự phân định rõ ràng diện tích, mục đích sử dụng đất, nguồn gốc hình thành, bao gồm cả hợp thửa, tách thửa và những thông tin tham khảo khác liên quan đến các giao dịch và bản đồ đối với các đơn vị đất đai.
Tại Thụy Điển, hệ thống đăng ký đất đai có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Vì vậy, nó có thể kế thừa những thành tựu có sẵn và tiếp tục hoàn thiện mà không gặp trở ngại, cũng như nhanh chóng trở thành một hệ thống đơn giản nhưng hiệu quả. Hệ thống đăng ký đất đai của Thụy Điển được xây dựng trên cơ sở hoạt động đăng ký quyền sở hữu bất động sản nhằm xác lập một chế độ pháp lý rõ ràng cho từng đơn vị tài sản được đăng ký, trong đó, có sự thống nhất chặt chẽ giữa hoạt động lập bản đồ và hoạt động đo đạc địa chính với vấn đề đăng ký đất đai, cũng như có sự thống nhất giữa nó với các hệ thống thuộc các ngành, lĩnh vực khác. Ngoài ra ở Thụy Điển bằng cách sử dụng sự nhận dạng đơn vị đất đai thống nhất, thông tin đất đai đăng ký có thể dễ dàng kết hợp với những dữ liệu khác về thuế, về dân số, về quy hoạch, xây dựng và giá đất giao dịch... Từ đó, một hệ thống ngân hàng dữ liệu đất đai phong phú đã và đang được thiết lập trên cơ sở những đơn vị đất đai hợp pháp được đăng ký (Nguyễn Thị Thu Hồng, 2015).
Hệ thống pháp luật về đất đai của Thụy Điển gồm có rất nhiều các đạo luật, luật, pháp lệnh phục vụ cho các hoạt động đo đạc địa chính và quản lý
đất đai. Các hoạt động cụ thể như hoạt động địa chính, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, bất động sản và việc xây dựng ngân hàng dữ liệu đất đai... đều được luật hoá. Ở Thụy Điển, hầu như tất cả các chuyển nhượng đều được đăng ký. Vì việc đăng ký sẽ tăng thêm sự vững chắc về quyền sở hữu của chủ mới, tạo cho chủ sở hữu mới quyền được ưu tiên khi có tranh chấp với một bên thứ ba nào đó và quan trọng hơn, quyền sở hữu được đăng ký rất cần thiết khi thế chấp. Về vấn đề thế chấp, quyền sở hữu được đăng ký sau khi hợp đồng được ký kết nhưng thế chấp lại được thực hiện theo một cách khác. Theo quy định của pháp luật về thế chấp, có 3 thủ tục để thực hiện thế chấp: Bước (1) Trước tiên người sở hữu đất đai phải làm đơn xin thế chấp để vay một khoản tiền nhất định. Nếu đơn được duyệt thì thế chấp đó sẽ được đăng ký và toà án sẽ cấp cho chủ sở hữu một văn bản xác nhận đủ điều kiện thế chấp. Văn bản xác nhận đủ điều kiện thế chấp này sẽ được sử dụng cho một cam kết thế chấp thực thế được thực hiện sau khi đăng ký. Văn bản xác nhận đủ điều kiện thế chấp dường như chỉ có ở Thụy Điển. Bước (2) Văn bản xác nhận đủ điều kiện thế chấp được gửi cho bên cho vay. Bước (3) được áp dụng khi hợp đồng thế chấp bị vi phạm. Khi không được thanh toán theo đúng hợp đồng, bên cho vay sẽ làm đơn xin tịch thu tài sản để thế nợ. Việc này sẽ do một cơ quan có thẩm quyền đặc biệt thực hiện, đó là: Cơ quan thi hành pháp luật. Nếu yêu cầu không được chấp thuận, tài sản sẽ được bán đấu giá và bên cho thế chấp sẽ được thanh toán khoản tiền đã cho thế chấp. Thủ tục này được tiến hành khá nhanh chóng. Vụ việc sẽ được xử lý trong vòng 6 tháng kể từ khi có đơn xin bán đấu giá (Nguyễn Thị Thu Hồng, 2015).