Giải pháp nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác thu gom và xử lý nước thải của làng nghề phong khê thành phố bắc ninh (Trang 73 - 77)

3. Ý nghĩa

3.5.5. Giải pháp nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng

Cộng đồng là một tập hợp công dân cư trú trong một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẻ những giá trị văn hoá chung. Một số tổ chức chính trị - xã hội cũng có thể đại diện cho cộng đồng như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân.

Sự tham gia của cộng đồng phường Phong Khê vào bảo vệ môi trường khác với sự tham gia của từng cá nhân, bởi vì trước hết cộng đồng là một tập hợp dân cư có lịch sử gắn bó lâu dài và chia sẻ nhiều đặc điểm chung.

Những tính chất có sức mạnh nổi bật của cộng đồng là: tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung (sức mạnh tập thể bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh cá nhân); sự sáng tạo và duy trì các kiến thức bản địa (đây là một đặc trưng văn hoá phi vật thể, lan truyền và bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo ra sức sống của cộng đồng trong quá trình sản xuất và bảo vệ cuộc sống); lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, của quê hương gắn với tình yêu dân tộc, đó cũng chính là cuội nguồn lớn nhất của sức mạnh cộng đồng.

Hiện nay công tác quản lý và bảo vệ môi trường đang đứng trước thách thức to lớn, khi mà nhu cầu về một môi trường sống trong lành và an toàn luôn mâu thuẫn với nhu cầu hưởng thụ một đời sống vật chất sung túc. Nói cách khác, công tác BVMT đang phải đối mặt với các mẫu thuẫn trong suy nghĩ, thái độ, hành vi về môi trường giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, giữa người này với người khác và ngay cả trong bản thân một con người. Để quản lý môi trường có hiệu quả, trước hết cần dựa vào các cộng đồng. Các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường phải là thể thống nhất, hài hoà và có sự tham gia của tất cả các cá nhân cũng như các tổ chức trong việc chăm sóc môi trường ở cơ sở để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Bảo vệ môi trường ở cơ sở xã, phường, thị trấn là một vấn đề còn mới mẻ, nhưng rất bức bách và gắn liền với lợi ích của cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở địa phương, vì qua các cấp quản lý hành chính (từ Trung ương đến cơ sở) thì càng xuống cấp thấp hơn vai trò của người dân càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện.

Sự tham gia của cộng đồng là việc một cộng đồng được tham gia tư vấn ý kiến, tỏ thái độ và mối quan tâm của họ về một kế hoạch phát triển hay một qui hoạch phát triển kinh tế vùng, khu vực, hoặc kế hoạch sử dụng tài nguyên. Đây là cơ hội để người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình và bằng cách đó họ có thể làm ảnh hưởng đến sự ra quyết định của cấp có thẩm quyền. Hình thức tham gia của

cộng đồng có thể khác nhau: có thể là một chính sách về môi trường, qui hoạch vùng, xây dựng các cụm công nghiệp. Mức độ và loại hình tham gia của cộng đồng ở từng vùng mang tính đặc trưng riêng, đặc biệt còn tùy thuộc vào tâm lý, trình độ dân trí và khả năng nhận thức những vấn đề liên quan đến ý kiến tham vấn, đóng góp của cộng đồng.

Những quyết định về quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng khu vực. Những người phải chịu tác động bao gồm những người sống, làm việc, học tập và người thường qua lại trong khu vực đó; do đó sự cần thiết phải có những ý kiến về những gì họ đang làm, những gì họ đang muốn, họ đang tìm hiểu.

Cộng đồng có vai trò ngăn ngừa các hành vi vi phạm, phát hiện sự cố môi trường và các vi phạm, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Khi đặt cộng đồng trong quản lý môi trường sẽ làm tăng sự công bằng, sự bình đẳng giữa mọi cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng các mô hình BVMT. Mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp nhận thông tin, quyền được hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp, lợi ích vật chất và chi phí vật chất, lợi ích trước mắt và lâu dài do việc triển khai các mô hình BVMT mang lại.

Mô hình BVMT có nhiều lợi ích đối với cộng đồng như việc thành lập tổ vệ sinh môi trường tự quản, việc này có thể tạo ra cơ hội về việc làm cho người dân, kinh phí đầu tư thấp, song lại có hiệu quả cao, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường địa phương. Mô hình BVMT đem lại lợi ích đối với quốc gia như: giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội do ô nhiễm môi trường gây ra; huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia BVMT trong qua trình phát triển các mô hình BVMT, tạo nên sự hợp tác liên ngành ở địa phương.

Các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cũng góp phần to lớn trong quản lý và bảo vệ môi trường như Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh,… thống nhất với UBND phường và đề ra các qui ước, hương ước của địa phương về bảo vệ môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ có vai trò vận động hội viên, nông dân và con em mình thực hiện các qui ước, hương ước của cộng đồng về bảo vệ môi trường, xây dựng các lớp tập huấn về môi trường, hình thành ý thức

trách nhiệm, tự giác trong bảo vệ môi trường; Đoàn Thanh niên với thành phần là các thanh niên nhiệt tình, năng nổ cùng các đội viên là thành viên trong các hội đoàn thể, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động mọi người dân giữ gìn VSMT.

Quan trọng nhất tại các hộ gia đình tham gia sản xuất, là đối tượng chấp hành các quy định của địa phương và nhà nước về vấn đề môi trường, là đối tượng trực tiếp áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn như sử dụng các nguồn nhiên liệu đảm bảo trong việc đốt lò hơi, không sử dụng các loại rác thải như: vải cũ, tấm nhựa, cao su, chất dẻo… để đốt lò hơi sản xuất giấy, giảm thiểu chất thải phát sinh và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.

Các hộ dân tham gia sản xuất cũng như các hộ dân sống trong khu vực cần tiến hành phân loại rác ngay tại nhà; với các loại rác hữu cơ (như thức ăn thừa, lá cây…) được tận dụng và chôn lấp ngay trong vườn nhà; với các loại rác thải vô cơ (như chai thuỷ tinh, một số đồ nhựa, đồng, sắt...) có thể đem bán cho các cơ sở thu gom phế liệu; còn lại các loại vật liệu phế thải trong sản xuất khác không tận dụng được… sẽ chứa trong thùng rác gia đình để chờ thu gom; đặc biệt đối với rác thải nguy hại có tính chất độc hại (như bình ắc quy, pin đèn, bóng đèn điện nê ông, vỏ chai hóa chất dùng để tẩy trắng giấy,…) cần được thu gom riêng và bảo quản an toàn chờ xử lý. Người dân có tinh thần đóng góp chi phí bảo vệ môi trường, tích cực tham gia lao động công ích vì môi trường khi địa phương phát động.

Như vậy, một lần nữa khẳng định vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường rất quan trọng, do đó cần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT bằng cách thể chế hoá các qui định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia công tác BVMT; đa dạng hoá các loại hình hoạt động BVMT, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thực hiện các dịch vụ BVMT; xây dựng phong trào toàn dân BVMT; xây dựng và thực hiện hương ước, qui định, cam kết BVMT và phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động BVMT.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác thu gom và xử lý nước thải của làng nghề phong khê thành phố bắc ninh (Trang 73 - 77)